08/01/2025

Trước ‘giờ G’ thi tốt nghiệp: Những lưu ý ‘sống còn’

Trước ‘giờ G’ thi tốt nghiệp: Những lưu ý ‘sống còn’

Sáng 18-7, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tiếp tục đến với học sinh Bình Định. Tại đây, chuyên gia từ Bộ GD-ĐT và các trường đại học chỉ ra những lưu ý ‘sống còn’ cho thí sinh khi ngày thi đang đến gần.

Trước giờ G thi tốt nghiệp: Những lưu ý sống còn - Ảnh 1.

Thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình sáng 18-7 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) – lưu ý đến ngày 1-8 khi nhận giấy báo dự thi, việc đầu tiên cần làm là xem thật kỹ các thông tin trên giấy chính xác hay chưa.

Các em có thể liên hệ trường điều chỉnh thông tin nếu sai sót. Chiều ngày 8-8 đến hội đồng thi sinh hoạt và làm thủ tục, thí sinh vẫn có thể báo cáo chỉnh sửa các chi tiết trong giấy báo.

Bà Nga lưu ý thêm khi vào phòng thi, thí sinh thường rất căng thẳng. Tuy nhiên không nên vội làm bài ngay.

Nên dành 5 phút kiểm tra toàn bộ thông tin trên đề thi xem đã đủ số trang, thông tin có bị nhòe, bị mất hay không? “Quá 5 phút mới thay đổi các mã đề thi sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em”, bà Nga nhấn mạnh.

Với các bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, tất cả bài thi thành phần phải giống nhau. Thí sinh mỗi khi nhận một đề thi thành phần cần kiểm tra thật kỹ xem có giống mã đề trước đó hay không. Nếu không khớp phải báo ngay với cán bộ coi thi.

Dự kiến ngày 27-8, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia và sẽ công bố phổ điểm. Dựa vào đó, thí sinh cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng.

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Với phương thức trực tuyến, thí sinh dùng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Với phương thức bằng điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm.

Về tình hình đăng ký xét tuyển, bà Nga thông tin đa số thí sinh lựa chọn các khối ngành xã hội, quốc phòng an ninh, trái lại những khối ngành tự nhiên và sư phạm khá ít. Đây cũng là cơ sở để học sinh cân nhắc thêm cho giai đoạn thay đổi sắp tới.

TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng trở lên gần 90%. Tuy nhiên, thí sinh thường trúng tuyển các nguyện vọng từ 1 đến 3.

Trước giờ G thi tốt nghiệp: Những lưu ý sống còn - Ảnh 2.

TS Lê Xuân Vinh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn – trong chương trình sáng 18-7 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Học tại Quy Nhơn có việc không?

Một học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (Bình Định) đặt câu hỏi cho học sinh về tiềm năng học khối ngành kinh tế và cơ hội việc làm tại Quy Nhơn. TS Lê Xuân Vinh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn – cho biết ngoài sư phạm, khoa học xã hội, kinh tế cũng là một trong những khối ngành quan trọng của nhà trường.

Ông Vinh thông tin thêm chủ trương của tỉnh Bình Định là phát triển mạnh về du lịch, logistics, công nghệ dịch vụ. Do đó, nhu cầu về nhân lực các ngành này trong thời gian sắp tới sẽ rất cao. Hằng năm tại các ngày hội việc làm do Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp tổ chức, các doanh nghiệp ở Bình Định và các tỉnh lân cận đều chủ động đến tìm kiếm lao động.

Hiện tại, các khối ngành kinh tế của trường có các chuyên ngành kinh tế, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, quản trị nhà hàng khách sạn.

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các trường ĐH, sở GD-ĐT các địa phương tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Sáng mai 19-7, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên).

TRỌNG NHÂN
TTO