04/01/2025

Đổi quy định dán nhãn hàng hoá: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa

Đổi quy định dán nhãn hàng hoá: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa

Bộ Khoa học và công nghệ đang xây dựng nội dung sửa đổi nghị định 43 về dán nhãn hàng hoá. Cộng đồng doanh nghiệp lại nóng lên khi bộ đưa vào những quy định có thể gây cản trở thương mại, tăng chi phí hàng ngàn tỉ đồng.

 

 

Đổi quy định dán nhãn hàng hóa: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa - Ảnh 1.

Hàng xuất khẩu của VN cũng sẽ gặp khó nếu các quy định nhãn mác trong dự thảo sửa đổi nghị định 43 được thông qua – Ảnh: T.T.D.

Nghị định sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ 1-6-2021 được đánh giá sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Bởi hàng trăm ngàn doanh nghiệp sẽ phải thiết kế và in lại nhãn sản phẩm hàng hóa khi tiêu thụ hoặc xuất khẩu.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thường sản xuất nhãn sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí. Nếu điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho hàng hóa đã được sản xuất/nhập khẩu trước thời điểm hiệu lực của nghị định thì doanh nghiệp phải hủy một lượng lớn nhãn đã sản xuất. Thế mà những quy định về dán nhãn này cứ thay đổi khoảng 2 năm một lần.

Nhưng đổi nhãn chưa phải là quy định gây khó nhất mà Bộ Khoa học và công nghệ đưa ra trong nghị định sửa đổi lần này. Các doanh nghiệp cả xuất và nhập khẩu đều đang đứng ngồi không yên trước yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc của hàng mới được thông quan.

Có thể dễ hiểu rằng trên tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam xuất đi đều phải ghi rõ nội dung tên của đơn vị nhập khẩu. Đây là một quy định rất bất hợp lý và không cần thiết bởi hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam trừ khi Việt Nam mua hàng khối lượng đủ lớn để họ có thể làm nhãn riêng.

Thêm nữa, do quá trình toàn cầu hóa, một sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm. Vì vậy người ta mới sinh ra nhãn phụ để ghi thêm các thông tin này.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết nhãn mác trên bao bì xuất khẩu còn do phía người mua quy định theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ không yêu cầu phải ghi như quy định tại Việt Nam. Yêu cầu nhãn hàng hóa chỉ để cho xuất khẩu cũng phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Việt Nam sẽ gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn vì dịch COVID-19.

Do đó, việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, có thể vi phạm các điều khoản của FTA mà Việt Nam là thành viên, nguy cơ dẫn tới đóng băng thương mại với nhiều mặt hàng.

Cũng mới đây, chính Bộ Khoa học và công nghệ đưa ra quy định phải có xác nhận của bộ này về in mã số mã vạch trên các gói sản phẩm xuất khẩu đã làm điêu đứng hàng ngàn doanh nghiệp.

Theo các doanh nhân, những vấn đề bất hợp lý trên là không phù hợp với các nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.

Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là việc tạo điều kiện khi làm thủ tục xuất khẩu mà phải hỗ trợ ngay từ việc xây dựng chính sách. Nếu chỉ hỗ trợ bằng hô hào khẩu hiệu nhưng thực tế lại làm khó, thậm chí làm trái lại chủ trương chung của Chính phủ thì rất dễ xảy ra hiện tượng cài cắm chính sách để làm khó doanh nghiệp, để trục lợi từ những quy định mà mới nghe qua tưởng như rằng rất vì doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp Việt Nam đang cực kỳ khó khăn, mỗi đơn hàng bán đi là thêm một ngày doanh nghiệp tồn tại và hi vọng vào tương lai. Hãy thương lấy doanh nghiệp!

TRẦN MẠNH
TTO