04/01/2025

Kẹt từ trên trời đến dưới đất, khách lên máy bay vẫn phải chờ

Kẹt từ trên trời đến dưới đất, khách lên máy bay vẫn phải chờ

Tình trạng chậm, huỷ chuyến bay không phải mới nhưng đang “tái phát” nghiêm trọng, một phần do đường băng hai sân bay lớn bị sửa. Trong khi đó, các quy định bồi thường của hãng bay quá nhiêu khê, đẩy khó về phía “thượng đế”.

 

Kẹt từ trên trời đến dưới đất, khách lên máy bay vẫn phải chờ - Ảnh 1.

Hành khách đông nghẹt ở sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày cuối tuần vừa qua – Ảnh: C.TRUNG

Sau hơn 10 ngày sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tình trạng máy bay kẹt từ trên trời, dưới đất, khách đông nghẹt ở nhà ga tệ hơn so với mường tượng ban đầu, khiến nhiều hành khách kêu trời.

Lên máy bay vẫn phải chờ

Ghi nhận nhiều ngày gần đây ở cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lịch khai thác của các hãng hàng không thường bị xáo trộn. Màn hình hiển thị thông tin liên tục có thông tin “chuyến bay delay”, hãng xin cáo lỗi cùng hành khách vì lý do khai thác sẽ dời sang giờ bay mới…

Chị Nguyễn Tiên Quỳnh (Q.Gò Vấp) mua vé TP.HCM – Hà Nội của Vietnam Airlines, khởi hành vào 17h ngày 11-7. Sau 2 lần thông báo chậm chuyến, giờ bay được thông báo tiếp theo là 20h30, tức là chậm hơn 4 tiếng so với giờ bay ban đầu.

“Lên máy bay, từ trong sân đỗ ra tới đường băng, hành khách phải chờ 30 phút nữa máy bay mới cất cánh. Khi về đến Nội Bài, tổng hành trình hơn 6 tiếng nên khá mệt mỏi” – chị Quỳnh nói.

Trong khi đó, nhiều khách hàng chuyến bay VN1946 của Vietnam Airlines từ Cam Ranh – Đà Nẵng mới đây chưng hửng khi ra sân bay làm thủ tục thì được thông báo hủy chuyến từ nhiều ngày trước.

Anh N.V.H. bức xúc đã chốt lịch hẹn với đối tác để ký hợp tác quan trọng. Nhân viên hãng kiểm tra rồi báo hệ thống “bị lỗi” tin nhắn thông báo không tới được khách. Hướng giải quyết là hoàn tiền hoặc bố trí bay chuyến khác vào lúc 18h cùng ngày.

“Tôi phải mua vé giờ chót của một hãng bay khác để bay kịp vào Đà Nẵng, cuộc họp cũng “delay” theo hãng bay, mất thời gian và uy tín. Thiệt hại gián tiếp khó mà đong đếm được” – anh H. nói.

Tương tự, anh T.Huỳnh (Q.Phú Nhuận) cùng nhóm 10 người đi công tác ở Kiên Giang buộc phải đi xe khách xuyên đêm hàng trăm kilômet vì Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) bất thình lình hủy chuyến rất sát giờ bay TP.HCM – Rạch Giá.

Lý do được VASCO đưa ra là không có slot bay nên hủy chuyến, hoàn vé cho khách. Tuy nhiên, thực tế VASCO hủy chuyến bay trên để nhường slot bay từ TP.HCM – Côn Đảo trong ngày 11-7 nhằm giải tỏa khách đang mắc kẹt.

Cục Hàng không nói gì?

Cục Hàng không VN cho biết kể từ 1-7 mỗi sân bay đóng một đường băng để sửa chữa, năng lực khai thác giảm xuống 30 – 35%. Sân bay Tân Sơn Nhất trước đây cho phép khai thác 44 chuyến/giờ, nay chỉ còn 32 chuyến.

Sân bay Nội Bài cũng giảm từ 34 chuyến/giờ xuống còn 27 chuyến. Tình hình chậm, hủy chuyến vào những ngày như 3 và 5-7 tăng đột biến.

Ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không VN – cho hay hàng loạt giải pháp được đưa ra để chống “ùn tắc trên trời, dưới đất” ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài, trong đó ngoài việc đảm bảo không cho phép khung giờ nào vượt số slot quy định thì còn điều phối slot chi tiết hơn. Như tại Tân Sơn Nhất, cấp slot là 32 chuyến/giờ, nhưng sẽ chia nhỏ ra là 8 chuyến/15 phút.

