27/12/2024

Lại tính kịch bản có điện hạt nhân, không xây thêm điện than mới

Lại tính kịch bản có điện hạt nhân, không xây thêm điện than mới

Quy hoạch điện VIII sẽ phát triển ngành điện đi trước một bước, trong mọi hoàn cảnh không thể thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội.

 

 

 

Lại tính kịch bản có điện hạt nhân, không xây thêm điện than mới - Ảnh 1.

Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến về Quy hoạch điện VIII – Ảnh: CTV

Ngày 8-7, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lần 1 về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII).

Nhìn lại tổng sơ đồ VII, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết đã có khối lượng lớn công việc đề ra được thực hiện nhưng chưa đạt tiến độ, trong đó về nguồn điện đạt được 87,7%, lưới điện đạt 72%, lưới 220kV đạt được 80%.

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai có nhiều thay đổi điều chỉnh so với ban đầu phê duyệ như không triển khai dự án điện hạt nhân, nhiều dự án điện than dự kiến triển khai ở Tây Nam Bộ đã không được thực hiện, nhiều dự án BOT chậm tiến độ…

“Với sự điều chỉnh lớn như vậy, việc triển khai thực hiện lúng túng, bị động và ảnh hưởng tiến độ dự án nên Tổng sơ đồ VII không hoàn thành tiến độ, nên không đảm bảo cung ứng điện, khiến ta phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020-2025. Vì vậy nếu không có giải pháp cấp bách thì phải đối mặt thiếu điện rất trầm trọng và ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội rất lớn” – ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, Tổng sơ đồ điện VIII được xây dựng với quan điểm đi trước một bước, không thể thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội; phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế nhiệt điện than…

Bà Lê Thị Thu Hà – Phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng) – cho biết các kịch bản phát triển nguồn điện chính được quy hoạch VIII đưa ra gồm 6 kịch bản, trong đó các kịch bản 1, 2, 3 sẽ đặt mục tiêu tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao hơn.

Kịch bản 4 bổ sung thêm mục tiêu cắt giảm khí nhà kính với 25% so với thông thường, còn kịch bản 5 là không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.

Đáng chú ý, kịch bản 6 có tính đến nguồn điện hạt nhân sau năm 2035 với 1.000 MW vào năm 2040 và 5000 MW vào năm 2045.

Theo đó, dự thảo quy hoạch đề xuất khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn khí LNG và than nhập khẩu chủ yếu phát triển ở miền Bắc.

Sau năm 2025, các nguồn điện linh hoạt như nguồn tích năng, LNG sẽ rất cần thiết để đảm bảo nhu cầu, dự phòng cho điện gió và mặt trời. Do đó, cần có cơ chế giá công suất dự phòng cho các nguồn điện này.

Nhu cầu điện/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều nước

Đánh giá tổng quan về tiêu thụ điện, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó trưởng phòng kinh tế dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng (Viện Năng lượng) cho biết hệ số đàn hồi nhu cầu điện trên GDP của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cao hơn cả ASEAN, APEC với 1,84 lần giai đoạn 2011-2015 và 1,49 lần giai đoạn 2015-2019.

Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra giả thiết giá điện trung bình sẽ tăng 5-8% trong giai đoạn 2021-2050, tỷ lệ tiết kiệm điện đạt mức 1,5%-2% trong giai đoạn 2020-3030 và tăng lên đến 4%/năm vào cuối giai đoạn đến 2050.

NGỌC AN
TTO