01/01/2025

Cuộc chiến trên bàn thanh toán: ‘tấc đất tấc vàng’

Cuộc chiến trên bàn thanh toán: ‘tấc đất tấc vàng’

Giới văn phòng đi ăn trưa cũng nhiều người chọn thanh toán bằng cách quét mã QR qua ứng dụng mobile banking và cà thẻ thay vì trả tiền mặt.

 

Cuộc chiến trên bàn thanh toán: tấc đất tấc vàng - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng mã QR của VNPAY-QR qua ứng dụng VCBPAY tại một cửa hàng trên đường Trần Khắc Chân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Bước vào một quán ăn trưa phục vụ giới văn phòng trong con hẻm của quận Phú Nhuận (TP.HCM), chị Thanh Phương thấy thích thú khi ngay cửa ra vào dán đến 6 biểu tượng chấp nhận thanh toán của những ứng dụng thanh toán, ví điện tử, tổ chức thẻ phổ biến nhất hiện nay gồm VNPAY-QR, MoMo, Grab|Moca, ZaloPay, Visa, Napas.

“Quý 1 vừa qua doanh số thanh toán qua mã QR của VNPAY-QR đã tăng trưởng 550% so với cùng kỳ 2019. Giai đoạn tháng 5, tháng 6 sau khi bỏ giãn cách xã hội, doanh số thanh toán của VNPAY-QR vẫn tăng 150%/tháng.

Ông Ngô Anh Tuấn (giám đốc kinh doanh VNPAY-QR)

Cầm điện thoại thay vì cầm ví

Theo chủ quán ăn trưa văn phòng này, có đến 30-40% người trẻ chọn các phương thức thanh toán không tiền mặt nên quán buộc phải thay đổi nếu không muốn mất khách. “Trước đây khách chủ yếu trả tiền mặt, nhưng hơn một năm nay trở lại xu hướng đã thay đổi rất nhanh”, chủ quán này cho biết.

Tại khu vực trung tâm, nơi tập trung đông giới văn phòng, cuộc chiến khốc liệt hơn. Một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) năm ngoái vẫn vận hành theo cách rất truyền thống: nhân viên mang thực đơn đến bàn, khách hàng gọi món, khi dùng xong nhân viên mang hóa đơn đến và khách hàng trả bằng tiền mặt thì nay đã thay đổi hẳn. Khách hàng chọn món và thanh toán ngay tại quầy, trước quầy dán chi chít biểu tượng thanh toán của các ví, ứng dụng, tổ chức thẻ.

“Khách hàng chuộng thanh toán bằng ứng dụng, ví điện tử, thẻ tín dụng nên thanh toán trước tiện hơn mà quán cũng giảm bớt được nhân viên phục vụ” – anh Tài, nhân viên thu ngân tại quán này, lý giải.

Phương thức thanh toán QR Code phát triển rất mạnh khiến cuộc chiến để hiện diện trên bàn thanh toán của các nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa… nóng hơn bao giờ hết. Có người ví “mảnh đất” nhỏ trước quầy thu ngân của các cửa hàng hiện nay chẳng khác gì “tấc đất tấc vàng” khi các công ty thanh toán, ngân hàng, ví điện tử chạy đua đầu tư rất nhiều để phủ thị trường thanh toán QR.

Ông Ngô Anh Tuấn, giám đốc kinh doanh VNPAY-QR, cho biết chỉ trong một năm qua, số điểm chấp nhận thanh toán của VNPAY-QR cũng tăng vọt từ 20.000 điểm lên 70.000 điểm, VNPAY-QR đã kết nối 33 ngân hàng và 7 ví điện tử. Doanh số thanh toán qua mã QR đã tăng trưởng rất mạnh. Quý 1 vừa qua, doanh số thanh toán tăng 550% so với cùng kỳ 2019. Giai đoạn tháng 5, tháng 6 sau khi bỏ giãn cách xã hội, doanh số thanh toán vẫn tăng 150%/tháng.

Theo dữ liệu của Moca – đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3-2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.

Nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.

Tăng khuyến mãi để thu hút khách

Một trong những cách để khuyến khích người dùng cũ và lôi kéo người dùng mới thử thanh toán không tiền mặt của các ứng dụng, ví, ngân hàng là khuyến mãi, giảm giá.

VNPAY-QR hiện đang triển khai chương trình tặng mã giảm giá theo ngày, chẳng hạn thứ hai giảm 30% ăn uống, thứ ba giảm 10% với thời trang, thứ tư giảm 20% các sản phẩm mẹ và bé, thứ năm giảm 30% trà sữa, thứ sáu giảm giá 10% khi quét mã mua sắm ở siêu thị, tối đa 100.000 đồng, thứ bảy giảm giá với

dịch vụ giải trí…

Ngoài ra, VNPAY-QR cũng đồng hành với các doanh nghiệp để triển khai nhiều chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm khác, hoặc miễn phí giao dịch tháng cho một số đơn vị, cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ lẻ nhằm mở rộng thanh toán bằng mã QR cho các đơn vị nhỏ lẻ.

