25/12/2024

Vét sạch mực ở biển Nam Mỹ, Bắc Kinh áp đặt luôn ‘lệnh cấm đánh bắt’

Vét sạch mực ở biển Nam Mỹ, Bắc Kinh áp đặt luôn ‘lệnh cấm đánh bắt’

Trung Quốc đã ban lệnh cấm câu mực kéo dài 3 tháng trên vùng biển Nam Mỹ với lý do “thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở”. Sản lượng mực tại các vùng biển này gần như cạn kiệt vì tàu cá Trung Quốc.

 

Vét sạch mực ở biển Nam Mỹ, Bắc Kinh áp đặt luôn lệnh cấm đánh bắt - Ảnh 1.

Đội tàu cá của thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong một lần đồng loạt ra khơi – Ảnh chụp màn hình SCMP

Theo Tân Hoa xã, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt hải sản tại vùng biển quốc tế. Mọi tàu cá Trung Quốc sẽ bị cấm câu mực trong khu vực ngoài khơi Argentina từ tháng 7 đến hết tháng 9 năm nay và từ tháng 9 đến hết tháng 11-2020 ngoài khơi Chile.

Trong giai đoạn thí điểm này, các tàu công vụ Trung Quốc sẽ được cắt cử tới khu vực để giám sát việc thực thi lệnh cấm và bắt các tàu vi phạm.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sau đó sẽ lắp hệ thống thu thập số liệu sản lượng mực để đánh giá mức độ hiệu quả của lệnh cấm. Trung Quốc khẳng định lệnh cấm này là cần thiết và cho thấy trách nhiệm của nước này đối với việc “thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở” – tức các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, theo tạp chí Maritime Executive, tác động của lệnh cấm này sẽ rất hạn chế trừ khi Trung Quốc lập hẳn một Cục bảo vệ mực Nam Mỹ.

“Hạm đội” tàu cá của Trung Quốc mỗi năm đánh bắt từ 50 tới 70% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế. Mực ống chiếm 1/3 tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc và trong 9 năm liên tiếp, các tàu cá Trung Quốc câu mực nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.

Vét sạch mực ở biển Nam Mỹ, Bắc Kinh áp đặt luôn lệnh cấm đánh bắt - Ảnh 2.

Số lượng tàu câu mực ống illex Argentine ngoài khơi Argentina nhiều tới nỗi có thể được nhìn thấy từ không gian trong bức ảnh chụp năm 2012. Các tàu Trung Quốc rất chuộng đánh bắt loại mực này – Ảnh: NASA

Có khoảng 10 loại mực phổ biến đang được khai thác thương mại, trong đó mực ống tua ngắn illex Argentine và mực Humboldt bị tàu cá Trung Quốc săn lùng nhiều nhất. Sản lượng hai loài mực này đã sụt giảm nhanh chóng trong những năm gần đây và chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận điều này.

Lấy ví dụ như mực ống tua ngắn illex Argentine. Hội tàu cá xa bờ Chu San ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết trong năm ngoái chỉ câu được 50 tấn mực illex Argentine ngoài khơi Argentina, trong khi những năm trước lên tới 2.000 tấn. Sự khan hiếm đẩy các tàu Trung Quốc tới những vùng biển của Thái Bình Dương.

Seafood Watch, một tổ chức uy tín chuyên đánh giá nguy cơ cạn kiệt các loài hải sản, đã xếp mực illex Argentine vào “danh sách đỏ” – nghĩa là việc đánh bắt đang diễn ra quá mức và không bền vững. Một hệ quả dễ thấy là các siêu thị ở Bắc Mỹ gần như không thể tìm thấy loại mực này.

Một số nước như Chile và Mexico đã áp đặt hạn ngạch và lệnh cấm câu mực trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, đặc tính của mực là không ở yên một chỗ. Chúng có thể sinh ra trong vùng biển của quốc gia này nhưng lại phát triển ở vùng biển quốc tế, nơi tàu thuộc mọi quốc tịch đều có thể đánh bắt.

Việc Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt để tái tạo nguồn hải sản trong vùng biển quốc tế là điều nên làm, nhưng theo các chuyên gia, đáng lẽ ra Trung Quốc nên làm điều này từ lâu.

BẢO DUY
TTO