Công ăn việc làm – Vấn đề lớn nhất hiện nay
Công ăn việc làm – Vấn đề lớn nhất hiện nay
Trong 4 “đỉnh” của tứ giác mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp) hiện nay, thì thất nghiệp (hay công ăn việc làm) là vấn đề lớn nhất.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng ở mức thấp nhất so với tốc độ của cùng kỳ nhiều năm qua, nhưng vẫn mang dấu dương. Đây là kết quả tích cực trong điều kiện tăng trưởng âm của toàn cầu, trong đó của một số nền kinh tế còn bị giảm sâu.
Tăng trưởng có thể phục hồi vào cuối năm
Với việc mở sớm mặt trận thứ hai và với tư duy chống suy thoái kinh tế như chống giặc, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ cao lên (dự đoán nếu 6 tháng cuối năm tăng bằng với tốc độ tăng của quý I (%), thì cả năm sẽ tăng 2,84% – cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm (1,81%) và đạt 3,68% tăng trưởng dương cao hơn).
Tất nhiên, tăng trưởng thấp là tiền đề quan trọng làm cho thất nghiệp cao và thất nghiệp cao lại tác động trở lại làm cho tăng trưởng kinh tế thấp, vì tác động làm cho tiêu dùng thấp, mà tiêu dùng là một động lực của tăng trưởng.
Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm chưa cao. Lạm phát (CPI) sau 6 tháng còn giảm 0,59%, bình quân 6 tháng tăng 4,19%- liên tục thấp hơn các kỳ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, đang có xu hướng tiến tới mục tiêu 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Mặc dù nhiều nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ, theo quy luật của thị trường, khi tiền nhiều hơn hàng, thì sẽ gây ra lạm phát cao. Nhưng do việc mở cửa trở lại còn hạn chế vì dịch Covid-19 vẫn bùng phát lan rộng hoặc bùng phát trở lại nên lạm phát ở nhiều nền kinh tế phát triển vẫn ở mức thấp hơn định hướng. Lạm phát cơ bản của Việt Nam bình quân 6 tháng còn thấp hơn CPI bình quân (2,81% so với 4,19%) nên đây chưa phải vấn đề lo ngại, có chăng phải từ đầu năm sau.
Cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Hàng hóa xuất siêu trong 6 tháng cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (4,04 tỉ USD so với 1,76 tỉ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (3,33% so với 1,44%). Xuất siêu hàng hóa lớn và tăng so với cùng kỳ năm trước do xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu (giảm 1,1% so với giảm 3%). Do lạm phát có xu hướng chậm lại, tỷ giá VND/USD thấp (tháng 6 so với tháng 12/2019 mới tăng 0,47% và bình quân 6 tháng so với cùng kỳ mới tăng 0,12%) góp phần không gây áp lực cho việc găm giữ ngoại tệ nên dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, vượt ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ thế giới khi đã đạt trên 4 tháng nhập khẩu…
Theo đó, 3 “đỉnh” trên tuy còn có những vấn đề cần phải giải quyết, nhưng “đỉnh” thứ tư – thất nghiệp – tức là công ăn việc làm – là vấn đề lớn nhất hiện nay.
Lao động việc làm – Vấn đề lớn nhất hiện nay
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 chỉ có 2,22%, quý 2 chỉ có 2,73%, ước 6 tháng 2,47%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (từ 15-24 tuổi) ước 6 tháng 7% . Tỷ lệ thiếu việc làm trong tuổi lao động quý 1 là 2,21%, quý 2 là 2,97%, ước 6 tháng là 2,58%. Đó là những tỷ lệ thuộc loại cao so với cùng kỳ năm trước, quý 2 cao hơn so với quý 1.
Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, so với thực tế, các số liệu trên thấp rất xa so với nhiều nước hiện nay và thấp rất xa so với tỷ lệ hơn 13% của năm 1989. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số người thất nghiệp và thiếu việc làm thực tế cao hơn nhiều với những con số của Tổng cục Thống kê.
Những con số khác trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chứng tỏ công ăn việc làm rất khó khăn. Về sản xuất, hầu hết các chỉ tiêu đều sụt giảm hoặc tăng rất thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (được coi là gia nhập thị trường) giảm so với cùng kỳ (87.200 so với 88.500, tức là giảm 1.342), trong khi số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể cũng như đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 9.787. Đó là chưa kể so với cùng kỳ, số vốn đăng ký mới giảm 163.500 tỉ đồng, số lao động giảm 141.400 người…
Lao động là động lực, lại là nội lực, nguồn lực con người của quy mô GDP, của tốc độ tăng trưởng nên thất nghiệp, thiếu việc làm có tác động về nhiều mặt trong đó có những tệ nạn xã hội, thậm chí là tội phạm, bởi ông cha ta đã chỉ ra “nhàn cư vi bất thiện”.
Để tạo công ăn việc làm đòi hỏi phải có sự nỗ lực của bản thân người lao động, đến tổ chức kinh tế (nhất là doanh nghiệp) và Nhà nước. Người lao động phải nỗ lực tự tạo việc làm, tìm việc làm- khi thị trường lao động đã được hình thành từ vài chục năm nay.
Tổ chức kinh tế (nhất là doanh nghiệp) cố gắng cao nhất tạo việc làm, giữ chân người lao động (không chỉ xuất phát từ lòng nhân ái, mà còn có sẵn khi cú sốc hiện tại vượt qua được); nếu bất khả kháng thì thực hiện đúng chế độ chính sách với người thôi việc, thiếu việc làm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa, bởi nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường, nhưng định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
HIỂU MINH
TNO