30/12/2024

Học sinh trường chuyên về đâu?

Học sinh trường chuyên về đâu?

Theo con số ước tính của các trường đại học tốp trên, tỷ lệ thí sinh là học sinh trường chuyên đỗ vào các trường này khá cao. Với những trường có các lớp tài năng hoặc chương trình đào tạo tinh hoa, số lượng này áp đảo.
Sinh viên tài năng chương trình kỹ thuật điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội /// Ảnh: Thu Hương
Sinh viên tài năng chương trình kỹ thuật điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ẢNH: THU HƯƠNG

Học sinh chuyên phải theo nghiên cứu khoa học?

Theo PGS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Hà Nội, số học sinh (HS) sau 4 năm học thì thủ khoa đầu ra thường là những sinh viên (SV) có gốc là HS trường chuyên. Để tạo môi trường liên thông trong giáo dục – đào tạo tài năng, ngoài các chương trình đào tạo đại trà, trường đã mở 4 lớp cử nhân tài năng các ngành toán, lý, hóa, sinh để đón HS chuyên.

Phần lớn SV đến từ trường chuyên có nền tảng kiến thức tốt, ý thức học tập cũng tốt. Đây là nguồn để trường đào tạo tinh hoa

PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Riêng 2 lớp tài năng toán và lý thì quy tụ được phần lớn những HS xuất sắc nhất từ các trường chuyên. “Các em đều là HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế. Thi thoảng cũng có một vài HS ở trường thường, muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học thuần túy, đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, nên được vào học. Phần lớn học ĐH xong thì ra nước ngoài học tiếp sau ĐH”, PGS Linh nói.

Theo PGS Linh, nếu cho rằng đã là HS chuyên thì phải đi theo con đường nghiên cứu khoa học thuần túy là một nhận thức mang tính ngộ nhận. “Học phổ thông chỉ là giai đoạn đầu của đời người. Việc các em theo học chuyên trong giai đoạn này chỉ để tạo tiền đề trở thành những nhà khoa học trong tương lai. Chỉ cần khoảng 10 – 15% em có tố chất phù hợp nhất trong số đó đi theo con đường nghiên cứu khoa học thôi”, PGS Linh nhận xét.

Nguồn tuyển của các trường ĐH hàng đầu

PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2019, có hơn 30% thí sinh là HS trường chuyên trúng tuyển vào trường với điểm thi rất cao, trung bình trên 25 điểm. Trường chưa khảo sát kỹ, nhưng quan sát ban đầu cho thấy kết quả học tập tại trường của những SV này tương ứng với kết quả đầu vào. Đây là nhóm thuộc tốp 5 – 10% những em giỏi nhất trường.

Thờ ơ với các ngành khoa học xã hội, nhân văn?

Trong khi khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, kinh tế… có khá nhiều SV vốn là HS chuyên thì ở khối trường đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tỷ lệ này khá thấp.
Theo GS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, trường bắt đầu đào tạo một số chương trình chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản từ năm 2001 (bao gồm sử học, văn học, triết học, tâm lý học, khoa học quản lý). Tuy nhiên, không nhiều SV của trường có xuất thân là HS trường chuyên, ngay cả trong các lớp chất lượng cao.
Vài năm trở lại đây, trong tổng số khoảng 2.000 tân SV nhập trường hằng năm, số HS từ các trường THPT chuyên chỉ chiếm khoảng 100 chỉ tiêu (tức khoảng 5%). Ưu điểm là hầu hết các SV đều học tập giỏi và xuất sắc, năng động và tích cực trong hoạt động ngoại khóa.

GS Tuấn cũng chia sẻ thêm: “Điều đáng tiếc là HS chuyên văn, sử, địa không mấy khi vào đúng ngành văn, sử… Các em thường chọn các ngành khác có độ “hot” hơn như: Đông phương học, Hàn Quốc, Nhật Bản, du lịch, báo chí… Ngoài ra, các em vào trường an ninh, quân đội. Em nào giỏi thêm tiếng Anh thì vào khối trường kinh tế”.

Theo TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, số HS trúng tuyển và theo học tại trường có khoảng 50 – 60% vốn là HS các trường chuyên. Căn cứ vào tỷ lệ đó nên năm nay, trong số 5 phương án tuyển sinh, có 1 phương án xét tuyển dành cho thí sinh tham gia thi HS giỏi quốc gia, đoạt giải cấp tỉnh/thành phố lớp 11, 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên.

