04/01/2025

‘Trường chuyên nên thay đổi ra sao?’ – Kỳ 4: Không có mô hình giáo dục nào hoàn hảo

‘Trường chuyên nên thay đổi ra sao?’ – Kỳ 4: Không có mô hình giáo dục nào hoàn hảo

Đó là nhận định của TS Nguyễn Chí Hiếu – giám đốc điều hành Học viện Phát triển tư duy và kỹ năng IEG, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – khi nói về trường chuyên.

 

 

 

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? - Kỳ 4: Không có mô hình giáo dục nào hoàn hảo - Ảnh 1.

Ngoài việc học kiến thức, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) còn tham gia các khóa học kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm – Ảnh: H.HG.

TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết: “Trước đây, tôi học lớp chuyên Anh tại Trường Quốc học Quy Nhơn, Bình Định. Sau đó, chúng tôi được chuyển sang Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định khi trường này được thành lập. Đến lớp 12, tôi lại chuyển vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Với cá nhân tôi, cả ba trường chuyên kể trên đều là môi trường tốt, rèn luyện cho tôi có được như ngày hôm nay”.

Tôi không biết các thế hệ học sinh chuyên khác thì như thế nào nhưng thời của tôi, các thầy cô trường chuyên làm rất tốt việc rèn nhân cách cho học sinh. Tuy chương trình nặng nhưng các thầy cô luôn dành thời gian quan tâm, trò chuyện, uốn nắn học sinh. Thời ấy, tôi học tốt nên đôi lúc cũng hơi “ngông”. Ngay sau đó, tôi sẽ được hẹn ra ghế đá để nói chuyện riêng với giáo viên.

TS Nguyễn Chí Hiếu

Điểm mạnh cũng là điểm yếu

* Tại sao anh cho rằng trường chuyên là rất tốt?

– Không có mô hình giáo dục nào là hoàn hảo với tất cả mọi người. Trường chuyên rất tốt với cá nhân tôi vì đặc điểm của gia đình, bản thân tôi phù hợp với nó. Thứ nhất, ba mẹ tôi không giàu nên việc cho tôi học ở trường chuyên là rất hợp với khả năng kinh tế của gia đình. Thứ hai, tôi là người vô tư, vô lo, chịu được những áp lực trong học tập và có khả năng tự học.

* Vậy theo anh, trường chuyên có điểm mạnh và điểm yếu như thế nào?

– Trường chuyên rèn tính cách cho học sinh rất tốt: lì đòn hơn, chịu được áp lực tốt hơn. Điều đặc biệt ở trường chuyên đó là một môi trường thuần toàn học sinh giỏi và có ý thức, không có học sinh hư đốn, quậy phá; giáo viên cũng vậy, toàn các thầy cô giỏi chuyên môn và vững tay nghề.

Nhược điểm của trường chuyên cũng chính là điểm mạnh của nó: hàm lượng học thuật quá sâu và nặng, rồi thi cử cũng nhiều nên giáo viên – học sinh phải dành nhiều thời gian cho những việc ấy, bớt đi không gian và thời gian để giáo dục, rèn luyện, phát triển các kỹ năng khác cho học sinh.

Ngày xưa tôi có chút may mắn vì ba mẹ tôi nhận ra những cái thiếu ở trường chuyên nên ông bà cho tôi đi học võ, học đàn… ở bên ngoài. Tuy học trường chuyên nhưng tôi không bị ba mẹ ép phải học thêm văn hóa ở trung tâm, không yêu cầu tôi phải đạt điểm 10 ở tất cả các môn, tôi vẫn đi ngủ lúc 21h-22h chứ không phải thức khuya đến 23h-24h như nhiều bạn khác.

Thế nhưng, khi du học, tôi mới nhận ra mình yếu hơn học sinh các nước về tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác, thuyết trình, tranh biện… Khung chương trình ở trường chuyên của ta đang thiếu nội dung rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh.

Bây giờ, tôi thấy một số trường chuyên đã đổi mới, bắt đầu quan tâm đến vấn đề trên nhưng theo tôi thì sự đổi mới ấy còn hơi chậm. Nếu có một sự so sánh thì tôi thấy các trường tư thục đổi mới nhanh hơn và mạnh hơn.

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? - Kỳ 4: Không có mô hình giáo dục nào hoàn hảo - Ảnh 3.

Một tiết học kỹ năng sống của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM – Ảnh: H.HG.

Giáo dục gia đình là số 1

* Anh có cho rằng với môi trường thuần như thế thì học sinh trường chuyên không thể hư hỏng được?

