04/01/2025

Khởi động lại điện hạt nhân?

Khởi động lại điện hạt nhân?

Tái khởi động dự án điện hạt nhân là một phương án “được xem xét” trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, cùng với hàng loạt kịch bản phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

 

Khởi động lại điện hạt nhân? - Ảnh 1.

Toàn khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận – Ảnh: MINH TRÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng việc tính tới phương án tái khởi động điện hạt nhân sau năm 2035 là rất cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bởi đây là nguồn điện vận hành ổn định và an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải bắt tay vào ngay từ bây giờ để kịp chuẩn bị mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, đào tạo nguồn nhân lực…

Đưa ra để xem xét

Tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, đơn vị xây dựng quy hoạch là Viện Năng lượng nhấn mạnh quan điểm tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo, tăng nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng, phát triển các nguồn điện linh hoạt như thủy điện đa tính năng, động cơ đốt trong sử dụng LNG… Đặc biệt, phải tính đến việc xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân… nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo dự thảo quy hoạch, có 7 kịch bản chính với các thông số đầu vào phát triển nguồn được đưa ra, nhưng cơ quan xây dựng dự thảo đề xuất ưu tiên lựa chọn kịch bản gắn với mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo. Trong đó, công suất nguồn gió sẽ gấp 3 lần và điện mặt trời gấp gần 2 lần so với quy hoạch VII (điều chỉnh), bổ sung thêm lượng lớn nguồn LNG tại miền Bắc và miền Nam.

Dù không phải là kịch bản được đề xuất nhưng dự thảo cũng nhắc đến định hướng phát triển nguồn điện hạt nhân sau năm 2035. Cụ thể, đưa chính sách xây dựng điện hạt nhân với 1.000 MW vào năm 2040 và 5.000 MW vào năm 2045. Dự thảo cũng tính đến việc không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên xây dựng dự thảo cho hay có nhiều kịch bản nhưng phương án đề xuất thực hiện sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, điện khí LNG. Với điện than và điện hạt nhân, phương án được đưa ra để xem xét chứ không phải ưu tiên đề xuất.

“Kịch bản phát triển điện hạt nhân đưa ra để xem xét, bởi Quốc hội không quy định dừng hẳn điện hạt nhân, nếu không xem xét phát triển sẽ có thể thiếu định hướng cho nguồn điện này. Đó là kịch bản được tính toán đến chứ không phải là kịch bản ưu tiên lựa chọn nên chưa thể cụ thể việc triển khai dự án” – vị này cho hay.

Khởi động lại điện hạt nhân? - Ảnh 2.

Tiểu dự án kéo điện từ trạm biến áp Tháp Chàm về địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đang được đầu tư dang dở – Ảnh: MINH TRÂN

Làm điện hạt nhân là cần thiết

Ông Trần Viết Ngãi – chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN – cho rằng việc đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân sau năm 2035 là phương án quan trọng và cần thiết trong Quy hoạch điện VIII. Bởi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã từng có thời gian dài tới 7 năm để triển khai, đã đền bù giải phóng mặt bằng, thống nhất về kỹ thuật, đàm phán vốn với Nga và Nhật Bản cũng như đưa cán bộ đi đào tạo, vận hành.

Trong khi đó, đây là nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải carbon, thân thiện môi trường. Công nghệ điện hạt nhân cũng ngày càng hoàn thiện, độ an toàn được nâng cao và nhiều nước công nghiệp vẫn duy trì. Do đó, với điều kiện nguồn năng lượng sơ cấp không còn đáp ứng đủ nhu cầu, việc phát triển điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu.

“Điện hạt nhân có thể góp phần đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn sau 2035 cũng như đáp ứng yêu cầu phát thải khí nhà kính. Do đó, trước hết cần khởi động lại và giữ nguyên hiện trạng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tiếp tục việc đào tạo cán bộ, kỹ sư vận hành cũng như thực hiện các khâu liên quan đến thủ tục khởi động và phê duyệt lại dự án” – ông Ngãi đề xuất.

Trực tiếp tham gia quá trình xây dựng quy hoạch điện và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, TS Nguyễn Mạnh Hiến – nguyên viện trưởng Viện Năng lượng – cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ khởi động lại dự án điện hạt nhân từ sau năm 2035 với lý do điện hạt nhân không chỉ có công nghệ tốt, xử lý được các sự cố lớn và đảm bảo an toàn, mà còn giúp vận hành hệ thống ổn định.

Cũng theo ông Hiến, khi làm việc với phía VN, các chuyên gia Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc… đều đánh giá vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đáp ứng được nhiều yêu cầu về kỹ thuật, an toàn.

Đặc biệt, trong khi nguồn điện mặt trời chỉ huy động được vào ban ngày, điện hạt nhân có thể huy động tối đa cả ngày và đêm. Một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW, có thể tương đương huy động 7.000 MW công suất của các nhà máy điện tái tạo.

“Dù ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện khí nhưng những thách thức cho việc đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, ổn định đặt ra yêu cầu cần phải có định hướng rõ ràng hơn cho phát triển điện hạt nhân. Do vậy, đề nghị giữ lại diện tích đất đã quy hoạch trước đây để chuẩn bị cho việc khởi động dự án sau này” – ông Hiến nói.

Khởi động lại điện hạt nhân? - Ảnh 3.

