28/12/2024

Tháng 7 tới rồi mà du học sinh toàn cầu như ‘ngồi trên đống lửa’

Tháng 7 tới rồi mà du học sinh toàn cầu như ‘ngồi trên đống lửa’

Tháng 7, tháng 8 hằng năm là lúc các du học sinh tất bật chuẩn bị thủ tục, hành trang cho đợt nhập học mới. Do đại dịch COVID-19, đến nay nhiều thị trường du học lớn vẫn chưa chốt chính sách tiếp nhận sinh viên.

 

Tháng 7 tới rồi mà du học sinh toàn cầu như ngồi trên đống lửa - Ảnh 1.

Du học sinh tại Trường ĐH Nam California – Ảnh: NH.HUY

Ngày 6-7, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) thông báo du học sinh nước ngoài có thể sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu các cơ sở giáo dục họ theo học chuyển sang dạy online 100% vào học kỳ mùa thu tới. Đối tượng chịu ảnh hưởng là sinh viên đang nắm visa học thuật F-1 và học nghề M-1.

Ngay lập tức, các hội nhóm sinh viên Việt Nam tại Mỹ trên những trang mạng xã hội nóng lên. Chỉ trong ngày 7-7, nhóm Facebook Hội du học sinh Việt Nam tại Mỹ, có gần 30.000 thành viên, nhận 50 bài đăng mới, trong đó chủ yếu bày tỏ lo lắng trước thông báo của ICE.

Mỹ: như ngồi trên lửa 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Đào Thiện Thanh (quê TP.HCM) – sinh viên ĐH Houston, Texas (Mỹ) – giải thích quy định này yêu cầu học sinh, sinh viên muốn ở lại Mỹ phải học ít nhất 9 tín chỉ (khoảng 3 môn) trên lớp và không quá 3 tín chỉ (khoảng 1 môn) online. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện tại, nhiều trường dự kiến chỉ mở lớp online, đồng nghĩa sinh viên nếu không chuyển sang trường có dạy trực tiếp thì không thể ở lại.

“Mở lớp trực tiếp chưa chắc đã an toàn, đặc biệt với các tiểu bang có số ca nhiễm tăng. Sinh viên giờ tiến thoái lưỡng nan. Các bạn đã ở Mỹ thì lo liệu trường mình có dạy 100% online hay không, nếu không thì phải làm gì? Các bạn còn ở Việt Nam thì phân vân sang hay ở lại?” – Thiện Thanh nói.

Hiện tại, Thanh đang đợi 4 chuyến bay hỗ trợ của Đại sứ quán trong tháng 7 và tháng 8 để về nước, tuy nhiên nay phải cân nhắc vì sợ về rồi mà trường thông báo dạy online 100% sẽ trở tay không kịp.

Trương Hoàng Anh, sinh viên đang học ở California (Mỹ), cho biết nhiều trường ĐH, CĐ tới giờ vẫn chưa chốt kế hoạch cụ thể về phương thức giảng dạy cho học kỳ tiếp theo. Theo ICE, hạn chót đến ngày 15-7 các trường phải thông báo nếu không mở lớp hoặc chuyển sang dạy hoàn toàn bằng hình thức online để du học sinh chủ động.

Trong thời gian chờ đợi, du học sinh, trong đó có sinh viên Việt Nam, như ngồi trên lửa. Thậm chí, nhiều bạn còn vận động 100.000 chữ ký vào lá thư gửi Chính phủ Mỹ xem xét lại quyết định.

“Mình ở khu trung tâm San Francisco. Thành phố đã phải tạm dời ngày mở cửa sau khi số ca nhiễm bệnh tăng lên. Mình có đăng ký chuyến bay cứu trợ của Chính phủ từ đầu tháng 4 nhưng bị kẹt cho tới giờ. Mình đã phải dọn ra khỏi ký túc xá do kết thúc học kỳ và tự thuê nhà ở. Sau thông báo của ICE, mình càng chắc chắn phải ở lại học tiếp nếu muốn học kỳ sau trôi chảy” – Hoàng Anh nói.

