01/01/2025

Cựu binh Mỹ: Việt – Mỹ bình thường hoá đã mở ra cơ hội hàn gắn vết thương

Cựu binh Mỹ: Việt – Mỹ bình thường hoá đã mở ra cơ hội hàn gắn vết thương

Cựu binh Mỹ Chuck Searcy cho rằng sự kiện bình thường hóa mở ra nhiều cơ hội mới để những người từng ở hai chiến tuyến có thể thấu hiểu cho nhau, thông cảm cho nhau và hàn gắn những vết thương vẫn còn âm ỉ.

 

Cựu binh Mỹ: Việt - Mỹ bình thường hóa đã mở ra cơ hội hàn gắn vết thương - Ảnh 1.

Một thành viên của dự án RENEW rà bom mìn còn sót lại sau chiến tranh – Ảnh: Dự án RENEW

LTS: Ông Chuck Searcy, Cố vấn quốc tế Dự án RENEW – một dự án rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh – gửi Tuổi Trẻ Online một bài viết về việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đã giúp hai bên xích lại gần nhau như thế nào trong việc giải quyết các hậu quả chiến tranh.

Một điều chắc chắn rằng, vào thời điểm đó, có nhiều vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, trong đó phải kể đến di sản chiến tranh – bom mìn vật nổ còn sót lại và chất độc màu da cam/dioxin.

Tuy vậy, bình thường hóa quan hệ đã mang những con người thiện chí từ cả hai phía – những cựu chiến binh, học giả, người đấu tranh cho hòa bình và quan chức chính phủ – xích lại gần nhau và tiến về phía trước trên tinh thần tha thứ, hòa hợp và tôn trọng để cùng giải quyết những vấn đề nhức nhối này.

Nhiều người Mỹ từ lâu đã cảm thấy rằng Việt Nam bị đối xử bất công khi phải chịu đựng sự chết chóc và hủy diệt trong suốt thời gian chiến tranh.

Ba triệu người Việt Nam đã bị giết, hơn tám triệu tấn bom đã nã xuống đất nước này, 20 triệu gallon chất độc da cam đã tưới đẫm lên sông ngòi, rừng rậm và ruộng đồng.

Hơn 100.000 người Việt đã bị chết hoặc thương tật suốt đời vì bom mìn còn sót lại phát nổ; và hơn ba triệu người vẫn đang phải chịu đựng những di chứng mà chất độc da cam cũng như các chất độc hóa học khác Mỹ đã rải xuống trong chiến tranh.

Cũng trong năm 1995, Việt Nam đã lần đầu tiên đồng ý cho phép một tổ chức phi chính phủ của Mỹ khởi sự rà phá bom mìn tại Quảng Trị.

Điều này đã mở đường cho nhiều nỗ lực hơn và nhiều tổ chức khác cũng đã đến để giúp một tay; và cuối cùng chính phủ Mỹ cũng đã dành ra một khoản hỗ trợ cho tiến trình này, một điều đã được thúc đẩy tích cực bởi các cựu binh chiến tranh.

Những phái đoàn từ Washington, nhóm nhân sự, học sinh-sinh viên và cả du khách đã bắt đầu đến Việt Nam để đối diện với thách thức làm sao cho đất nước này an toàn trở lại khi bom mìn vẫn còn đầu độc khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này.

Người Mỹ được nhắc rằng chúng tôi chịu trách nhiệm cho những mối nguy còn hiện hữu. Vì suy cho cùng, đó phần lớn là bom mìn của chúng tôi.

Cựu binh Mỹ: Việt - Mỹ bình thường hóa đã mở ra cơ hội hàn gắn vết thương - Ảnh 2.

Ông Chuck Searcy trao đổi với các thành viên đội rà phá bom mìn của Dự án RENEW tại Quảng Trị – Ảnh: NVCC

Bình thường hóa thúc đẩy cho các cuộc đối thoại trở nên cởi mở hơn, và vận động tiếng nói mạnh mẽ hơn đòi hỏi trách nhiệm từ chính phủ Mỹ, tạo tiền đề cho các nỗ lực tiếp theo để xử lý mối nguy chết chóc này.

Chất độc da cam là một vấn đề khó giải quyết hơn. Chất độc hóa học này đã bị rải khắp miền Nam Việt Nam, phá hủy không chỉ ruộng đồng cây cối mà còn ảnh hưởng cả người già, trẻ em, các cựu chiến binh của cả hai phía và gia đình của họ.

Cộng đồng khoa học và y học đều đã nhất trí rằng ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin là lâu dài và tồi tệ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ từng phủ nhận tất cả mối liên hệ giữa chất độc da cam và sức khỏe con người. Các quan chức Mỹ đã từ chối thảo luận về vấn đề này.

Bình thường hóa đã tạo nên sự thay đổi, dù là chậm rãi, giúp hai bên có cái nhìn toàn diện và thẳng thắn về bộ mặt thật mà chiến tranh đã bỏ lại, trên cả phương diện y học, khoa học và đạo đức.

Và kết quả là Mỹ cùng với chính phủ Việt Nam đã hoàn tất quá trình xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng và một dự án khắc phục lớn hơn đang được triển khai ở sân bay Biên Hòa, gần TP. HCM.

Chính phủ Mỹ đã cam kết 60 triệu USD để hỗ trợ các gia đình có nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu không có tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Những nỗ lực xử lý bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng chứng kiến nhiều bước tiến. Khoảng nửa triệu bom chùm, đạn pháo, lựu đạn, tên lửa đã được tháo ngòi hoặc di dời trong 25 năm qua.

Số người thương vong do bom nổ đã giảm đi đáng kể. Từ có khoảng 70 đến 80 cái chết liên quan đến bom mìn một năm, tỉnh Quảng Trị, trong hai năm qua không ghi nhận trường hợp nào tương tự.

25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa Việt – Mỹ, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ với một sự hãnh diện.

Trong thời gian đó, chúng ta đã và đang nỗ lực tạo dựng một nền móng vững vàng để 25 năm sau, khi con cháu nhìn lại thời đại chúng ta đang sống, có thể tự hào rằng bom mìn vật nổ và chất độc da cam/dioxin không còn là hiểm họa cho đời sống, cho sức khỏe và hạnh phúc của chúng nữa.

Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập năm 2001.

Dự án có sứ mệnh phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh với trọng tâm giải quyết bom mìn chưa nổ. Đội ngũ chủ chốt dự án là những người Việt Nam có gia đình phải chịu đựng các di chứng của chiến tranh và bom mìn sót lại.

CHUCK SEARCY – Cố vấn dự án RENEW
TTO