Chúa Nhật XVI TN A 2020: Lúa tốt và cỏ dại

Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta những cơn cám dỗ của quỷ dữ, nói đến các thiên thần. Ngài yêu thương tất cả mọi người chúng ta nên đã dựng nên chúng ta, ban muôn ơn phúc cho chúng ta, cho chúng ta có tự do; đồng thời cũng phải có trách nhiệm để chúng ta sống xứng đáng như một con người.

Chúa Nhật XVI TN A 2020

Lúa tốt và cỏ dại

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Thiên Chúa quyền năng đã yêu thương dựng nên muôn loài thọ tạo, trong đó có chúng ta. Dù nhận lãnh biết bao ân huệ của Ngài, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy mình bị những cơn cám dỗ về tiền của, về tham vọng, dục vọng, khiến cho cuộc sống của chúng ta mất bình an và hạnh phúc.

Vậy những cái tiêu cực ấy bắt nguồn từ đâu và chúng ta phải đối phó chúng thế nào? Đó là vấn đề chúng ta sẽ bàn luận hôm nay khi Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta dụ ngôn cỏ dại ở giữa lúa tốt. Người nói đến quỷ dữ, thiên thần, người tốt, người xấu trong cánh đồng thế giới khi giải thích dụ ngôn (x. Mt 13,24-30;36-43).

1. Thực tế đời sống

 Chiều hôm qua, một người phụ nữ Công giáo đến xin tôi giải trừ bùa cho chị vì vào năm 2012, chị đến một ngôi chùa nhận lá bùa xin tài lộc, may mắn, rồi chị bỏ quên trong hồ sơ của công ty. Gần đây chị tìm được nên cảm thấy sợ hãi và đến xin tôi giúp đỡ. Đây là lá bùa chị gửi lại cho tôi.

Trong cuộc sống thường ngày, ta thấy nhiều người đeo những sợi dây chỉ ngũ sắc hay kim loại ở cổ tay hay cổ chân… Đó có thể là đồ trang sức, nhưng cũng có thể là sợi dây may mắn, trừ yêu ma hay tai hoạ. Nhiều người du lịch sang Thái Lan hay Đài Loan, đến thăm những ngôi chùa danh tiếng và đã mua những con tỳ hưu bằng cẩm thạch khá mắc tiền hay những chuỗi hạt để cầu tài lộc, hạnh phúc cho mình. Đó là chưa nói đến đủ loại bùa yêu, và đủ loại bùa trừ tà. Nếu mở trên internet, chúng ta thấy người ta rao bán công khai những loại bùa như vậy. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn nuôi những con Kuman Thong, hy vọng đem lại may mắn. Nhưng tất cả những thứ đó có thật sự mang lại may mắn hay giúp ta tránh xa được nguy hiểm hay ta sẽ phải trả giá cho những mê tín, lầm lạc của mình? Bởi vì những loại bùa phép này có thể là những phương tiện quỷ dữ hay tà ma sử dụng qua những con người để làm lung lạc niềm tin và lòng trông cậy của ta?

2. Mở ra tới vô biên

Trước hết, Thiên Chúa là nguồn của hiện hữu, Ngài yêu thương muôn loài và chia sẻ những ân phúc của Ngài cho tất cả chúng ta. Trong các loài thụ tạo, Ngài dựng nên hai loài có tinh thần, một loài không có thân xác vật chất, chỉ có tinh thần tinh ròng gọi là thiên thần, loài kia có tinh thần trong thể xác gọi là loài người. Nhờ có tinh thần nên các loài đó có lý trí, ý chí và những giá trị tinh thần như tự do, hạnh phúc, tình yêu, tình cảm để chọn lựa và điều khiển những hành động của mình, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về những hành động đó.

Một số thiên thần đã nghe theo lời xúi giục của Lucifer chống lại Thiên Chúa, nguồn của mọi ân huệ, để hy vọng có được sự thăng tiến nhanh chóng hơn. Lucifer, với tên gọi “người mang ánh sáng”, lúc đó là một tổng lãnh thiên thần hết sức cao quý, đầy quyền năng, chỉ kém một mình Thiên Chúa, nên nghĩ rằng nếu loại bỏ được Thiên Chúa, mình sẽ trở thành Thiên Chúa và hứa hẹn cho những thiên thần theo mình nhiều ân huệ hơn tình trạng họ đang có.

Tuy nhiên các thiên thần ấy không hiểu được thân phận của họ chỉ là những thụ tạo, tất cả ân huệ họ có được đều là những ơn lành Chúa ban cho. Nên khi cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, họ không còn nhận được những ơn mới, trở thành quỷ dữ, và đau khổ mãi mãi vì sự chọn lựa sai lầm của mình. Những giá trị tích cực nơi họ biến thành tiêu cực như tình yêu thành thù hận, sự thật thành dối trá, tốt đẹp thành xấu xa, quyền lực thành bạo lực, khôn ngoan thành xảo quyệt, bình an trở thành bất an, trật tự trở thành hỗn loạn, sống trong hạnh phúc trở thành sống trong bất hạnh.