“Mong muốn của VNPAY-QR là sẽ phủ hết các đối tượng. Hiện chúng tôi cũng đang đi dần dần từ những đối tượng dễ tiếp cận nhất như điện tử điện máy, thời trang, ăn uống, siêu thị và dần dần sẽ đến những ngách nhỏ hơn như chợ dân sinh”, ông Ngô Anh Tuấn nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietcombank cho hay đã và đang không ngừng mở rộng mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR. Khách hàng có thể thực hiện thanh toán qua tính năng QR-PAY trên ứng dụng Mobile Banking và VCBPAY. Ở thời điểm hiện tại, khách hàng có thể thanh toán online và offline qua QR-PAY tại gần 70.000 điểm giao dịch có biểu tượng VNPAY-QR hoặc VCB-QR.

Để khuyến khích dịch vụ này, ngoài việc thường xuyên truyền thông để tăng cường thói quen thanh toán bằng QR-PAY, Vietcombank còn phối hợp với các đối tác để xây dựng các ưu đãi vượt trội khi thanh toán qua QR-PAY đến khách hàng thông qua hình thức mã giảm giá.

Với những đơn vị bán hàng như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, hành chính công sẽ được cấp mã QR-Code, các hình thức nhận diện tại điểm bán để khách hàng có thể mua hàng và thanh toán thông qua mã QR.

Doanh số tăng vọt

Nhiều người dùng cũng rất thích thú với hình thức thanh toán mới này. Chị Phạm Thanh Huyền, khách hàng của Vietcombank, cho biết có thể sử dụng ngay trên ứng dụng điện thoại di động mà không cần phải mang nhiều tiền mặt theo người.

“Phương thức thanh toán rất mới, thuận tiện, an toàn và thích hợp với người trẻ. Chỉ cần có điện thoại, người tiêu dùng có thể thanh toán rất nhiều dịch vụ như khi đi taxi, trả tiền mua hàng ở siêu thị, mua vé xem phim, uống cà phê, trà, mua hàng ở những điểm bán hàng tự động”, chị Huyền nói.

Còn về VCBPAY, Vietcombank cho biết đây là ứng dụng thanh toán do Vietcombank triển khai, được giới trẻ rất ưa chuộng thời gian gần đây. VCBPAY là dịch vụ dành cho các khách hàng cá nhân sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking của Vietcombank. Với VCBPAY, khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch tiện ích như chuyển tiền; thanh toán QR Code; nạp tiền điện thoại; đặt vé máy bay, vé xem phim, đặt phòng khách sạn; kiểm tra thông tin tài khoản…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán điện thoại (mobile) và Internet tăng rất ấn tượng thời gian gần đây. Quý 1-2020, thanh toán qua mobile tăng 188,7% về số lượng và 146,7% về giá trị. Còn thanh toán qua Internet quý 1 tuy giảm 0,9% về số lượng nhưng tăng 37,9% về giá trị.

Năm 2015, giá trị giao dịch Internet đạt 5.060 nghìn tỉ đồng, năm 2018 đạt 16.188 nghìn tỉ đồng, còn đến năm 2019 tăng lên 22.227 nghìn tỉ đồng, tức tăng hơn 4 lần trong vòng 5 năm.

Thanh toán qua điện thoại cũng tăng trưởng ngoạn mục khi năm 2018 chỉ đạt 1.859 nghìn tỉ đồng, nhưng năm 2019 đạt 5.774 nghìn tỉ đồng…

QR Code là xu thế

Theo các chuyên gia, thanh toán qua QR Code sẽ là xu thế trong thời gian tới do chi phí đầu tư rất thấp, vì nếu chấp nhận thanh toán

thẻ thì các cửa hàng phải lắp đặt máy POS và đạt một số tiêu chí nhất định ngân hàng mới cấp cho máy POS.

Với thanh toán qua mã QR thì chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể kết nối và chấp nhận thanh toán được. Hiện hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, nên thanh toán bằng mã QR rất dễ dàng.

Trong khi đó, có rất nhiều rủi ro khi quản lý doanh nghiệp bằng tiền mặt, chẳng hạn như tại một cửa hàng nếu không phải là người trực tiếp bán hàng thì dễ xảy ra rủi ro liên quan đến quản lý tiền mặt.

Với đơn vị giao nhận cũng gặp rủi ro khi nhân viên kinh doanh đem hàng đi, thu tiền mặt về. Trong khi nếu thanh toán không tiền mặt thì tiền về luôn. Nói tóm lại, đây là phương thức đầu tư ít mà hiệu quả cao nên sẽ thành xu thế trong thời gian tới.

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO