11/01/2025

Xe buýt bị ‘ra rìa’ vì thiếu tốc độ và tiện lợi

Xe buýt bị ‘ra rìa’ vì thiếu tốc độ và tiện lợi

Chẳng mấy ai còn nhớ, từ thế kỷ trước, Sài Gòn – TP.HCM đã có hệ thống xe buýt, giao thông công cộng văn minh không kém gì các nước phát triển.
Xe buýt không có chỗ chạy nên thường đến trễ, chậm giờ, khiến số người sử dụng ngày càng giảm /// Ảnh: An Huy
Xe buýt không có chỗ chạy nên thường đến trễ, chậm giờ, khiến số người sử dụng ngày càng giảm ẢNH: AN HUY

Một thời hoàng kim

Theo tư liệu lịch sử, từ cuối thập niên 1900 – 1950, người Sài Gòn đi lại trong Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng ngoại ô như Thị Nghè, Gò Vấp chủ yếu là dùng đường xe lửa hơi nước và xe điện tramway trong các tuyến Saigon – Chợ Lớn, Saigon – Gò Vấp – Hóc Môn – Lái Thiêu. Năm 1955, do sự tranh chấp giữa chính quyền VN Cộng hòa và Công ty xe điện Pháp Đông Dương, đường xe điện ngưng hoạt động hoàn toàn và được thay thế bằng một hệ thống xe buýt. Sau đó chính quyền tiếp quản hệ thống xe buýt và thành lập Công quản xe buýt đô thành trực thuộc Bộ Công chánh và Giao thông.
Vào thời hoàng kim 1960 – 1961, Công quản khai thác thêm các tuyến đường mới, tăng cường số xe buýt từ 119 chiếc với 12 tuyến lên 224 chiếc. Năm đó, lượng khách đi xe buýt đạt 68,4 triệu lượt người. Tuy nhiên, năm 1962, Công quản đặt mua 105 xe buýt chạy xăng, chi phí vận hành cao cùng với việc thiết kế các luồng tuyến không hợp lý, dần dần Công quản bắt đầu thua lỗ. Để tìm hướng đi cho phương tiện công cộng, chính quyền Sài Gòn khuyến khích sự phát triển của xe lam.
Đến năm 1980, giao thông công cộng đã thực hiện vận chuyển được khoảng 10% nhu cầu đi lại. Thời điểm này, khối lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt do Công ty xe buýt du lịch Sài Gòn và Công ty xe buýt TP.HCM chiếm 63% thị phần. Tháng 11.2001, Sở Giao thông – Công chánh công bố kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt công cộng. Đề án này bao gồm xây dựng 20 tuyến xe buýt với dịch vụ tiện nghi và an toàn trong năm 2002 và nhiều năm tiếp theo. Đồng thời, nhà nước tạo điều kiện về lãi suất để các doanh nghiệp vận tải vay vốn, cũng như tài trợ chi phí (trợ giá) để thu hút hành khách.
Ngày 21.1.2002, 8 tuyến xe buýt mẫu đầu tiên đi vào hoạt động, với 141 xe của 9 đơn vị vận tải. Sau 2 tuần hoạt động, 8 tuyến xe buýt mới đã thu hút 368.758 lượt hành khách. So với tuần đầu tiên, số hành khách tăng 18% và so với khi chưa thực hiện tuyến mẫu, hành khách đã tăng 59%. 4 tháng sau, thêm 17 tuyến xe buýt mẫu được khai trương, trong đó có 5 tuyến mới. Tổng số xe buýt đầu tư thay mới trong năm này là 1.318 xe cỡ lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mua hơn 500 xe buýt loại nhỏ 12 chỗ do Daihatsu và Suzuki sản xuất. Do được trợ giá, tiền vé đồng hạng 1.000 đồng/lượt trên tất cả các tuyến. Lượng hành khách tăng rất mạnh.

Đã đầu tư khá nhiều

Một cán bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho rằng nhiều người hay nói không ai đi xe buýt là do xe cũ, chất lượng kém nhưng thực tế không phải vậy. Hiện TP đã thay thế 1.206 phương tiện mới trên tổng số 2.322 xe buýt. 162 bến bãi, nhà chờ mới với bảng thông tin điện tử trực tuyến, hệ thống camera giám sát cũng đã và đang được hoàn thiện. Các dịch vụ như ứng dụng “busmap” miễn phí trên điện thoại, thẻ xe buýt thông minh tích hợp… đã đưa vào ứng dụng. Thời gian qua, nhiều tuyến buýt cũng đã được điều chỉnh để tiếp cận gần hơn với các khu đô thị mới, bệnh viện, trường học, tăng khả năng kết nối tới người dân.
Theo vị này, việc xe buýt “thất thế” có rất nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố quyết định vẫn là tốc độ và sự tiện lợi.
“Xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là đúng giờ. Hiện phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên mới bị “ghẻ lạnh” như vậy”, vị này nói.
HÀ MAI
TNO