Điện mặt trời lo ‘hụt’ ưu đãi
Điện mặt trời lo ‘hụt’ ưu đãi
Trong khi chủ đầu tư các dự án điện mặt trời đang gặp nhiều vướng mắc về nối lưới, có nguy cơ mất cơ hội được hưởng cơ chế ưu đãi, ngành điện lực cho biết nhiều dự án công bố công suất một đằng, công suất thực tế một nẻo.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi biểu giá điện bậc thang có tính tới phương án một giá điện để người dân có thêm lựa chọn, nhưng cho rằng cần tiếp tục duy trì biểu giá bậc thang để hỗ trợ người nghèo.
Sai chỉ số điện, nhiều cán bộ bị kỷ luật
Chiều 14-7, tại buổi tọa đàm về chuyện chỉ số côngtơ và hóa đơn tiền điện tăng cao, một lãnh đạo EVN cho biết kết quả kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực trực thuộc cho thấy có 6.271 khách hàng phải điều chỉnh và xử lý hóa đơn, do sai chỉ số (chiếm tỉ lệ 0,022%).
Trong đó, có 519 trường hợp hủy bỏ hoàn toàn, 3.828 trường hợp lập lại hóa đơn, 1.249 trường hợp truy thu và 675 trường hợp thoái hoàn cho khách hàng.
Các nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng báo số sai, tạm tính hoặc do nhân viên nhập sai chỉ số… Kết quả kiểm tra cũng cho thấy trong tháng 6-2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441, chiếm 5% tổng số yêu cầu.
Sau khi xử lý, số yêu cầu khách hàng phản ảnh đúng là 419 trường hợp, chiếm tỉ lệ 0,66% số yêu cầu liên quan tiền điện.
Những sai sót được phát hiện là các trường hợp cá biệt, do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Các đơn vị đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan.
EVN cũng cho biết đã bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Theo đó, khi vượt ngưỡng cảnh báo, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra và ký điện tử mới được làm tiếp. Danh sách khách hàng có mức tăng bất thường trên 30% phải được lãnh đạo đơn vị kiểm tra nhằm hạn chế tối thiểu sai sót.
Điện mặt trời lo nghẽn lưới
Sáng cùng ngày, tại buổi làm việc với EVN, chủ đầu tư các dự án điện mặt trời cho biết nhiều vướng mắc về nối lưới khiến nhà đầu tư có nguy cơ mất cơ hội được hưởng cơ chế ưu đãi.
Theo Tập đoàn Hà Đô, nhà máy đang triển khai ở Ninh Thuận (công suất 50 MW) đã đấu nối với trạm truyền tải, dự kiến tháng 7 đóng điện nhưng đường dây 174 Tháp Chàm – Ninh Phước vẫn chưa thi công xong, gây ảnh hưởng tiến độ của nhà máy.
“Cần đẩy nhanh xây dựng đường dây này, đóng điện giai đoạn 1 trước tháng 8 để dự án có thể thử nghiệm. Nếu kéo dài phải cho phép dự án đóng tạm vào mạch 1 của đường dây Tháp Chàm – Ninh Phước” – vị này đề xuất.
Theo một đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), đơn vị này đã tăng cường thêm đội ngũ, một số thời điểm phải tách lưới để huy động tối đa. Tuy nhiên, nhiều nhà máy dự báo chưa chính xác, sai số giữa công suất công bố của nhà máy với công suất phát thực tế lên tới 59%, ảnh hưởng đáng kể tới các nhà máy trong khu vực.
Ông Ngô Sơn Hải, phó tổng giám đốc EVN, cho biết thời gian để hưởng giá FIT với điện mặt trời còn rất ngắn (31-12-2020), nên sẽ có hiện tượng đua đóng điện sớm. Do đó, EVN phải giám sát nhằm tránh xảy ra sự cố mất an toàn.
“Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các đường dây, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu đề xuất, báo cáo Bộ Công thương trình tự huy động các nhà máy, giữa nguồn tái tạo và nguồn truyền thống, có giải pháp tối ưu đảm bảo công bằng, minh bạch” – ông Hải nói.
Biểu giá điện bậc thang để hỗ trợ người nghèo
Cũng tại buổi tọa đàm, theo ông Nguyễn Quốc Dũng – trưởng ban kinh doanh EVN, biểu giá điện được Bộ Công thương ban hành, EVN là đơn vị thực hiện. Nếu có một biểu giá điện như Bộ Công thương dự kiến đề xuất, EVN đều ủng hộ.
“Khi biểu giá đã được Chính phủ, Bộ Công thương ban hành, EVN sẽ thực hiện theo” – ông Dũng nói. Tuy nhiên, theo ông Dũng, các nước có mức thu nhập cao như Mỹ, Nhật Bản… đều sử dụng biểu giá điện bậc thang bởi phương án này sẽ khuyến khích tiết kiệm điện, người sử dụng ít điện sẽ được dùng điện mức giá thấp hơn.
Do đó, việc duy trì biểu giá điện bậc thang cần được tiếp tục để khuyến khích việc tiết kiệm điện, hỗ trợ cho người nghèo.