Căn cứ vào đặc thù của ngành đào tạo, trước đây Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho HS giỏi quốc gia môn sinh. Tuy nhiên, từ năm 2015, trường đã tuyển thẳng cả HS giỏi quốc gia môn toán và môn hóa. Theo PGS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo trường này, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua quan sát có thể nhận thấy trong số thí sinh hằng năm trúng tuyển vào trường có một tỷ lệ khá lớn HS các trường chuyên. Riêng ngành y khoa (là ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất), tỷ lệ HS đến từ các trường chuyên khoảng 30%, phần lớn là chuyên sinh.
PGS Tùng cũng cho biết ông đã làm một thống kê để so sánh mối tương quan giữa kết quả tuyển sinh đầu vào và kết quả học tập 6 năm ở trường y với ngành bác sĩ y khoa các khóa tuyển sinh từ năm 2013 – 2018. Thống kê mới chỉ hướng đến 2 nhóm: SV được tuyển thẳng nhờ đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế các môn toán, hóa, sinh; SV điểm thi ĐH hoặc điểm thi THPT quốc gia cao (điểm đầu vào). Kết quả so sánh cho thấy: Những bạn vốn là HS giỏi môn sinh khi mới vào trường thì kết quả học tập không cao bằng một số bạn HS giỏi toán, hóa. Nhưng sự tiến bộ của HS giỏi môn sinh hướng theo chiều đi lên.
Học sinh trường chuyên về đâu? - ảnh 1

Học sinh chuyên là nguồn tuyển để các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo tinh hoa   GIA HÂN

Nền tảng kiến thức tốt

Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thống kê số lượng SV năm 1 (K64) vốn là HS đến từ các trường THPT chuyên. Theo đó, trong khoảng gần 7.300 SV, có 852 SV là HS trường chuyên, chiếm khoảng 12%. Những SV này đến từ 40 trường chuyên, chủ yếu là các trường chuyên phía bắc. Trường chuyên có nhiều SV học K64 gồm: chuyên Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội (74 SV), chuyên Sư phạm Hà Nội (60), chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định (57). Sau đó mới đến chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội – Amsterdam (đều của Hà Nội), Trần Phú – Hải Phòng, Thái Bình, mỗi trường khoảng 40.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dù tỷ lệ SV vốn là HS chuyên chiếm số ít nhưng phần lớn nằm trong nhóm có kết quả học tập tốt hơn. “Phần lớn SV đến từ trường chuyên có nền tảng kiến thức tốt, ý thức học tập cũng tốt. Đây là nguồn để trường đào tạo tinh hoa”, PGS Điền chia sẻ.
PGS Điền cho biết mỗi năm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại tuyển chọn 210 SV trong số trên dưới 7.000 tân SV vào học 7 chương trình tài năng. Ngoài 50 – 60 SV được tuyển thẳng (HS giỏi quốc gia, quốc tế), số còn lại phải thi. Kết quả, đại đa số là SV đến từ các trường chuyên được tuyển chọn.
PGS Điền cho biết thêm: “Có SV là HS trường thường, thủ khoa đầu vào nhưng lại trượt”. Lý giải về hiện tượng trên, PGS Điền cho rằng có thể cách dạy ở trường phổ thông hiện nay chỉ chú trọng vào tính hiệu quả, đáp ứng tốt kỳ thi THPT quốc gia (trước đây là kỳ thi tuyển sinh ĐH). Còn trường chuyên, ngoài mục tiêu là kỳ thi chung này, còn phải cạnh tranh nhau ở các “sân chơi” dành cho HS giỏi, nên bắt buộc các em tiếp cận cách học đào xới vấn đề trong quá trình học.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, hiện nay hệ thống giáo dục ĐH có các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình POHE (đào tạo theo định hướng ứng dụng), kỹ sư tài năng, là những chương trình có tính chất tinh chọn, được đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2019, hơn 32.000 SV nhập học các chương trình này. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ GD-ĐT chưa thống kê cụ thể các trường chuyên đóng góp bao nhiêu phần trăm SV cho các chương trình này.
QUÝ HIÊN
TNO