‘Tứ giác kim cương’ đẩy mạnh kiềm toả Trung Quốc trên biển
‘Tứ giác kim cương’ đẩy mạnh kiềm toả Trung Quốc trên biển
Bộ tứ kim cương đang ngày càng thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác trên biển để hợp lực đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Được xem là nhóm quân sự chiến lược phi chính thức, “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc thời gian qua không chỉ chia sẻ tầm nhìn mà còn tăng cường các bước đi mới giữa lúc Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và đẩy mạnh hành động ngang ngược ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.
Xích lại gần nhau
Gần đây, Ấn Độ liên tục đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Úc và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific). Cụ thể, hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản hồi cuối tháng 6 tiến hành cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Quân đội Ấn Độ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận song phương với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Cùng lúc, Ấn Độ tuyên bố sẽ mời Úc tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản, mang tên “Malabar” (Kim cương) trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng lên kế hoạch tiến hành “Sáng kiến Indo – Pacific” nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh trên biển, tương tự sáng kiến của Mỹ. Trong những năm gần đây, New Delhi đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quân sự với Washington, bao gồm Biên bản ghi nhớ trao đổi hậu cần cho phép hai bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau và Thỏa thuận bảo mật, chia sẻ thông tin quân sự chung.
Bên cạnh đó, Ấn Độ – Úc hồi đầu tháng 6 đã ký kết Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau, cho phép quân đội hai bên chia sẻ căn cứ và hỗ trợ hậu cần. “Rõ ràng Ấn Độ đang tham gia nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông và Ấn Độ Dương”, nhà phân tích hải quân Lý Kiệt ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nói với tờ South China Morning Post ngày 5.7.
Theo chuyên san Nikkei Asian Review, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ thành lập một đơn vị mới phụ trách chiến lược Indo – Pacific trong tháng 7, hướng đến tăng cường hợp tác với Mỹ, Ấn Độ và Úc cùng các quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt trọng tâm vào Chiến lược Indo – Pacific rộng mở.
Mỹ tái bố trí lực lượng sang Indo – Pacific
Về phía Mỹ, quân đội sẽ tổ chức lại lực lượng binh sĩ trên toàn cầu, điều thêm hàng ngàn lính đến Indo – Pacific, cụ thể là ở đảo Guam, bang Hawaii, bang Alaska, Nhật Bản và Úc. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ giảm số lượng binh sĩ đóng quân ở Đức từ 34.500 lính xuống còn 25.000 lính. Khoảng 9.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Đức sẽ được điều động đến những nơi khác ở châu Âu, khu vực Indo – Pacific hoặc trở về Mỹ, theo Nikkei Asian Review.
“Để đối phó hai đối thủ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ triển khai các lực lượng ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm gần đây”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhấn mạnh trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal cuối tháng 6.
Giới chuyên gia và ông O’Brien cho biết quân đội Mỹ có xu hướng tái bố trí lực lượng trên toàn cầu để tập trung đối phó Trung Quốc bao gồm: dịch chuyển lực lượng từ châu Âu, Trung Đông sang Indo – Pacific và chuyển hướng từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm Air – Sea Battle (Tác chiến trên không – trên biển hay Tác chiến không – hải).
Mỹ công bố khái niệm Tác chiến không – hải hồi năm 2010, trong đó bao gồm chiến thuật dùng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) của Trung Quốc. Theo khái niệm này, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng đổ bộ cùng sức mạnh không quân lẫn hải quân là yếu tố quyết định trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển ở Indo – Pacific.
Hải quân Mỹ hôm qua xác nhận một oanh tạc cơ B-52 đã tham gia cuộc tập trận phối hợp quy mô lớn của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ở Biển Đông từ ngày 4.7. Mỹ khẳng định mục đích chiến dịch nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh về cam kết của Washington đối với an ninh và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo hôm qua dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc lớn tiếng dọa Mỹ rằng quân đội nước này có sẵn nhiều loại vũ khí diệt tàu sân bay Mỹ, bao gồm tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26.
Cũng tại Biển Đông, Trung Quốc tiến hành tập trận phi pháp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ ngày 1 – 5.7. Cuộc tập trận phi pháp của Trung Quốc đã bị nhiều bên lên án, trong đó có Mỹ, Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 2.7 cũng tuyên bố đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây phức tạp tình hình, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động tương tự.
PHÚC DUY
TNO