29/12/2024

60.000 máy thở giá rẻ bị bệnh viện trong nước chê, Ấn Độ tìm cách bán ra ngoài

60.000 máy thở giá rẻ bị bệnh viện trong nước chê, Ấn Độ tìm cách bán ra ngoài

Máy thở do Ấn Độ sản xuất đang trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi ít nhất 4 bệnh viện lớn của nước này từ chối sử dụng chúng với lý do không phù hợp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

 

 

60.000 máy thở giá rẻ bị bệnh viện trong nước chê, Ấn Độ tìm cách bán ra ngoài - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại 4 bệnh viện lớn ở Ấn Độ đã từ chối tiếp nhận máy thở trong nước sản xuất vì không đạt tiêu chí chữa trị bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: AFP

Với trên 767.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 21.000 người chết vì căn bệnh này, Ấn Độ nay là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ ba trên thế giới. Khi các bệnh viện cảnh báo chỉ có 47.000 máy thở trong nước và việc nhập khẩu rất tốn kém và khó khăn do hạn chế đi lại toàn cầu, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định sản xuất máy thở tại địa phương.

Vào tháng 5, Chính phủ Ấn Độ đã ký hợp đồng sản xuất 60.000 máy thở trong vòng 2 tháng với 16 nhà sản xuất trong nước và phân bổ 20 tỉ rupee (266 triệu USD) từ Quỹ PM CARES để mua các máy này. Để đẩy nhanh tốc độ sản xuất và cắt giảm chi phí, các máy thở đã bỏ qua các tính năng nâng cao.

Tuy nhiên, sau khi nhận 175 máy thở từ quỹ PM CARES, Lok Nayak Jai Prakash Narayan – bệnh việc điều trị COVID-19 lớn nhất Delhi, tuần trước cho biết các máy thở này không có BiPAP – một biện pháp can thiệp không xâm lấn giúp các bác sĩ không cần đặt nội khí quản mà vẫn cung cấp oxy cho bệnh nhân.

Báo Straits Times thông tin rằng hầu hết các bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ cần máy thở không xâm lấn, chỉ một số ít bệnh nhân nặng mới cần đến máy thở xâm lấn.

Bác sĩ Sumit Ray – thuộc Bệnh viện Holy Family tại Delhi – giải thích cả hai phương pháp đều quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng họ sẽ thử phương pháp không xâm lấn trước tiên để tránh những tổn thương phổi không cần thiết cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một số máy thở sản xuất trong nước của Ấn Độ cũng không có núm điều khiển để thay đổi mức oxy và áp lực. Điều này có thể gây nguy hại cho bệnh nhân. “Một máy thở như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được” – bác sĩ Ray nói thêm.

Trong khi đó bác sĩ Deepak Agarwal – chuyên gia thần kinh học và đồng phát minh máy thở do Công ty AgVa Healthcare sản xuất – cho rằng máy thở này hoàn toàn phù hợp để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thông qua đặt nội khí quản, tuy nhiên việc lắp đặt không đúng kỹ thuật của những người thao tác máy có thể dẫn đến sự không hài lòng của bác sĩ.

Song báo cáo từ Tập đoàn bệnh viện Sir JJ chỉ ra những thiếu sót “không thể chỉ đơn giản là do cài đặt không đúng” của dòng máy thở AgVa, giá chỉ bằng 1/10 giá máy thở nhập khẩu.

Báo Straits Times không thể xác minh độc lập các tính năng của máy thở do Ấn Độ cung cấp cho các bệnh viện, nhưng thông qua các khiếu nại và thông tin từ chối nhận máy thở của các bệnh viện thì có thể thấy rằng các bác sĩ hiện đang lo lắng về độ đáng tin cậy của chúng.

Mặt khác, với việc sản xuất 60.000 máy thở, Ấn Độ từ chỗ thiếu máy thở trở thành dư thừa máy. Các nhà sản xuất Ấn Độ đang hi vọng thị trường nước ngoài đang thiếu hụt máy thở sẽ mua giúp họ. “Chúng tôi đang tìm cách dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu” – ông Rajiv Nath, điều phối viên Hiệp hội Ngành công nghiệp thiết bị y tế Ấn Độ, nói.

ANH THƯ
TTO