Hơn 30 triệu lao động ảnh hưởng dịch COVID-19, thất nghiệp tăng
Hơn 30 triệu lao động ảnh hưởng dịch COVID-19, thất nghiệp tăng
Trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2020, tổ chức ngày 10-7, tại Hà Nội.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm toàn cầu. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.
Riêng tại Việt Nam trong quý 2 có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý 2 năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước.
Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua, trong đó tỉ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp. Dịch bệnh sẽ tiếp tục tác động đến lao động, việc làm thời gian tới.
Bà Vũ Thị Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỉ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.
Bà Thủy cho biết thêm, trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động – không tham gia hoạt động kinh tế.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong quý 2 năm nay tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. ‘Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn’ – bà Thủy nhấn mạnh.
5 khuyến nghị về lao động, việc làm
Tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan tới tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam:
1. Đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, bảo đảm chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
2. Nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn chịu tổn thương.
3. Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải.
4. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động chưa sử dụng hết tiềm năng tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trong trạng thái bình thường mới.
5. Doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới hậu dịch bệnh.