27/12/2024

Việt Nam là một trong những nước có viễn cảnh tươi sáng nhất châu Á

Việt Nam là một trong những nước có viễn cảnh tươi sáng nhất châu Á

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất ở châu Á về kinh tế dù trải qua những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19. Chuyên gia nhận định nền kinh tế của Việt Nam đã sẵn sàng hồi phục.

 

Việt Nam là một trong những nước có viễn cảnh tươi sáng nhất châu Á - Ảnh 1.

Công nhân tại nhà máy của Công ty cổ phần dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công – Ảnh: REUTERS

Edward Teather, nhà kinh tế chuyên về Đông Nam Á của cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS, đưa ra nhận định này.

Ông nói: “Việt Nam bị một số ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng viễn cảnh tương lai của Việt Nam thì lại là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực”.

Chia sẻ trên đài CNBC, nhà kinh tế này cho biết các lĩnh vực như bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều tăng trong tháng 6-2020 so với cùng kỳ năm trước. Đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang làm tốt hơn so với phần lớn các nền kinh tế trong khu vực.

Trong khi tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đi xuống trong quý 2-2020 so với cùng kỳ năm trước thì chỉ số GDP của Việt Nam lại tăng nhẹ, khoảng 0,36%.

Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh mặc dù là láng giềng với Trung Quốc, nơi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Việt Nam là một trong những nước có viễn cảnh tươi sáng nhất châu Á - Ảnh 2.

Mua vé xem phim tại rạp CGV sau khi ngừng giãn cách xã hội ở Việt Nam – Ảnh: REUTERS

Việt Nam đang tăng trưởng và có vị trí tốt để tiếp tục chiếm thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, vì vậy Việt Nam có triển vọng khá sáng sủa trong khu vực, nhà kinh tế Teather khẳng định.

Việt Nam được xem là một lựa chọn thay thế, một trung tâm sản xuất mới với những công ty muốn chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến chiến tranh thương mại giữa hai bên.

Ngoài ra, Việt Nam có thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), thỏa thuận có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mặc dù tổng mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có thể bị cản trở, một phần do các nhà đầu tư hiện nay đang bị hạn chế về đi lại, tuy nhiên, có rất nhiều hoạt động đã được lên kế hoạch và các khoản đầu tư FDI có thể tăng vào năm 2021 khi các hạn chế về đi lại và nhập cảnh không còn nữa.

Ông Teather nhận định hỗ trợ của chính phủ cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và ngân hàng trung ương cho biết muốn tăng trưởng tín dụng đạt hơn 10%.

HỒNG VÂN
TTO