24/11/2024

‘Thấm đòn’ cho vay mua xế hộp

‘Thấm đòn’ cho vay mua xế hộp

Các ngân hàng đang dồn dập rao bán tài sản thế chấp, trong đó có nhiều xế hộp của người vay bị xiết nợ sau giai đoạn COVID-19 đầy khó khăn.

 

 

Thấm đòn cho vay mua xế hộp - Ảnh 1.

Giá xe dưới 500 triệu đang được khách hàng tìm mua khá nhiều, sau khi phí trước bạ với xe sản xuất trong nước được giảm 50% – Ảnh: CÔNG TRUNG

 

Từ phân khúc đầy tiềm năng, các ngân hàng (NH) đang đau đầu khi nợ xấu cho vay mua ôtô tăng lên, người vay không hợp tác dẫn đến hàng loạt vụ xiết nợ lùm xùm trên mạng thời gian gần đây.

Dồn dập rao bán

Trong vòng hai tháng trở lại đây, lượng ôtô mà các NH rao thanh lý tăng đột biến. Trước đây mục thanh lý tài sản của các NH phần lớn là bất động sản, nay chủ yếu là ôtô. Chẳng hạn, VIB đang thanh lý 59 chiếc thuộc đủ mọi chủng loại, không chỉ ôtô loại nhỏ như trước mà có cả xe khách và xe tải, như chiếc xe khách Samco Limousine đang được rao 890 triệu đồng, xe Ford Transit 16 chỗ đang được rao 434 triệu đồng.

Không chỉ VIB, mục thanh lý tài sản của TPBank từ tháng 7 đến nay hầu hết là ôtô của các tổ chức và cá nhân. Trong các thông báo, NH này nêu rõ đây là các tài sản được xử lý để thu hồi nợ do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ dù NH đã nhiều lần đôn đốc. Nhiều NH khác cũng liên tục rao bán thanh lý xe để xử lý nợ, với hàng lô ôtô dưới 9 chỗ ngồi và xe tải hạng nhẹ, giá khởi điểm từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng/chiếc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều NH thừa nhận số lượng ôtô bị thu nợ tăng lên thời gian gần đây. Nhiều nhất là xe tải và xe chạy dịch vụ, xe khách vì dịch bệnh, kinh doanh đình trệ, người vay không có nguồn tiền trả nợ NH. Bên cạnh đó, nhiều gia đình trước đây mua xe trả góp vừa phục vụ gia đình vừa kinh doanh cũng gặp khó do thu nhập giảm sút, không trả nợ đúng hạn cũng bị NH thu nợ.

Anh Danh (Q.Tân Bình, TP.HCM), vay 800 triệu đồng của một NH cổ phần để mua xe 16 chỗ chạy dịch vụ, cho biết mỗi tháng anh phải góp cả gốc lẫn lãi 15 triệu đồng, vị chi mỗi ngày phải kiếm được ít nhất 500.000 đồng. Trong khi từ sau tết, xe anh nằm một chỗ vì dịch COVID-19. Không chỉ anh mà nhiều người kinh doanh dịch vụ cũng gặp khó như vậy.

Lùm xùm xiết nợ ôtô

Ông Trần Ngọc Tâm, tổng giám đốc NH Nam Á, cho biết thời gian qua NH đã cơ cấu nợ cho một số khách hàng vay mua ôtô theo hướng giãn nợ hoặc giảm số tiền phải trả nợ hằng tháng, kéo dài thời gian vay để phù hợp với thu nhập hiện nay của khách hàng, nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với tình trạng khó khăn kéo dài, không phải trường hợp nào NH cũng chấp nhận cơ cấu nợ, giãn nợ cho người vay, mà nhiều trường hợp NH phải lấy xe để bán thu hồi nợ, dẫn đến hàng loạt vụ lùm xùm thời gian gần đây.

Trước đó, cuối tháng 6-2020, một người vay đã lên mạng tố NH dàn cảnh để tịch thu xe. Anh này cho biết vay NH mua ôtô thời hạn 6 năm, đã trả nợ được 4 năm. Do dịch COVID-19, công việc gặp khó khăn, anh xin đổi ngày trả gốc và lãi để trùng với kỳ lĩnh lương mới. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau, một nhóm tự xưng là thu hồi nợ của NH đến nhà đưa ra thông báo thu hồi trước hạn rồi cưỡng chế với lý do trả chậm nhiều lần và cẩu xe đi.

Một NH có trụ sở tại TP.HCM cũng bị khách hàng tố “chơi chiêu” để thu nợ. Theo vị khách hàng này, anh mua xe để kinh doanh dịch vụ vận tải. Do dịch nên anh chỉ cố thanh toán đủ gốc và lãi đến hết tháng 2, sau đó anh đề nghị NH cơ cấu nợ. Đến tháng 5-2020, anh nhận được điện thoại và tin nhắn của nhân viên NH đề nghị đưa xe tới hội sở làm thủ tục định giá tài sản.

Anh nhờ nhân viên đưa xe đến NH thì được yêu cầu lên văn phòng để viết đơn, nhưng sau đó không thấy xe. Dò hỏi mọi người xung quanh, anh mới biết NH đã thuê người cẩu xe đi. Sau hơn 10 ngày anh mới nhận được thông báo của NH về việc thu giữ tài sản qua bưu điện.

Trên diễn đàn OTO+ cũng vừa xuất hiện cảnh báo chuyện nhiều người vay quá hạn được NH gọi mang xe lên để thẩm định, rồi bị thu giữ xe để xử lý nợ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo các NH khẳng định có quyền thu hồi ôtô khi khách hàng không thanh toán đúng như cam kết.

Với những trường hợp xét thấy không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn, NH sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác, không lên làm việc. Chỉ khi hết hạn giấy đi đường hay đến hạn đăng kiểm mới liên hệ NH để xin giấy, lúc này NH mới xử lý được khoản nợ.

Khách hàng cá nhân ngại mua xe thanh lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các NH cho biết việc thanh lý xe cũ sẽ có một đơn vị thứ ba thực hiện định giá. Trong biên bản định giá sẽ có đề cập đến các yếu tố như: giá thành xe cũ tại thời điểm đó, đời xe, số kilômet sử dụng, thậm chí cả các vết móp, xước đều được bên định giá độc lập ghi nhận vào đó và họ sẽ đưa ra một mức giá phù hợp.

Trên thực tế, số lượng xe thanh lý thành công chiếm đến 80-90% xe thu hồi của NH. Trong đó, khách hàng lựa chọn mua xe thanh lý phần lớn là các đại lý chuyên buôn bán các dòng xe cũ do nắm khá rõ các thủ tục liên quan. Khách cá nhân còn dè dặt, e ngại do chưa hiểu về thủ tục sang tên.

Theo các NH, khi có nhu cầu, khách hàng cá nhân có thể lên website của NH để xem và lựa chọn dòng xe phù hợp. Khi tiến hành mua bán thì sẽ ký hợp đồng trực tiếp với NH, NH xuất hóa đơn mua bán để khách hàng làm thủ tục sang tên bình thường như khi mua xe tại các đại lý.

ÁNH HỒNG
TTO