01/01/2025

Học gì để được làm công ty nước ngoài?

Học gì để được làm công ty nước ngoài?

Mối quan tâm của phần lớn trong số 2.500 thí sinh có mặt trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 tại Kiên Giang sáng qua 11-7 là học ngành gì và làm thế nào để có thể được làm việc cho các công ty nước ngoài.

 

 

 

Học gì để được làm công ty nước ngoài? - Ảnh 1.

Học sinh Kiên Giang đặt câu hỏi về lựa chọn ngành nghề tại buổi tư vấn sáng 11-7 – Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngay từ đầu buổi tư vấn, một nam sinh tên Khoa (Trường THPT Tân Hiệp) đặt câu hỏi: “Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN rất nhiều. Ngành kỹ thuật nào đảm bảo cho chúng em có môi trường phát triển tốt sau khi ra trường, có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?”.

Coi trọng thái độ, kỹ năng

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sinh viên ra trường muốn làm việc cho công ty nước ngoài yêu cầu đầu tiên là phải giỏi ngoại ngữ. Ngôn ngữ chính sử dụng trong hầu hết các nhà máy, công ty đa quốc gia tại VN là tiếng Anh. Do vậy, chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường kỹ thuật là TOEIC 550 điểm trở lên. Các doanh nghiệp nước ngoài không đặt nặng về chuyên môn của sinh viên mà coi trọng thái độ, kỹ năng tự học, tư duy phản biện và sáng tạo.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đơn vị tuyển dụng, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – marketing, cũng cho biết khi tuyển dụng, các doanh nghiệp luôn đặt ra yêu cầu về thái độ và kỹ năng.

“Các doanh nghiệp nước ngoài rất lưu tâm đến kỹ năng xã hội của ứng viên. Các sinh viên trong quá trình học tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện. Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia làm việc với nhà trường về tuyển dụng đều đòi hỏi sinh viên phải giỏi kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp xã hội” – thầy Châu cho hay.

Trong khi theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), sinh viên ra trường có thể làm việc với các công ty đa quốc gia, nên cần có những hiểu biết nhất định về các nền văn hóa khác nhau.

“Để tồn tại được trong môi trường hội nhập hiện nay không chỉ có kiến thức và kỹ năng, các bạn trẻ còn cần phải có khả năng chấp nhận sự khác biệt” – thầy Hạ nhấn mạnh.

Học kỹ thuật có phải ra làm thợ?

Một nam sinh thắc mắc: “Thực tế đang thừa thầy thiếu thợ nhưng hiện nay rất ít học sinh miền Tây chọn học các ngành kỹ thuật. Nhiều bạn cho rằng học kỹ thuật là ra làm thợ, có đúng không?”.

ThS Lương Đình Thành – Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết các trường kỹ thuật đào tạo cho sinh viên khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành. Nhà trường sẽ trang bị cho sinh viên các kiến thức của từng ngành nghề cụ thể, cách quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật. Sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật sau vài năm trải nghiệm nghề nghiệp còn có thể mở các công ty cơ khí, công nghệ, xây lắp điện…

Thầy Đỗ Văn Dũng cũng cho biết thêm do học các ngành kỹ thuật dễ kiếm việc làm nên rất nhiều học sinh miền Tây chọn để mong đổi đời.

“Điểm chuẩn các ngành kỹ thuật thường khá cao. Năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Kiên Giang lần đầu tiên phối hợp tổ chức tuyển sinh giáo dục sẻ chia. Theo đó, sinh viên trúng tuyển chương trình này 2 năm đầu học tại Kiên Giang và 2 năm cuối học ở TP.HCM. Chương trình này điểm chuẩn sẽ thấp hơn, tạo cơ hội cho học sinh tỉnh Kiên Giang yêu thích kỹ thuật được theo học nhóm ngành này” – thầy Dũng chia sẻ.

Sáng nay 12-7, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Đồng Tháp (783 Phạm Hữu Lầu, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các trường ĐH, sở GD-ĐT các địa phương tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

TRẦN HUỲNH
TTO