– Yếu tố này có liên quan đến “tài sản lâu đời” của trẻ, đó là ý thức về cuộc đời (biết đúng – sai, cái gì quan trọng với mình), là khả năng tự học, là tính cách kiên trì, bền bỉ, yêu thương, cảm thông… Đây là những yếu tố nền tảng, không thể thiếu của mỗi con người. Tức là trước hết chúng ta phải dạy cho trẻ có được nền tảng như trên, sau đó mới đến tiếng Anh, toán, STEAM, thuyết trình, tranh biện…

Và cá nhân tôi cho rằng những yếu tố trên trẻ phải được giáo dục và rèn luyện từ gia đình. Giáo dục gia đình luôn đứng ở vị trí số 1 trong quá trình giáo dục trẻ, vị trí số 2 mới là giáo dục nhà trường và số 3 là xã hội.

Điều đáng tiếc là nhiều phụ huynh lại đặt giáo dục nhà trường là số 1, họ kỳ vọng và giao phó con em mình cho nhà trường.

Ngày xưa, gia đình tôi sống ở một khu chợ, xô bồ như vậy nhưng tôi không hư vì ba mẹ tôi dành rất nhiều thời gian cho con cái. Từ nhỏ, ba mẹ đã rèn cho tôi thói quen cứ đến giờ là ngồi vào bàn học.

Tôi phải làm việc nhà, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, tự ủi đồ đi học và được ăn cơm với ba mẹ hằng ngày, được nghe ba mẹ kể rất nhiều câu chuyện về chính cuộc đời của ba mẹ, về những khó khăn của thời chiến tranh.

Tôi học được rất nhiều từ những câu chuyện ấy, từ cách sống, cách cư xử đến cách sử dụng ngôn ngữ trong câu chuyện. Tôi thấy bây giờ các phụ huynh bận rộn quá, có rất ít thời gian cho con cái và cũng ít nói chuyện với con.

* Nghĩa là phụ huynh cần thay đổi trước?

– Tôi cho rằng các bậc cha mẹ cần định hướng lại giáo dục cho con trẻ, rằng mục tiêu giáo dục trẻ không phải là vào trường chuyên, là đoạt huy chương vàng trong các kỳ thi mà trước hết phải giáo dục để con trẻ đạt được các yếu tố nền tảng kể trên.

Nếu không có ý thức về cuộc đời, không biết đúng – sai thì trẻ rất dễ hư hỏng. Cho con đi học thêm nhiều quá, trẻ biết mẹo để giải bài nhưng không có tính bền bỉ thì sau này dễ chán nản và bỏ cuộc.

Mỗi mô hình nhà trường đều có ưu và khuyết điểm khác nhau. Cái chính là phụ huynh cần xác định xem mô hình ấy có phù hợp với tính cách, sức khỏe, năng lực của con em mình không, phù hợp với định hướng của gia đình mình hay không.

Tiếp đó, các phụ huynh nên thiết lập văn hóa gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Để cho một đứa trẻ thành công, sống hạnh phúc và quý ba mẹ thì chỉ có một cách duy nhất: ba mẹ hãy thông cảm và đồng hành cùng với con em mình.

Con người ta như một cái cây, ba mẹ phải vun đắp cho gốc, rễ vững chắc trước đã, còn phần thân, lá chính là trải nghiệm của bản thân từng người.

* Anh có cho rằng trường chuyên ở nước ta không còn phù hợp với thời đại hiện nay?

– Chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, thời cuộc đã thay đổi nên trường chuyên cũng phải thay đổi. Thay đổi ở đây không phải đập bỏ tất cả mà giảm những cái không cần thiết và tích hợp những cái mới vào chương trình giảng dạy như năng lực kiểm soát thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác, giao tiếp…

Thay vì tập trung hướng dẫn học sinh cách giải đề thì thay đổi bằng cách tập trung dạy học sinh cách giải quyết vấn đề, cách làm dự án, cách làm việc nhóm…

Song song đó, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng của mỗi nhà trường là tạo điều kiện cho học sinh phát triển cân bằng, không chỉ kiến thức – kỹ năng mà còn là tính cách, nhận thức, tạo môi trường tự học cho học sinh.

Nguyễn Chí Hiếu từng được chọn là sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006 (khi theo học tại Học viện Kinh tế và chính trị London – Anh). Sau đó, Hiếu nhận học bổng sang Mỹ và trở thành tiến sĩ kinh tế tại ngôi trường danh tiếng Stanford năm 27 tuổi.

Cũng thời điểm này, anh đoạt giải thưởng Giảng viên xuất sắc nhất trong 5 học kỳ ở ĐH Stanford. Sau khi giành suất học bổng toàn phần duy nhất và tốt nghiệp thủ khoa khóa MBA tại ĐH Oxford (Anh) cuối năm 2016, anh quay về VN và hiện là giám đốc điều hành Học viện Phát triển tư duy và kỹ năng IEG.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
TTO