24/11/2024

Đề xuất quy hoạch điện gió trên biển

Đề xuất quy hoạch điện gió trên biển

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công thương tích hợp các nguồn năng lượng hiện có của tỉnh vào quy hoạch điện VIII, trong đó có 3.240MW điện gió trên biển.
Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội kiểm tra tiến độ dự án đường dây 500 kV do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư /// Thiện Nhân
Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội kiểm tra tiến độ dự án đường dây 500 kV do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư  THIỆN NHÂN
Chiều 17.7, Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch điện VII, điện VII điều chỉnh và phương hướng, kế hoạch thực hiện lập quy hoạch điện VIII.
 Đề xuất quy hoạch điện gió trên biển - ảnh 1

Ông Vũ Hồng Thanh đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch   ẢNH: THIỆN NHÂN

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, theo định hướng các quy hoạch đã lập và phê duyệt, tiềm năng phát triển năng lượng trên địa bàn Ninh Thuận với tổng công suất là 20.888 MW.
Trên cơ sở được Bộ Công thương phê duyệt, khả năng phát triển điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2030 khoảng 3.240 MW; điện gió trên biển khoảng 3.240MW; riêng điện mặt trời, mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 được xây dựng và lắp đặt khoảng 8.448 MW.
Ninh Thuận có lợi thế phát triển cảng nước sâu ở Cà Ná (H.Thuận Nam) tiếp nhận tàu chở khí LNG thương mại lên đến 250.000 m3. Để đầu tư phát triển cảng kết hợp với phát triển điện khí LNG, Ninh Thuận đã lập và kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, với công suất từ 6.000MW – 7.500MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 1, công suất 1.500MW.
Ngoài ra, Ninh Thuận còn có dự án thủy điện tích năng Bác Ái nằm trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất 1.200 MW (gồm 4 tổ máy), tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 12.2028.
 Đề xuất quy hoạch điện gió trên biển - ảnh 2

Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước   ẢNH: THIỆN NHÂN

Hiện nay tổng các dự án của tỉnh đã được bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh là 59 dự án với tổng công suất 11.651,875MW.
Đến thời điểm này, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió, tổng công suất 678,33MW; đã có 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 181MW; các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư nhưng đang vướng thủ tục bổ sung quy hoạch đấu nối.
Về điện mặt trời, Ninh Thuận đã cấp quyết định đầu tư cho 34 dự án, với tổng công suất 2.343MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỉ đồng. Đến nay, có 23 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 1.403MW, dự kiến đến cuối năm 2020 tiếp tục có 8 dự án đưa vào vận hành, với tổng công suất 720MW.
Đối với lưới điện, tỉnh đã có 15 công trình lưới điện truyền tải đã bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đặc biệt, hiện nay Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện lắp đặt trạm biến áp 500kV Thuận Nam được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, dự kiến vận hành trong tháng 9.2020 và các tuyến đường dây đấu nối với khả năng giải tỏa công suất các trạm biến áp và đường dây 500 kV khoảng 1.800 – 24.500 MW, đáp ứng giải tỏa hết công suất của dự án trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hậu cho rằng, vướng mắc lớn nhất đối với tỉnh hiện nay là vấn đề quy hoạch sử dụng đất; vấn đề lưới điện; thủ tục chuyển đổi đất rừng… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, công trình lưới điện truyền tải đi qua nhiều địa phương.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét xác định cụ thể chủ trương xây dựng Trung tâm năng lượng trong quy hoạch điện VIII và xác định Ninh Thuận là Trung tâm năng lượng của cả nước. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương cập nhật và tích hợp các nguồn năng lượng hiện có của tỉnh vào quy hoạch điện VIII, với tổng quy mô công suất hơn 21.592MW; trong đó điện gió đất liền 2.000MW; điện gió trên biển 3.240MW; điện mặt trời nối lưới 8.852MW; điện khí LNG 6.100MW và thủy điện tích năng 1200 MW…
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá cao việc tỉnh khai thác rất tốt tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Theo ông Thanh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp thu các kiến nghị của tỉnh và sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết phù hợp với tình hình phát triển điện năng ở địa phương.
THIÊN NHÂN
TNO