04/01/2025

Lo vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đề xuất ‘cứu’ BOT hầm Đèo Cả

Lo vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đề xuất ‘cứu’ BOT hầm Đèo Cả

Dự án BOT hầm Đèo Cả đang đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính, phải kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn thêm nhiều năm do các phương án hỗ trợ của nhà nước trước đó đang bị “treo”.
Cầu hình bán nguyệt trên đường dẫn phía bắc hầm Đèo Cả /// Ảnh Đức Huy
Cầu hình bán nguyệt trên đường dẫn phía bắc hầm Đèo Cả ẢNH ĐỨC HUY
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và trạm thu phí La Sơn – Tuý Loan, hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án, trước mắt bố trí 50 tỉ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10%; phần vốn còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 – 2025.
Bộ GTVT cho rằng, khoản tiền này không nằm ngoài phần vốn nhà nước cam kết bố trí cho dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định. Đặc biệt, trong bối cảnh dự án chịu tác động từ việc sụt giảm doanh thu so với dự báo ban đầu và tác động của dịch Covid-19 thời gian qua.
Trước đó, theo phương án tài chính đã được phê duyệt, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn 21.612 tỉ đồng. Trong đó, vốn BOT là 16.564 tỉ đồng, nhà đầu tư được sử dụng 7 trạm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn – Tuý Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng.
Vốn nhà nước tham gia 5.048 tỉ đồng, sau khi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư…, còn lại 1.180 tỉ đồng Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả để bảo đảm hiệu quả tài chính.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 439/2017, trong đó quyết định thu hồi 1.180 tỉ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc thu hồi vốn nhà nước đã cam kết hỗ trợ cho dự án đã ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ước tính, trường hợp không được bổ sung 1.180 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn của dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên khoảng 32 năm 2 tháng.

Thu phí trạm La Sơn – Tuý Loan để hoàn vốn

Trước đó, trạm La Sơn – Túy Loan cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tài chính, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn từ trạm thu phí La Sơn – Túy Loan hiện đang vướng luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo tính toán của Bộ GTVT, trường hợp giữ nguyên trạm thu phí La Sơn – Tuý Loan để hoàn vốn cho dự án (với vốn nhà nước hỗ trợ 5.048 tỉ đồng) như hợp đồng đã ký kết, thời gian hoàn vốn khoảng 30 năm 3 tháng.
Trường hợp không thu phí tại trạm La Sơn – Tuý Loan, phương tiện trên QL1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn – Tuý Loan (ước khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên 1. Trong khi đó, nếu không bổ sung hỗ trợ nhà nước (khoảng 2.280 tỉ đồng theo kết luận kiểm toán nhà nước), thời gian hoàn vốn của dự án tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính và hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Bộ GTVT cũng cho rằng, nếu tăng mức phí qua trạm lên tối đa, các phương tiện sẽ đi theo QL1 qua đèo để không mất phí, hiệu quả tài chính sẽ càng giảm.
Trên cơ sở ý kiến các Bộ KH-ĐT, Tài chính, Tư pháp và kết luận của Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thu phí trạm La Sơn – Tuý Loan để hoàn vốn cho dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.
“Trường hợp cần thay đổi cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn – Tuý Loan để hoàn vốn, kiến nghị Chính phủ chấp thuận theo đề xuất của Bộ Tài chính giao Bộ GTVT phối hợp xây dựng phương án cân đối vốn góp của nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính, cũng như phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước tại tuyến La Sơn – Tuý Loan trình Chính phủ xem xét quyết định, nhằm giảm ảnh hưởng đến phân chia lưu lượng với tuyến QL1”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu.
Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tổng cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông là 173.444 tỉ đồng. Trong đó, 49 dự án dư nợ khoảng 64.676 tỉ đồng, khi đưa vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính (do giảm phí hoặc chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng BOT đã ký, do có sự thay đổi về vốn hỗ trợ của nhà nước…), nguy cơ phải chuyển nhóm nợ, khả năng nợ xấu tiếp tục tăng. Nếu không được sớm giải quyết sẽ rất khó khăn để các ngân hàng xem xét cung cấp tín dụng cho các dự án BOT mới.
MAI HÀ
TNO