25/12/2024

Đừng biến trường học thành võ đường, mà võ đường phải luôn là trường học

Đừng biến trường học thành võ đường, mà võ đường phải luôn là trường học

Đừng biến trường học thành võ đường, mà võ đường phải luôn là trường học. Nên đưa võ thuật vào trường học vì người có học võ là biết tránh cậy vào bạo lực, biết dùng sức mạnh để bảo vệ chính nghĩa.

 

Đừng biến trường học thành võ đường, mà võ đường phải luôn là trường học - Ảnh 1.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng truyền dạy võ đạo cho môn sinh Nghĩa Dũng karate-do – Ảnh: MINH TỰ

Võ, dù là võ gì thì mục đích sau cùng vẫn là võ đạo, võ đức. Với người thầy võ chân chính, võ đường luôn là trường học, mà sứ mệnh của người thầy là thông qua võ để dạy cho người tập “đạo làm người”.

Võ sư – thầy giáo Nguyễn Văn Dũng

Đó là tâm huyết mà tác giả cuốn sách Võ đường là trường học muốn gửi đến các võ sư, võ sinh, các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và có thể nói gửi đến cho cả xã hội, trong tình cảnh ‘học đường trở thành đấu trường, thương trường’ với mọi nghĩa đen, nghĩa bóng hiện nay.

Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản, vừa ra mắt trong tháng 6-2020.

Đạo làm người

Tác giả cuốn sách là võ sư kiêm nhà giáo dạy văn Nguyễn Văn Dũng, nguyên sư trưởng võ đường Nghĩa Dũng karate-do ở Huế, người suốt đời tuân thủ triết lý ‘Văn không võ là văn nhu nhược, võ không văn là võ bạo tàn’. Ông cũng là tác giả của hàng chục cuốn sách về võ thuật, võ đạo, du ký.

Lần này ở tuổi 80, sau một năm lui về tĩnh lặng, ‘bé lại cho học trò lớn lên’, ông đã cho ra mắt cuốn sách Võ đường là trường học, đúc kết những bài học của cả đời luyện võ – truyền văn – dạy làm người.

Triết lý thâm hậu nhưng những bài học mà ông đúc kết thì rất giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành. Vì vậy, đọc xong ‘Võ đường là trường học’, tôi nghĩ ngay đến việc giới thiệu cho mọi phụ huynh và nhà giáo, nhất là các em học sinh, tìm đọc cuốn sách này.

Ngay từ bài học đầu tiên, võ sư Nguyễn Văn Dũng giải thích một cách cô đọng bốn cấp độ ý nghĩa của karate-do, tương đương bốn mục đích học võ. ‘Kara’ trong tiếng Nhật là ‘không’, ‘te’ là tay, ‘do’ là cách thức.

Nên Karate-do là cách thức rèn luyện tay chân thành vũ khí chiến đấu. Nhưng ‘do’ còn có nghĩa cao sâu hơn, đó là con đường, là đạo đức. Karate-do là con đường tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, phong cách.

‘Đạo đức, đó là yêu Tổ quốc, hiếu đễ với cha mẹ, thủy chung với thầy, với bạn, nhân ái chan hòa với con người, với thiên nhiên, vạn vật. Phẩm chất, đó là danh dự, chính trực, tôn trọng, tự trọng, bao dung, cao thượng, đoàn kết, hiếu hòa, cần mẫn, tự tin, ý chí, dũng cảm… Phong cách, đó là ung dung, phóng khoáng, trầm tĩnh, đĩnh đạc…’.

Như thế, học võ thuật chỉ là một phần nhỏ. Học đạo đức, rèn phẩm chất, luyện phong cách mới là công phu mỗi ngày và suốt đời của người học võ. Đó là võ đạo. Đạo làm người!

Mái ấm thứ hai

Triết lý của võ đạo thì vi diệu nhưng mục đích học võ thì bao giờ cũng cụ thể với những lợi ích thiết thực. Trước hết, võ giúp người tập sự khỏe mạnh, an vui, ‘một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện’.

Có phụ huynh than vãn: Con tôi học hành đến quá tải rồi, học võ nữa làm sao chịu nổi? Nếu đọc sách này, quý vị sẽ tìm thấy câu trả lời: học võ không phải làm tăng thêm khối lượng học hành, mà chính là giúp xả bớt sự nặng nề cho những cái đầu căng thẳng của học sinh do học quá nhiều.

Sự học nặng nhọc quá tải đó cũng khiến học sinh không còn thời gian để giao tiếp với bạn bè, với thiên nhiên, trở nên vô tình, vô cảm. Võ đường luôn đề cao nhân ái, chan hòa, là mái ấm thứ hai sau gia đình, sư phụ – người thầy như người cha, và bạn bè môn sinh là huynh đệ, sẽ là nơi bồi đắp đời sống tinh thần, tình cảm cho võ sinh.

Những buổi tập dã ngoại chính là bài học về tình yêu thiên nhiên, bồi dưỡng tâm hồn, tạo cho võ sinh sự cân bằng giữa võ và văn, giữa thể chất và tinh thần. Võ luôn đề cao tinh thần cao thượng, chính trực, rất cần thiết cho xã hội trước tình trạng suy thoái đạo đức hiện nay.

Đừng biến trường học thành võ đường, mà võ đường phải luôn là trường học - Ảnh 3.

Ảnh: MINH TỰ

Bảo vệ mình, bảo vệ Tổ quốc

Theo võ sư Nguyễn Văn Dũng, võ trang bị cho người ta sức mạnh, ý chí và kỹ năng chiến đấu. Trước hết là chiến đấu để bảo vệ mình, chiến thắng chính mình, tức học võ để không phải cậy dùng đến bạo lực. Bảo vệ được mình thì mới bảo vệ được chính nghĩa và cao hơn là bảo vệ Tổ quốc.

Vì lợi ích đó, mỗi người cần có võ và mỗi quốc gia cần có võ. Bởi vì người không có tinh thần và năng lực chiến đấu là người nhu nhược; quốc gia không có tinh thần và năng lực chiến đấu là quốc gia yếu hèn, sẽ dẫn đến bại vong, thành miếng mồi ngon cho ngoại bang.

MINH TỰ
TTO