10/01/2025

Cảnh báo nạn đói do đại dịch Covid-19

Cảnh báo nạn đói do đại dịch Covid-19

Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước và có nguy cơ dẫn đến nạn đói gây chết chóc hơn cả dịch bệnh.
Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực từ thiện tại Nam Phi /// Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực từ thiện tại Nam Phi  ẢNH: REUTERS

Tử vong nhiều hơn

CNN hôm qua 12.7 dẫn báo cáo của tổ chức Oxfam (trụ sở tại Anh) cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm nạn đói khiến 12.000 người tử vong mỗi ngày vào cuối năm nay. “Đại dịch là giọt nước tràn ly đối với hàng triệu người vốn đang chống chọi với tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và hệ thống lương thực đổ vỡ khiến hàng triệu công nhân và nhà sản xuất thực phẩm rơi vào cảnh nghèo”, theo ông Chema Vera, Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam.

Tiến triển vắc xin ngừa Covid-19

Ông Kiat Ruxrungtham, Giám đốc chương trình phát triển vắc xin tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan), hôm qua công bố kế hoạch thử nghiệm 10.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 trên 5.000 người vào tháng 11, với mục tiêu đưa vắc xin vào sử dụng trong năm 2021. Những tình nguyện viên 18 – 60 tuổi sẽ được tiêm các liều khác nhau, trong khi Công ty BioNet-Asia tại nước này đang chuẩn bị để sản xuất quy mô lớn nếu thử nghiệm thành công.
Tại Nga, Đại học Sechenov vừa thử nghiệm thành công độ an toàn của vắc xin ngừa Covid-19 trên người, được sản xuất bởi Viện Dịch tễ và Vi sinh học Gamalei. Tại Trung Quốc, Công ty CanSino Biologics đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Ả Rập Xê Út về việc thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin trên 40.000 người.

Tại Anh, Đại học Hoàng gia London đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin trên người, trong khi một vắc xin do Đại học Queensland (Úc) bào chế bắt đầu thử nghiệm trên người từ ngày 13.7.

Theo báo cáo, nhiều người sẽ không đủ lương thực do mất việc hoặc bị giảm thu nhập. Bên cạnh đó, việc giới hạn đi lại không chỉ ảnh hưởng đến công nhân, nông dân mà còn ảnh hưởng đến việc phân phối viện trợ nhân đạo. Ước tính số người “đói ở mức khủng hoảng” sẽ lên mức 270 triệu trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, tăng 80% so với năm ngoái, trong đó đáng chú ý là tại Yemen, CHDC Congo, Afghanistan, Venezuela, vùng Sahel ở Tây Phi, Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Haiti.

Trong khi đó, đại dịch cũng tác động đến an ninh lương thực ở các nước như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và cả Mỹ. Oxfam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lãnh đạo và điều hành ở quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn khủng hoảng, xây dựng hệ thống lương thực bền vững, đặt lợi ích của người lao động và nhà sản xuất lên trên lợi nhuận của các tập đoàn lớn.

Đại dịch tiếp tục khó lường

Tổng thống Trump đeo khẩu trang

Cảnh báo nạn đói do đại dịch Covid-19

Ảnh: AFP

Reuters hôm qua đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang ở nơi công cộng (ảnh) khi đến thăm thương binh và nhân viên y tế tuyến đầu tại Bệnh viện Quân y quốc gia Walter Reed ở bang Maryland vào ngày 11.7 (giờ địa phương). Ông Trump trước đó từ chối đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cho rằng đó là lựa chọn cá nhân. Tuy nhiên, gần đây ông nói sẽ đeo khẩu trang nếu không thể đảm bảo giãn cách xã hội ở nơi đông người. “Tôi nghĩ rằng đeo khẩu trang là điều tuyệt vời, nhất là trong bối cảnh nói chuyện với nhiều binh sĩ tại bệnh viện, trong đó có một số trường hợp vừa rời khỏi bàn mổ”, ông Trump nói trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngay trước chuyến thăm.

Hiện Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước, với Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng hơn tuần trước tại 33 bang, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn nước Mỹ lên hơn 3,2 triệu với hàng chục ngàn ca mới mỗi ngày. Bác sĩ Peter Hotez tại Đại học Y Baylor (Texas, Mỹ) cảnh báo tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào “một trong những thời điểm bất ổn nhất trong lịch sử”.

Dịch Covid-19 cũng khiến 2 căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ tại Nhật Bản, gồm sân bay Futenma và Trại Hansen tại tỉnh Okinawa, phải phong tỏa sau khi có 61 binh sĩ mắc bệnh.
Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi với số ca nhiễm trong ngày đạt kỷ lục mới trong 4 ngày liên tiếp tính đến hôm qua, với tổng số ca nhiễm chỉ xếp sau Mỹ và Brazil. Khu vực Mỹ Latin và vùng Carribean hiện có số ca nhiễm vượt mốc 3 triệu, trong khi Úc đang chật vật chống dịch tại bang Victoria với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.
KHÁNH AN
TNO