Bảng điều chỉnh quy hoạch khu vực xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) vào năm 2014 – Ảnh: MINH TRÂN

Phải bắt tay chuẩn bị ngay

Ông Nguyễn Quân – nguyên bộ trưởng Bộ KH-CN – lưu ý rằng phát triển điện hạt nhân không đơn thuần như các nguồn điện khác. Do đó, nếu phương án đến năm 2035 triển khai dự án, ngay lúc này cần phải chuẩn bị những công việc để đảm bảo làm chủ công nghệ, trực tiếp người Việt Nam vận hành mới đảm bảo an toàn hạt nhân.

“Nếu như năm 2035 triển khai dự án ban đầu dự kiến với 1.000 MW mà lúc này không khởi động các dự án liên quan sẽ rất khó triển khai. 15 năm cho phát triển điện hạt nhân là quãng thời gian rất ngắn, bởi chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Vì vậy, các công việc cần làm đó là hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị hành lang pháp lý làm cơ sở để thực hiện” – ông Quân nói.

Ông Quân cho rằng khi quy hoạch được phê duyệt có tính tới phương án làm điện hạt nhân, cần bắt tay ngay vào việc làm hạ tầng, khảo sát địa chất. Trước đây với dự án Ninh Thuận, các chuyên gia Nga và Nhật Bản đã khảo sát rất kỹ lưỡng, thăm dò địa chất, đánh giá tác động môi trường nên ưu tiên địa điểm này bởi nếu tìm địa điểm mới rất khó, chưa kể việc khảo sát, làm DTM sẽ tốn thời gian và cần chi phí cao.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, việc xây dựng và đặc biệt là vận hành nhà máy cần phải có người am hiểu công nghệ. Trong khi chương trình đào tạo chuyên gia phải hàng chục năm, những chuyên gia hiện nay trong ngành điện hạt nhân đều hạn chế. Do đó, cần phải có chiến lược đào tạo ngay, hợp tác với các nước để đến năm 2035 khi bắt đầu triển khai, có đủ nhân lực vận hành nhà máy.

“Ngoài ra, cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp, hành lang pháp lý, hợp tác tổ chức quốc tế, tổ chức năng lượng nguyên tử, cơ quan năng lượng nguyên tử các nước, để xây dựng các chương trình. Sửa đổi bổ sung Luật năng lượng nguyên tử phù hợp với thực tế, cũng như có văn bản cơ chế chính sách đãi ngộ thu hút người giỏi vào lĩnh vực này” – một chuyên gia năng lượng nói.

Dự án bị tạm dừng vì lý do kinh tế

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020.

Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó, Nga đồng ý cho VN vay 10,5 tỉ USD, Nhật Bản cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Tuy nhiên, đến tháng 11-2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì lý do kinh tế.

Nhiều nhân lực đã chuyển nghề

Tập đoàn EVN cho biết đầu tư 1.000 tỉ đồng để thực hiện “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên của ban điện hạt nhân bày tỏ sự tiếc nuối khi dừng triển khai dự án cách đây 3 năm. Nhiều cán bộ tham gia đều đã “bỏ nghề”, chuyển đổi sang lĩnh vực khác khi các ban liên quan đều giải thể, dự án dừng triển khai, chỉ còn một số cán bộ trong lĩnh vực điện hạt nhân làm việc tại các viện nghiên cứu liên quan.

Nhật đề nghị giữ lại địa điểm quy hoạch

dienhatnhan3

Bảng giới thiệu quy hoạch khu vực xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) tại khu vực dự án – Ảnh: MINH TRÂN

Trong báo cáo gửi Quốc hội cuối năm 2019 liên quan đến việc thực hiện nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ cho biết đã thanh toán, thanh lý các hợp đồng tư vấn với đối tác Nga, Nhật Bản sau khi dừng dự án. Trước khi dừng dự án, các đối tác Nga và Nhật Bản đã hỗ trợ VN đào tạo gần 450 sinh viên, cán bộ đi học các chuyên ngành liên quan tới điện hạt nhân.

Bộ Công thương cùng các bộ, ngành đã làm thủ tục chấm dứt các hiệp định đã ký giữa VN và Nga về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong năm 2018. Thời điểm dừng dự án, phía Nhật Bản đã nộp bản báo cáo dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (FS) cuối cùng cho chủ đầu tư.

Phía Nhật cũng khẳng định “không có bất cứ yêu cầu gì với chi phí đã tài trợ, giúp đỡ VN trong quá trình chuẩn bị dự án điện”, nhưng đề nghị VN cam kết bảo lưu kết quả lập FS và giữ lại địa điểm quy hoạch cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 nhằm tránh lãng phí khi VN tái khởi động chương trình điện hạt nhân.

Sau thỏa thuận này, đầu năm 2019, ban công tác liên ngành họp lần 2 với phía Nhật Bản và ký biên bản đồng ý chuyển đổi mặt bằng đã được quy hoạch cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm thu hồi khi Nhà nước thực hiện dự án quan trọng quốc gia.

Riêng với các hợp đồng tư vấn, EVN đã thanh toán, thanh lý với các đơn vị tư vấn của Nga tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đồng thời hoàn tất thanh toán, quyết toán chi phí, hợp đồng của các đối tác khác trong nước.

Sau khi dừng dự án điện hạt nhân, Chính phủ chấp thuận loạt chủ trương, hỗ trợ để Ninh Thuận phát triển, một trong số đó là phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Ngoài ra, Ninh Thuận được hỗ trợ đầu tư dự án thủy điện tính năng Bắc Ái, tổ hợp điện khí – khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná…

Khu vực này cũng được ưu tiên xây dựng lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Ninh Thuận tiếp tục được hưởng cơ chế giá ưu đãi phát triển điện mặt trời 9,35 cent/kWh với các dự án điện mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.

NGỌC AN
TTO