Ông Hoàng Xuân Doanh – trưởng bộ phận marketing của một công ty du học tại Q.3, TP.HCM – cho biết một số trường đang cân nhắc mở những lớp “hybrid” (nửa trực tiếp, nửa online) để hỗ trợ sinh viên. Trong đó, trường sẽ tìm cách “lách” quy định: tăng tối đa các tín chỉ học online được phép và giảm số lượng các tín chỉ học trực tiếp. Tuy nhiên hiện tại vẫn phải chờ đến ngày 15-7.

Tháng 7 tới rồi mà du học sinh toàn cầu như ngồi trên đống lửa - Ảnh 2.

Nguồn: Cục hợp tác quốc tế – Bộ GD-ĐT – Đồ họa: Tuấn Anh

Nhật: chưa được nhập cảnh

Tại Nhật, Phạm Thùy Dương – sinh viên Trường YMCA College, Kanagawa – chia sẻ hiện nay từng trường sẽ có kế hoạch giảng dạy khác nhau. Giai đoạn dịch bùng phát mạnh đã cho sinh viên học online, nhưng các bạn vẫn có thể tìm trao đổi với giảng viên tại trường. Đến nay, đa số trường đều đã mở lại các lớp học trực tiếp, chỉ một số vẫn duy trì online toàn phần.

Thùy Dương cho biết thường vào giai đoạn nóng nhất trong tháng 8, sinh viên sẽ được nghỉ hè 2 tuần. Nhiều bạn tận dụng thời gian này về nhà hoặc kiếm thêm thu nhập vì có thể làm đến 40 giờ/tuần, trong khi bình thường chỉ có thể làm 28 tiếng/tuần. “Nhưng năm nay không ít trường cho nhập học trễ vì dịch COVID-19 nên bỏ kỳ nghỉ hè” – Dương nói.

Dù vậy, Dương thừa nhận mình vẫn may mắn khi sang học vào ngày 27-3 kịp kỳ nhập học tháng 4 và trước khi Nhật siết chặt các quy định xuất nhập cảnh. Hiện nay, không ít sinh viên đã lỡ học kỳ tháng 4, học kỳ tháng 7 tới đây do đường bay hiếm hoi và gần như vẫn chưa được cho phép nhập cảnh vào Nhật.

“Nhiều bạn dù có visa nhưng vẫn phải đợi máy bay và lệnh cho phép nhập cảnh. Những sinh viên không qua được thì chỉ còn cách bảo lưu. Theo mình thấy, với tình hình hiện tại thì kỳ tháng 10 cũng chưa chắc có thể sang do dịch nhiều nơi có dấu hiệu bùng phát trở lại, và du học sinh cũng không phải đối tượng ưu tiên khi làm các thủ tục” – Dương nói.

Châu Âu: chờ mở cửa visa

Theo một nghiên cứu của Hội đồng Anh, các thị trường tại phía đông châu Á – trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam – năm nay du học sinh đăng ký đến Anh giảm tới 14.000 so với năm ngoái, khiến nguồn thu mất đi 463 triệu bảng.

Cũng theo khảo sát, có đến 46% sinh viên muốn dời lịch nhập học sang tháng 1-2021 và chỉ 37% muốn học online từ tháng 9-2020. Với hệ cao học, 63% nghiên cứu sinh muốn dời lịch sang mùa xuân năm sau. Số sinh viên muốn học ngay từ tháng 8-2020 chỉ là 15%. Đặc biệt, gần 30% phụ huynh lên kế hoạch cho con du học tại Anh nay phải suy nghĩ lại việc hoãn hoặc hủy.

Ông Michelle Donelan – bộ trưởng các trường ĐH Anh – cho biết sẽ kích hoạt gói cứu trợ cho các trường trị giá đến 2,6 tỉ bảng để ĐH trang trải việc hụt nguồn thu học phí và 100 triệu bảng cho quỹ nghiên cứu của các trường nghiên cứu.

Trước truyền thông Anh, ông Donelan khẳng định sinh viên quốc tế là một phần quan trọng trong xã hội, văn hóa và ngành kinh tế Anh. “Du học sinh muốn trở lại Anh học kỳ mùa thu này được cho phép. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo các thủ tục linh hoạt nhất, trong đó có visa” – ông Donelan nói.

