TP.HCM hoàn chỉnh đề án giúp ngân sách trung ương có thêm 345.000 tỉ đồng
TP.HCM hoàn chỉnh đề án giúp ngân sách trung ương có thêm 345.000 tỉ đồng
Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết theo tính toán, nếu tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì trong 10 năm tới, TP.HCM sẽ nộp thêm cho ngân sách T.Ư 45.000 tỉ đồng.
Phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 khóa X ngày 8.7, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết thành phố đã hoàn thành đề án tăng tỷ lệ ngân sách để lại giúp tăng nguồn thu nộp về T.Ư và tăng nguồn thu cho TP.HCM.
Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020, TP.HCM được giữ lại 18% tổng thu ngân sách địa phương, số còn lại nộp về ngân sách Trung ương để điều tiết cho các địa phương khác. Ông Nhân cho biết tỷ lệ ngân sách được giữ lại thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Vấn đề này đã được nhận ra cách đây 3 năm, TP.HCM báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và được áp dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội như giải pháp trong ngắn hạn, đồng thời về dài hạn cho phép TP.HCM lập đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách.
|
Ông Nhân cho biết đây là kết quả của nghiên cứu khoa học của TP.HCM trong 5 tháng qua. Theo đó, TP.HCM đề xuất giữ lại 24% trong giai đoạn 2021 – 2025 và nâng lên 28% giai đoạn 2026 – 2030. Với vai trò là trung tâm kinh tế, hiệu quả đầu tư cao hơn cả nước, TP.HCM tính toán nếu được điều chỉnh như phương án nêu trên thì phần nộp về Trung ương tăng thêm 345.000 tỉ đồng, ngân sách TP.HCM tăng thêm 399.000 tỉ đồng so với tỷ lệ giữ nguyên là 18%.
Dự kiến ngày 10.7, TP.HCM sẽ báo cáo Ban Kinh tế T.Ư để tiếp thu và đến cuối tháng 7.2020 sẽ nộp cho Bộ Chính trị xin ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội.
Hoàn tất hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 8
Trong 6 tháng đầu năm, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên kinh tế tăng trưởng chậm lại với mức tăng trưởng khoảng 1 – 2%. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định thu ngân sách đạt 40,2% kế hoạch năm là kết quả tốt và là tiền đề để thành phố tiếp tục phấn đấu trong 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, TP.HCM đã hỗ trợ cho 3.461/8.500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vay 233 tỉ đồng để trả lương cho công nhân, duy trì sản xuất.
Tính đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ cho người lao động, các trường hợp chính sách và người dân khoảng 316 tỉ đồng. “Cần hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn nữa, cố gắng đến cuối tháng 8 phải hỗ trợ hết cho các doanh nghiệp”, ông Nhân yêu cầu.
Về giải ngân đầu tư công, TP.HCM đặt mục tiêu đến tháng 10.2020 đạt tỉ lệ giải ngân trên 80%. Ông Nhân yêu cầu phải ưu tiên cho các dự án đăng ký dùng vốn đầu tư công, còn đối với các dự án doanh nghiệp tham gia thì phải hợp tác, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục trên tinh thần “thành phố đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn”.
SỸ ĐÔNG
TNO