Trước đây điều phối theo giờ thì tổng số chuyến bay trong một giờ không vượt nhưng tại từng thời điểm lại vượt. Nửa tiếng đầu có thể 20 – 22 chuyến, nửa sau lại chỉ 10 – 12 chuyến. Ùn tắc vì thế có thể xảy ra. Nếu chia nhỏ thời gian để điều phối sẽ khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết sẽ tăng kiểm soát lịch bay và điều phối slot theo mốc thời gian; giảm phân cách giữa các máy bay ở khu vực tiếp cận hạ cánh tại Nội Bài từ 5 dặm xuống còn 3 dặm. Sẽ tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay, từ kiểm soát vị trí đỗ máy bay, cửa ra máy bay, quầy thủ tục, đảo hành lý…

Cần tăng trách nhiệm bồi thường

Trước việc các hãng hàng không chậm, hủy chuyến liên tục thời gian gần đây, nhiều hành khách nghi ngờ do các hãng ào ạt mở bán nhiều chuyến bay chưa được cấp phép dẫn đến tình trạng dồn chuyến, hủy chuyến. Sau đó, các hãng lấy lý do kỹ thuật, thời tiết, hạ tầng… để tránh bồi thường.

Ông Đặng Anh Tuấn – người phát ngôn Vietnam Airlines – khẳng định hãng tuân thủ lịch bay được Cục Hàng không cấp phép và không có chuyện hãng bay mở bán nhiều chuyến rồi dồn, hủy chuyến.

Tương tự, đại diện Pacific Airlines chỉ ra lý do: giới hạn khai thác ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các hãng đang điều chỉnh giảm tần suất bay để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lý Hùng Anh – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hành khách hiện rất khó kiểm chứng các lý do hãng bay đưa ra và cho rằng cần xem lại quy định về mức bồi thường, bởi việc trễ chuyến thời gian dài đồng nghĩa lỡ nhiều cơ hội, thiệt hại của hành khách rất lớn.

Đồng thời cần phải giải quyết thêm bài toán giữa hạ tầng sân bay và các hãng hàng không, tránh các bên đổ lỗi cho nhau.

Ông Hùng Anh đề nghị cần có cơ chế công khai hơn trong quản lý, xác minh của cảng vụ, cơ quan chức năng về trễ, hủy chuyến. Tại các sân bay ở nước ngoài, trễ chuyến khách được rất nhiều ưu đãi như ăn uống, chỗ ngủ hiện đại, bồi thường…

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn – phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam – cho biết sẽ tăng cường giám sát hoạt động khai thác của các hãng trong đợt cao điểm hè, đặc biệt trong tình trạng năng lực khai thác ở Tân Sơn Nhất đang bị giới hạn về hạ tầng.

Bay Côn Đảo – TP.HCM phải đợi ở Cần Thơ

Ngày 12-7, VASCO cho biết từ khung 15h – 19h, chuyến bay Côn Đảo – TP.HCM sẽ phải hạ cánh ở Cần Thơ, đợi khoảng 30 phút đến 1 tiếng rồi mới bay về lại TP.HCM. Lý do Tân Sơn Nhất quá tải khung giờ trên nên không ưu tiên cho cất, hạ cánh máy bay nhỏ như ATR72.

Đại diện VASCO cho hay khi chờ đợi ở Cần Thơ, hành khách có nhu cầu bay thẳng từ Cần Thơ – Hà Nội hoặc địa phương khác của Vietnam Airlines sẽ được hỗ trợ nối chuyến. Việc bay vòng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của hãng.

Dùng tạm hạ tầng cảng quốc tế phục vụ quốc nội

Ông Vũ Thế Phiệt – tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN – cho biết đơn vị đang lên kế hoạch sử dụng tạm cửa ra máy bay 8, 9 nhà ga quốc tế T2 sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ các hành khách bay nội địa đang tăng cao trong dịp hè.

Về phía hãng bay, ông Đặng Anh Tuấn cho biết Vietnam Airlines sẽ tăng cường máy bay lớn để vận tải nhiều hành khách hơn với máy bay Airbus A321 trên các đường bay như TP.HCM – Đà Nẵng – Hà Nội…

CÔNG TRUNG
TTO