08/01/2025

Sáu tháng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Sáu tháng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Hơn 200 cuộc họp chính thức cấp đại sứ và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, xem xét 59 vấn đề trong chương trình nghị sự, thông qua 81 văn kiện…

 

 

Sáu tháng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – Ảnh: BNG

Đó là những con số đầy ấn tượng về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) – cơ chế đa phương giữ vai trò hàng đầu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế được các quốc gia đặc biệt coi trọng.

Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò ủy viên không thường trực (UVKTT) HĐBA trong 6 tháng đầy ắp sự kiện đó, góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Tình hình chính trị – an ninh, kinh tế – xã hội thế giới ngay từ đầu năm 2020 đã diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực, đặc biệt là Trung Đông – Bắc Phi, Tây Phi, Mỹ Latin, trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… ngày càng lan tỏa, khó kiểm soát hơn trong một “thế giới phẳng”.

Sáu tháng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 2.

Hội đồng Bảo an thảo luận trực tuyến về 6 tháng hoạt động. Cuộc thảo luận phải diễn ra dưới hình thức này do tác động của dịch COVID-19 – Ảnh: BNG

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã trở thành thách thức đa chiều mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế. Trong bối cảnh đó, HĐBA đã nhanh chóng điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp nổi lên như Syria, Libya, Iran, Rakhine (Myanmar), Venezuela, Yemen, CHDCND Triều Tiên, xung đột Israel/Palestine…

Dẫu còn những bất đồng, khác biệt quan điểm nhất định trong quá trình tìm kiếm giải pháp chấm dứt căng thẳng, xung đột, song mong muốn chung, nguyện vọng thiết tha của các quốc gia, dân tộc vẫn luôn là hòa bình, hợp tác thay vì chiến tranh, đối đầu.

Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều thuận lợi nhờ vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, chủ trương “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ” của Đại hội Đảng lần thứ XII, cùng với vai trò “kép” là UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.

Công tác HĐBA luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao, Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Trong hai Thông điệp nhân dịp Việt Nam trúng cử UVKTT HĐBA và đảm nhiệm đồng thời cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 (lần lượt vào tháng 6-2019 và tháng 1-2020), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó” cần xác định đây là “một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ðảng và Nhà nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam “sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách UVKTT HĐBA” trong bài viết nhân dịp Việt Nam trúng cử (tháng 6-2019), nhấn mạnh Việt Nam “ủng hộ hợp tác đa phương nói chung và LHQ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói riêng” trong phát biểu tại phiên họp trực tuyến khóa 73 Đại hội đồng WHO ngày 19-5 vừa qua.

Kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ

Có thể khẳng định trong 6 tháng vừa qua, Việt Nam đã đảm đương thành công vai trò UVKTT HĐBA, đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo dựng môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Chúng ta đã tham gia một cách tự tin, chủ động và thực chất trong các hoạt động của HĐBA, vừa khẳng định lập trường nguyên tắc một cách có bản sắc, vừa thể hiện quan điểm khách quan, cách xử lý linh hoạt, khéo léo.

Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA, Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện tốt vai trò điều hành hoạt động, thương lượng các văn kiện, đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, Ban Thư ký LHQ, các tổ chức quốc tế, khu vực cũng như báo giới.

Ở cương vị này, chúng ta đã đưa ra hai sáng kiến là Thảo luận mở cấp bộ trưởng về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” nhận được mức độ quan tâm kỷ lục (106 nước phát biểu), thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên về Hiến chương LHQ; và Phiên họp về “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN”, tạo diễn đàn trao đổi hợp tác lần đầu tiên giữa HĐBA và ASEAN.

Các sáng kiến này phù hợp với mong muốn của các nước thành viên LHQ nói chung và các nước ASEAN nói riêng là đề cao Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đặc biệt trước xu hướng gia tăng hành động đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia…

Việt Nam cũng đã chứng tỏ năng lực chủ trì, điều hành công việc của các cơ quan trực thuộc của HĐBA mà chúng ta làm Chủ tịch, nhất là Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết của HĐBA về Nam Sudan (nơi chúng ta đang triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2).

Là điều phối viên của nhóm các nước UVKTT (E10) trong tháng 5-2020, ta đã chủ động nối lại cơ chế họp hằng tháng gần đây bị gián đoạn do dịch COVID-19 giữa E10 và Tổng thư ký LHQ qua hình thức trực tuyến, chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại Phiên họp mở về phương pháp làm việc của HĐBA…

Chúng ta đã thúc đẩy phối hợp với Indonesia để cùng có một số phát biểu chung đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA, nhất là khi ta đang đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020.

Với nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù được quy định trong Hiến chương LHQ, HĐBA có thể đưa ra những quyết định có tác động trực tiếp đến các quốc gia, khu vực liên quan. Chính vì vậy, sự tham gia, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói “có lý, có tình” của Việt Nam đối với những vấn đề tưởng như rất xa xôi với chúng ta (như ở châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông…) được cộng đồng quốc tế ghi nhận, xứng đáng với uy tín và sự tin tưởng dành cho một UVKTT được bầu với số phiếu kỷ lục gần như tuyệt đối (192/193 phiếu).

Các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực châu Á như Iran, Hong Kong, Rakhine (Myanmar)… Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại HĐBA, đặc biệt đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và “trọng trách kép” trong năm 2020.

LÊ HOÀI TRUNG (Ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao)
TTO