25/11/2024

Đường bay Việt Nam với Trung Quốc, Nhật, Hàn… vận hành ra sao?

Đường bay Việt Nam với Trung Quốc, Nhật, Hàn… vận hành ra sao?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về khôi phục đường bay quốc tế vận chuyển hành khách đến Việt Nam, Cục Hàng không đã đề xuất bay một chuyến mỗi tuần đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia từ đầu tháng 8-2020.

 

Đường bay Việt Nam với Trung Quốc, Nhật, Hàn... vận hành ra sao? - Ảnh 1.

Khách đến sân bay Đài Loan được giám sát y tế rất kỹ (ảnh chụp trên chặng bay từ Việt Nam quá cảnh tại sân bay Đài Bắc ngày 12-7) – Ảnh: Duong Quang Dinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết cơ quan hàng không Việt Nam và Trung Quốc đang lên phương án kết nối lại đường bay giữa hai nước.

Ưu tiên cho hành khách “đặc biệt”

Ngoài ra, theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các chuyến bay quốc tế thường lệ để chở khách từ Việt Nam đi và vận chuyển hàng hóa hai chiều. Còn các sân bay Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ vẫn sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ chở công dân và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Từ tháng 6-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific (Hong Kong), Singapore Airlines (Singapore)… cũng đã khai thác lại các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam theo hình thức thường lệ; Vietnam Airlines cũng đang duy trì lịch bay thường lệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Từ tháng 7-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Emirates Airlines (UAE), Qatar Airways (Qatar), China Airlines và Eva Airways (Đài Loan), Asiana Airlines và Korean Air (Hàn Quốc)… cũng khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ đi/đến Việt Nam.

Tuy nhiên, toàn bộ các chuyến bay thường lệ nêu trên đều tuân thủ việc chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Các chuyến bay có chở khách vào Việt Nam đều trong đối tượng ưu tiên đưa vào Việt Nam như công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia… và đều thực hiện cách ly theo quy định.

Về kế hoạch khôi phục hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng máy bay vào Việt Nam, Cục Hàng không cho biết trong thông báo kết luận của Thủ tướng ngày 12-7 về cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã “đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam – Trung Quốc thống nhất; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul, Tokyo, Đài Loan, Quảng Châu, Vientiane, Phnom Penh”.

Hành khách vẫn phải cách ly

Qua đánh giá tình hình, Cục Hàng không đề xuất Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc để áp dụng cho mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là bay 1 chuyến/tuần qua lại trong giai đoạn đầu.

Và sau khi thống nhất phương án, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia qua thư tín để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên. Dự kiến sớm nhất từ đầu tháng 8-2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Nếu thực hiện phương án bay 1 tuần/chuyến thường lệ, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 đến 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam).

Do đó, Cục Hàng không đề xuất khách đi các chuyến bay thường lệ đến Việt Nam phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay và toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng chống dịch.

Trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không đề xuất đường bay thường lệ giữa Việt Nam sẽ kết nối từ các điểm: Quảng Châu (Trung Quốc) – Đà Nẵng; Tokyo (Nhật Bản) – Hà Nội; Seoul (Hàn Quốc) – Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan) – TP.HCM; Vientiane (Lào) – Quảng Ninh; Phnom Penh (Campuchia) – Cần Thơ.

Cục Hàng không cũng đề xuất Bộ GTVT chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay nêu trên. Sau khi dịch bệnh ổn định và các bên tăng tần suất, số đường bay thì sẽ tiếp tục xem xét chỉ định các hãng hàng không khác.

Ngoài ra, việc kiểm dịch đối với chuyến bay và hành khách nhập cảnh, Cục Hàng không đề nghị tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay.

Đề nghị Bộ Y tế ban hành bộ hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam để trao đổi với các đối tác.

Theo Cục Hàng không, khi khôi phục chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam sẽ có ba vấn đề phải đối mặt:

Thứ nhất, theo quy định hiện tại, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải cách ly tối thiểu 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa. Nếu khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ thì các hãng hàng không Việt Nam không đảm bảo nguồn phi công, tiếp viên để khai thác đồng thời mạng đường bay quốc tế và nội địa thường lệ.

Thứ hai là hiện nay hai sân bay cửa ngõ Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang đóng một đường băng để sửa chữa nên năng lực khai thác mỗi sân bay chỉ còn khoảng 70% so với khi khai thác đồng thời hai đường băng.

Nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại cả hai sân bay cửa ngõ của Việt Nam, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ như chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa.

Thứ ba là hiện nay chưa có bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ hướng dẫn này sẽ là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.

TUẤN PHÙNG
TTO