Quỷ dữ nhìn vào những thụ tạo khác và ghen tức với con người, vì con người cũng được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và có tinh thần như họ. Nhờ tinh thần mở ra đến vô biên, con người mở ra với Thiên Chúa để Ngài soi sáng cho mình, và ban những ân huệ lớn lao. Tinh thần này cũng mở ra với muôn loài hiện hữu: trước hết với những người sống chung với mình trên trái đất, rồi với muôn loài trong vũ trụ để hiểu biết và quản lý chúng, như Chúa đã ra lệnh cho con người: “hãy bá chủ chim trời cá biển và mọi vật trên mặt đất”. Tinh thần ấy cũng mở ra với mọi hữu thể có tinh thần, gồm những thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh luôn nâng đỡ ta, với thiên thần sa ngã là quỷ dữ, với các linh hồn người đã khuất gồm các thánh nhân, các người sống trong tình trạng luyện ngục và với cả tà ma, là những người đến giây phút cuối cùng vẫn từ chối sám hối với Chúa nên họ đã cắt đứt với sự hiệp thông và chung số phận với những quỷ dữ.

Số 130 của Học thuyết Xã hội Công giáo xác định cho chúng ta rằng: “Mở ra với siêu việt là đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với muôn loài thụ tạo. Nhờ tinh thần với trí khôn và ý chí, con người không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình để có thể tiếp xúc được với Đấng siêu việt là Thiên Chúa cũng như với muôn vật muôn loài hiện hữu”. Điều này là một điểm mới vì công bố năm 2004, nên rất nhiều người chúng ta có lẽ chưa quan tâm và cũng chưa tìm hiểu.

3. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh

Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về những cơn cám dỗ của quỷ dữ, nói đến các thiên thần. Thiên Chúa yêu thương tất cả và đã dựng nên chúng ta, ban muôn ơn phúc cho chúng ta, cho chúng ta có tự do; đồng thời cũng phải có trách nhiệm để chúng ta sống xứng đáng như một con người. Chúa không cản tay Adam khi ông ăn trái cấm. Tội lỗi của Adam, qua tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Ngài sai Con Một của Ngài đến cứu chúng ta, đã biến tội lỗi ấy trở thành dịp mang lại ơn cứu độ, khiến chúng ta không còn chỉ là những thụ tạo mà trở thành con Thiên Chúa như Đức Giêsu. Đó là ân phúc lớn lao, vì Ngài quyền năng vô tận, trong khi các thần linh khác đều là giả dối, nên Ngài làm chủ được sức mạnh của mình, Ngài không phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội (x. Kn 12,13).

Những cơn cám dỗ thường xuyên xảy ra trong cuộc đời của chúng ta mà chúng ta không để ý, vì tinh thần chúng ta mở ra nên quỷ dữ, tà ma là những tinh thần có thể tác động vào tinh thần của ta. Mỗi ngày chúng ta nghe biết bao lời nói, có lời hay ý đẹp, cũng có lời xấu xa, nguy hiểm, tiêu cực; biết bao hình ảnh tốt đẹp, nhưng cũng có những hình ảnh trong cuốn phim, tiểu thuyết, sự kiện thôi thúc ta chiều theo những tham vọng, dục vọng thấp hèn. Chúng xuất hiện không phải trong ban đêm mà cả ban ngày: nhìn thấy người bạn đeo nhẫn kim cương, ai trong chúng ta lại chẳng thích những đồ trang sức quý giá ấy! Nhưng quỷ dữ lại thôi thúc ta tìm cách chiếm đoạt, lấy cắp chiếc nhẫn đó. Nhìn thấy một cô gái đẹp, lòng ai chả xúc động vì đó là cái đẹp hướng ta đến Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ; nhưng quỷ dữ lại thôi thúc ta chiếm đoạt sắc đẹp ấy cho thoả cơn dục vọng của mình.

Chúng ta là những con người hèn yếu, chúng ta không biết làm thế nào để thoát được cơn cám dỗ, nếu không có thiên thần bản mệnh ở bên cạnh ta, nếu không có thánh bổn mạng gần gũi ta. Nhất là chúng ta đừng quên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong Bài đọc II hôm nay nhắc nhở chúng ta: Thánh Thần tác động đến chúng ta, giúp cho chúng ta là những kẻ yếu hèn, chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào để thoát khỏi cơn cám dỗ (x. Rm 8,26-27). Chính Thánh Thần sẽ soi sáng tâm trí mù tối của ta để khám phá ra những mưu chước của quỷ dữ và ban cho chúng ta sức mạnh để ta chiến thắng.

Hôm nay suy nghĩ về cuộc chiến đấu trường kỳ của mình trong đời sống trần thế, ta hãy gắn bó với Cha Trên Trời đã yêu thương ta và luôn luôn tin tưởng vào tình yêu của Ngài để không bao giờ thất vọng và tuyệt vọng (x. Kn12,16-19). Ngài luôn luôn tha thứ cho ta vì Ngài đã ban Con Một của Ngài cho ta. Nhất là chúng ta cần gắn bó với Chúa Giêsu qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, để Người tăng sức mạnh cho ta. Chỉ có như thế ta không phải chỉ thoát những cơn cám dỗ của quỷ dữ tà ma mà còn tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu để cứu vớt những anh em yếu đuối trong cuộc sống thường ngày.

Lời kết

Đó chính là ước vọng của ta khi đọc kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

HKK