Bà Nguyễn Ngọc Hân – giám đốc Campus France tại TP.HCM, bộ phận đảm nhiệm du học của Đại sứ quán Pháp – cho biết các ĐH ở Pháp đưa ra những kịch bản khác nhau cho kỳ nhập học vào tháng 9 trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số trường dự kiến sẽ dời ngày khai giảng, một số sẽ giảng dạy chương trình học kỳ 1 (hoặc một phần học kỳ 1) online, cũng có trường đóng một số chương trình đến hết năm nay.

Bà Hân thừa nhận hiện tại vẫn chưa thể biết chính xác khi nào sinh viên Việt Nam có thể sang Pháp do bộ phận visa chưa mở cửa. Tuy nhiên, bà cho biết một khi mở trở lại, sinh viên sẽ là đối tượng ưu tiên xử lý visa.

“Các bạn vẫn đang giữ liên hệ chặt với trường để nắm các thông báo mới nhất, có thể chuẩn bị kịp thời” – bà Hân nói thêm, với những hồ sơ tốt, các em vẫn sẽ theo kế hoạch du học từ trước và chắc chắn không thay đổi quyết định. Thậm chí, một số gia đình sẵn sàng cho con học tạm ở Việt Nam đến năm 2021, chờ khi tình hình suôn sẻ là đưa con du học ngay.

Chưa thể trở lại Úc trước tháng 6-2021?

ThS Võ Thanh Hải – Viện ISB thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đơn vị có nhiều chương trình liên kết với các ĐH Úc – cho biết chỉ cách đây vài ngày, các chuyên gia cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Úc. Ngày 8-7, bang Victoria đã ra quyết định phong tỏa thành phố Melbourne trong vòng 6 tuần.

Ông Hải cho biết thêm, ngay cả trước làn sóng thứ 2, chính quyền Úc cũng rất thận trọng trong việc mở cửa trở lại. Các chuyến bay quốc tế vẫn tạm ngưng trước cuối năm 2020 và sinh viên quốc tế nhiều khả năng chưa thể trở lại trước tháng 6-2021.

Ông Hải phân tích, hiện nay du học sinh quốc tế chiếm 1/4 toàn bộ học sinh, sinh viên cả nước Úc và đóng góp hơn 40% lợi nhuận của giáo dục ĐH. Chính vì vậy chính quyền liên bang và các ĐH Úc rất nóng lòng để được mở cửa trở lại, tuy nhiên các bang vẫn thận trọng, trước mắt chỉ mở cửa với sinh viên Úc.

Chọn du học bán phần

sv hoc online mi 1(read-only)

Sinh viên học online tại Mỹ – Ảnh: TOBUZ

Bà Đặng Thị Hồng Hạnh (Q.5, TP.HCM) có con gái đang học lớp 12 Trường trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM. Từ năm lớp 10, gia đình đã định hướng cho con du học. Trong những năm phổ thông, con bà luôn đạt điểm trung bình trên 8,5, lấy điểm IELTS 7.0 và được ĐH Macquarie (Úc) mời nhập học.

Tuy nhiên dịch COVID-19 đến khiến gia đình cân nhắc. Khoản tiền 38.000 AUD (khoảng 611 triệu đồng), kèm tiền ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm cũng khoảng 30.000 AUD (khoảng 483 triệu đồng), tổng cộng hơn 1 tỉ đồng. “Chi phí như thế với tình trạng kinh tế bị ảnh hưởng vì đại dịch thì khá cao. Ngoài ra, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, để con một mình ra nước ngoài tôi không an tâm” – bà Hạnh nói.

Sau khi phân tích cùng nhau, gia đình bà Hạnh quyết định cho con theo học chương trình du học bán phần của một trường ĐH tại TP.HCM, trong đó 2 năm đầu sẽ học bằng tiếng Anh tại TP.HCM, theo chương trình quốc tế, 2 năm sau sẽ chuyển tiếp sang Úc hoàn tất chương trình còn lại.

Trang tin du học uy tín University World News cũng ghi nhận ngày càng nhiều các trường ĐH hợp tác xuyên quốc gia để đưa ra các chương trình du học bán phần để cùng vượt qua khó khăn. University World News cho rằng đây là cách các trường gia tăng sinh viên, tránh tình trạng đìu hiu sau mùa dịch dẫn tới tình trạng phải cắt giảm chương trình đào tạo.

TRỌNG NHÂN
TTO