30/12/2024

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1-8: Cơ hội cho nông sản Việt

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1-8: Cơ hội cho nông sản Việt

Không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam xuất sang thị trường EU, Hiệp định EVFTA còn là đòn bẩy thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam…

 

 

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1-8: Cơ hội cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Tôm và các sản phẩm từ tôm sẽ có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8 – Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về sự kiện EVFTA được ký kết trước đó và có hiệu lực từ ngày 1-8.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, EVFTA không phải là “đôi đũa thần” giấy cho xuất khẩu VN sang thị trường EU tăng ngay lập tức mà đòi hỏi các DN phải nỗ lực, thậm chí là nỗ lực rất nhiều để tận dụng các cơ hội do EVFTA đem lại.

Nông sản Việt rộng cửa vào EU

Hơn 20 năm xuất khẩu hàng hóa vào EU, ông Phan Minh Thông – tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh – cho biết việc EVFTA được ký kết và sắp có hiệu lực là sự kiện rất quan trọng, cơ hội lớn cho xuất khẩu của VN sang EU, trong đó các mặt hàng nông sản hưởng lợi lớn bởi các nước châu Âu rất thích nông sản VN.

“Nhưng với những yêu cầu của hiệp định này, các DN VN không còn cách nào khác là phải tự nâng cao năng lực để cạnh tranh với một thị trường có yêu cầu cao nhất. Và đó là điều tốt” – ông Thông nói.

Theo ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), số liệu phân tích và dự báo của VASEP cho thấy sau khi EVFTA được thực thi, xuất khẩu thủy sản của VN sang EU có thể tăng 20%.

Hơn 200 dòng thuế với thủy sản sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8, là một yếu tố thuận lợi cho thủy sản VN so với các đối thủ xuất khẩu của VN như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… Khi thuế giảm, các nhà nhập khẩu từ châu Âu sẽ cân nhắc lựa chọn hàng hóa từ VN nhiều hơn.

Một số mặt hàng được dự báo có sự tăng trưởng nhanh vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực là tôm và các sản phẩm từ tôm, có thể đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm tới, so với con số khoảng 700 triệu USD/năm hiện nay.

“Các mặt hàng tôm nguyên con, bóc vỏ… chiếm tới 60% tỉ trọng tôm vào châu Âu, có thuế suất 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu rất lớn của VN thời gian tới” – ông Hòe nhận định, đồng thời bày tỏ hi vọng EVFTA sẽ là cú hích thúc đẩy cá tra trở lại EU mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam – tổng giám đốc Công ty CP Intimex – cho biết do mức thuế suất trước đây rất cao, từ 65 – 211 EUR/tấn tùy loại, mặt hàng gạo VN hầu như không có cơ hội thâm nhập thị trường EU.

“Tuy nhiên, với hạn ngạch 80.000 tấn gạo xay xát và gạo thơm nhập khẩu từ VN mỗi năm sẽ có mức thuế 0% sau ngày 1-8, hoạt động xuất khẩu gạo VN đang đón nhận thông tin khá tích cực, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu đầu ra” – ông Nam nói.

Nhưng không phải “đôi đũa thần kỳ”

Nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất sang thị trường EU, ông Trương Đình Hòe cho biết thời gian qua các DN VN đã nỗ lực cải thiện và dần đáp ứng yêu cầu. Có thể nói, đến nay các DN xuất khẩu thủy sản đều áp dụng khá tốt những quy định mới của EU trong EVFTA như chất lượng, kiểm soát kháng sinh, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động…

Tuy nhiên, theo ông Hòe, các DN Việt cần trao đổi nhiều hơn với khách hàng để cập nhật thông tin về mức thuế và các yêu cầu khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua cuối cùng.

Ông Phan Minh Thông cũng cho rằng dù đem lại nhiều cơ hội nhưng EVFTA không phải là “đôi đũa thần”, đừng kỳ vọng xuất khẩu VN sẽ tăng lên đột biến ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, mà đòi hỏi các DN phải nỗ lực, thậm chí là nỗ lực rất nhiều mới tận dụng được cơ hội.

“Làm với khách hàng EU không hề dễ, nhất là về thủ tục hồ sơ, giấy tờ. Với các đơn hàng đầu tiên, DN phải mất 3-4 tháng để hoàn thiện hồ sơ là chuyện bình thường. Nhưng phải làm, không phải để xuất khẩu được hàng mà còn để nâng cao năng lực của mình lên, để hiểu về văn hóa của khách hàng, để thuận lợi hơn cho sau này” – ông Thông chia sẻ.

Đặc biệt, việc đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU là vấn đề hàng đầu, thời gian chuẩn bị hàng thậm chí ít hơn thời gian thực hiện các thủ tục giấy tờ, hồ sơ theo quy định. “Nhiều DN Việt quen với kiểu cứ thấy hồ sơ chứng từ, quy định là tìm cách xin xỏ hay lách cửa nọ cửa kia… Nhưng làm ăn với EU là phải đáp ứng các thủ tục hồ sơ, có tốn nhiều thời gian cũng phải làm…” – giám đốc một DN nói.

Tại hội nghị về EVFTA vào đầu tháng 7-2020, ông Nguyễn Xuân Cường – bộ trưởng Bộ NN&PTNT – cho rằng để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ EVFTA, VN phải tạo được nguồn hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà VN có khả năng cạnh tranh nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.

“Đặc biệt, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa” – ông Cường nhấn mạnh.

Cơ hội vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Bộ Công thương, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của VN. Tuy nhiên, VN chỉ mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, nên cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa. Chẳng hạn, sau khi EVFTA có hiệu lực, nông – lâm – thủy sản xuất khẩu của VN sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD.

Với 99% dòng thuế nhập khẩu giữa VN và EU sẽ được xóa bỏ trong vòng 7 – 10 năm, EVFTA không chỉ đem lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu mà còn là đòn bẩy cho ngành nông nghiệp VN đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa nông – lâm – thủy sản VN tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

TRẦN MẠNH
TTO