06/01/2025

Kinh doanh xăng dầu sẽ bớt độc quyền

Kinh doanh xăng dầu sẽ bớt độc quyền

Việc Bộ Công thương bổ sung quy định để doanh nghiệp nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu nhận nhiều ý kiến ủng hộ, bởi việc này sẽ giúp ngành bán lẻ xăng dầu bỏ dần tính độc quyền.
Nhân viên đổ xăng và chào tạm biệt khách hàng tại cây xăng Idemitsu Q8 ở Hà Nội /// Ảnh: Ngọc Thắng
Nhân viên đổ xăng và chào tạm biệt khách hàng tại cây xăng Idemitsu Q8 ở Hà Nội  ẢNH: NGỌC THẮNG
Không ít người dân từng thích thú với hình ảnh vị tổng giám đốc người Nhật cúi chào khách đến đổ xăng trong ngày khai trương cây xăng Idemitsu Q8 đầu tiên tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) vào năm 2017 và mong muốn có nhiều hơn những “cây xăng Nhật Bản” theo mô típ phục vụ văn minh nói trên tại Việt Nam.

Thị trường sẽ sôi động hơn

Một quy định mới được bổ sung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 (ban hành năm 2014) về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương chấp bút đã “nói hộ” người tiêu dùng điều này. Theo dự thảo, Bộ Công thương bổ sung quy định cho thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng không quá 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong phần lý giải đề xuất, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.

Không thể cứ mãi lấy lý do lo mất an toàn, an ninh năng lượng để bảo hộ ngành xăng, dầu trong nước. Điện cũng là ngành năng lượng quan trọng nhưng đến nay cũng đã mở cửa cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, không có lý gì xăng, dầu thì không. Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của các DN ngoại là hợp lý nhưng cũng không nên để quá thấp vì DN sẽ không mặn mà, hạn chế tiềm năng của thị trường.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư

Trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, hiện có nhà đầu tư ngoại duy nhất đến từ Nhật Bản là Công ty xăng dầu Idemitsu Q8 tham gia thị trường Việt Nam và đang nắm 35% vốn tại Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cửa hàng đầu tiên của doanh nghiệp (DN) này hoạt động chính thức từ năm 2017 tại Hà Nội, đến nay lên 4 cửa hàng và tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, vùng ven các tỉnh, thành. Theo kế hoạch của DN này, trong năm 2020 sẽ mở thêm 10 cửa hàng trên cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có thể mục tiêu này không đạt. Trước thời điểm Idemitsu Q8 tham gia, thị trường kinh doanh xăng dầu chỉ có 29 đầu mối nội địa, thị phần tập trung chính vào các ông lớn Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro… Ngoài Idemitsu Q8, một nhà đầu tư ngoại khác cũng đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy sở hữu 103,53 triệu cổ phiếu (khoảng 8%) tại Petrolimex và đang có tham vọng tăng tỷ lệ này lên 20%.

Trước thông tin sẽ mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu, một phó giám đốc công ty phân phối xăng dầu phía nam cho rằng đây là tin tốt cho thị trường. Ông nói một cách tự tin: “Tôi lấy làm lạ khi nhiều ý kiến lo ngại DN trong nước sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn, khó khăn hơn, lép vế hơn… khi có nhà đầu tư nước ngoài vào mang theo dịch vụ hoàn hảo hơn. Tôi khẳng định là DN dịch vụ xăng dầu trong nước bao năm qua đã và đang hoàn thiện chính mình trong cung cách phục vụ, bảo đảm nguồn hàng chất lượng… Thực tế, cũng đã có nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn 3 năm qua, đến nay con số cửa hàng mở chưa đếm hết đầu ngón tay, trong khi các DN lớn trong nước có hàng ngàn cửa hàng. Tất nhiên, mọi so sánh cũng khập khiễng, nhưng cửa hàng nào, vị trí nào đều có thị phần của nó và thêm nhà đầu tư, thị trường sẽ sôi động hơn”.
Theo Bộ Công thương, dự thảo tuy mở ra cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường xăng dầu, song vẫn phải trên nguyên tắc nhà nước phải nắm quyền chi phối. Hoặc đối với các DN sản xuất xăng dầu trong nước, quy định mới sẽ bổ sung quy định dự trữ bắt buộc và kiểm soát, quản lý đối tượng này từ quá trình tái chế rác thải. Điều này nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Giá xăng dầu sẽ do thị trường quyết định

Hoàn toàn ủng hộ chính sách mở cửa cho DN nước ngoài, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lý giải: Trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do đã ký trước đây, Việt Nam không mở cửa cho thị trường năng lượng vì lo ngại các DN nội “thất thế” ngay trên sân nhà, vô hình trung gây mất an ninh năng lượng. Tuy nhiên hiện nay, DN trong nước đã lớn mạnh, chiếm lĩnh thị phần nhưng về mô hình, hoạt động quản trị còn lạc hậu, yếu kém. Bên cạnh đó, xăng dầu sản xuất trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80 – 90% nhu cầu, nguồn lực DN trong nước chưa đủ để tạo ra lượng xăng dầu dự trữ ổn định. Liên kết với DN nước ngoài sẽ giúp DN Việt có cơ hội học tập, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cũng theo ông Long, thị trường xăng dầu trong nước hiện nay thực tế nằm trong tay một vài “ông lớn”, không có sự cạnh tranh. Chính vì độc quyền, nhà nước phải can thiệp định giá, dẫn đến những câu chuyện giá xăng dầu trong nước tăng/giảm trái chiều so với giá quốc tế, gây bức xúc và nghi vấn trong dư luận. Bằng việc mở cửa cho DN nước ngoài, sẽ có rất nhiều DN kinh doanh xăng dầu sẽ tạo thị trường cạnh tranh thật sự. Khi đó, không có chuyện phải đến kỳ liên Bộ lại điều chỉnh giá xăng dầu, tất cả để thị trường quyết định.
“Càng nhiều cạnh tranh, giá xăng dầu sẽ càng hợp lý, minh bạch; chất lượng dịch vụ cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ; đảm bảo uy tín, chất lượng, thái độ người bán văn minh, lịch sự, làm hài lòng người mua… Mở cửa cho DN nước ngoài tham gia góp vốn vào các công ty bán lẻ xăng dầu, cả DN trong nước và người tiêu dùng đều được hưởng lợi”, ông Long khẳng định.
Đặt vấn đề lo ngại DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, gây mất an ninh năng lượng, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định điều kiện giới hạn quyền nắm giữ cổ phần không vượt quá 35% chính là hàng rào an toàn vững chắc. Nếu tỷ lệ trên 40%, có thể lo ngại nhiều DN nước ngoài liên kết, phối hợp nhau để nắm quyền phủ quyết. Còn với con số 35%, công ty nội vẫn nắm quyền chủ động. Mặt khác, không chỉ đầu tư vào DN phân phối, nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam còn phải kèm theo điều kiện đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu với số vốn tương ứng 25%, vừa tạo nguồn cung, nguồn hàng ổn định trong nước, vừa ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi với các DN ngoại, không lo mất thị trường.
 NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO