25/11/2024

Thi tốt nghiệp THPT: Tránh khuôn sáo, hời hợt khi làm bài môn ngữ văn

Thi tốt nghiệp THPT: Tránh khuôn sáo, hời hợt khi làm bài môn ngữ văn

Khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, các em hay nhầm lẫn và viết thành dạng bài văn thu nhỏ, nhiều khi viết khuôn sáo, chung chung, hời hợt, chưa thể hiện cái tôi độc lập trong tư duy…
Học sinh cần lưu ý để tránh những sai sót thường gặp khi làm bài thi môn ngữ văn (ảnh minh họa) /// Ảnh T.MAI
Học sinh cần lưu ý để tránh những sai sót thường gặp khi làm bài thi môn ngữ văn (ảnh minh họa) ẢNH T.MAI

Sau tinh giản, nên tập trung vào những tác phẩm nào?

Từ nay tới ngày thi tốt nghiệp THPT chỉ còn hơn 20 ngày, các em học sinh lưu ý không học tủ, bởi thực tế sau khi tinh giản phần kiến thức học kỳ 2 lớp 12, chương trình ngữ văn không còn nhiều.
Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với 3 phần: kiểu bài đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội,viết bài văn nghị luận văn học.
Để làm tốt kiểu bài đọc hiểu, các em cần ôn lại hệ thống kiến thức tiếng Việt đã được học từ THCS tới THPT, luyện kỹ năng trả lời câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Để làm tốt kiểu viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần nắm chắc kỹ năng viết đoạn; phân biệt chắc chắn đoạn văn với bài văn thu nhỏ, có ý thức cập nhật, tích lũy các kiến thức xã hội. Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài thi, cũng là bài các em cần huy động nhiều nhất thời gian, công sức cho ôn luyện.
Cụ thể, theo hướng dẫn tinh giản của Bộ GD-ĐT, các em có thể tập trung vào 9 tác phẩm văn học. Trong đó có 4 tác phẩm thơ: Tây TiếnViệt BắcĐất nướcSóng; 2 đoạn trích văn xuôi trữ tình: Người lái đò sông ĐàAi đã đặt tên cho dòng sông; 3 đoạn trích văn xuôi tự sự: Vợ chồng A PhủVợ nhặt  Chiếc thuyền ngoài xa.
Ngoài ra, cần ôn tập thêm tác phẩm chính luận Tuyên ngôn độc lập, các bài tác giả gồm: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân.

Dành nhiều tâm sức cho bài nghị luận văn học

Cấu trúc đề thi môn ngữ văn những năm gần đây, cũng như theo mô hình đề tham khảo lần 2 năm 2020 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, về cơ bản không thay đổi. Vẫn gồm có 2 phần, 3 câu. Phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm và bài nghị luận văn học 5 điểm.
Phần đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu, có thể là thơ hoặc văn xuôi, có thể là bất kỳ phong cách ngôn ngữ nào các em đã được học, từ chính luận, khoa học, nghệ thuật, sinh hoạt, báo chí đến hành chính – công vụ; sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao.
Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu. Ví dụ: câu hỏi nhận biết thường tập trung vào hai yêu cầu: thứ nhất là yêu cầu xác định một đặc điểm của hình thức văn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt…
Thứ hai là yêu cầu tìm những chi tiết thuộc về nội dung văn bản phù hợp với nội dung định hướng trong câu lệnh; thường có cụm từ “theo tác giả/theo đoạn trích/trong đoạn trích/dựa vào đoạn trích…” , khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải.
Câu hỏi thông hiểu thường yêu cầu giải thích cách hiểu nội dung một khái niệm, nhận định,câu văn,câu thơ… trong văn bản. Học sinh cần giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, biểu tượng (nếu có) của khái niệm, nhận định…
Câu hỏi vận dụng thấp thường yêu cầu xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ, tác dụng của việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ… trong văn bản trong câu, đoạn văn bản. Học sinh cần vận dụng kiến thức tiếng Việt, tu từ học, văn học, cuộc sống… để xác định đúng và phân tích giá trị biểu đạt và biểu cảm.
Câu hỏi vận dụng cao thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định, thông điệp, vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Với dạng câu hỏi này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu…
Hoặc với dạng câu hỏi: “Anh/chị có đồng tình…? Vì sao”, học sinh cần xác định đúng suy nghĩ, nhận thức của mình để luận bàn cho thấu đáo, chặt chẽ. Hoàn toàn có thể xuất hiện nhiều phương án: đồng tình, không đồng tình, đồng tình nhưng có giới hạn, điều kiện, ngoại lệ… Phần quan trọng nhất là trả lời câu hỏi “vì sao?” với lập luận chặt chẽ và trung thực, thuyết phục.
Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo 2 yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả, giải pháp, bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài.

Cần sự sáng tạo, độc lập trong diễn đạt

Những sai sót học sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn ngữ văn tập trung nhiều vào phần kỹ năng. Thứ nhất là kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, các em thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản, nhiều khi chưa phân biệt các cấp độ yêu cầu của 4 câu hỏi đọc hiểu, khiến sa đà phân tích ở câu nhận biết, nhưng lại sơ sài trong câu thông hiểu, hoặc chưa tự tin thể hiện suy nghĩ, cách kiến giải độc lập của mình trong câu hỏi vận dụng…
Thứ hai là kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, các em hay nhầm lẫn và viết thành dạng bài văn thu nhỏ, nhiều khi viết khuôn sáo, chung chung, hời hợt, chưa thể hiện cái tôi độc lập trong tư duy…
Cuối cùng là kiến thức và kỹ năng viết bài nghị luận văn học, học trò nhiều khi không nắm vững kiến thức tác phẩm, không nhớ chính xác các chi tiết văn xuôi hoặc các câu thơ quan trọng, phần nghị luận nhiều khi hời hợt, thậm chí viết theo văn mẫu, sai lạc với yêu cầu của đề bài.
Những sai sót đó cũng là những kiến thức, kỹ năng các em cần học hỏi theo định hướng, điều chỉnh của thầy cô, ôn luyện cho thành thục, quan trọng nhất trong tất cả các kiểu dạng bài là rèn kỹ năng xác định đúng yêu cầu của đề, kỹ năng diễn đạt chuẩn xác, sáng tạo và độc lập.

Trịnh Thị Thu Tuyết

Hệ thống Giáo dục Hocmai