25/12/2024

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để bớt hồi hộp, lo âu?

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để bớt hồi hộp, lo âu?

Có cách nào luyện tập để giảm bớt hiệu ứng tâm lý phòng thi? ‘Chiến thuật’ làm bài ra sao để thi được điểm cao?

 

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để bớt hồi hộp, lo âu? - Ảnh 1.

Bạn Nguyễn Phương Nguyên (học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng) đặt câu hỏi tại buổi tư vấn sáng 5-7 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Mối quan tâm lớn nhất của hơn 2.000 học sinh có mặt trong Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020 tại Khánh Hòa sáng 5-7 là làm thế nào để có tâm lý tốt nhất khi bước vào phòng thi.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Khánh Hòa và Trường ĐH Khánh Hòa phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Có “học tài thi phận”?

Bạn Nguyễn Phương Nguyên (học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng) bày tỏ: “Trong 12 năm phổ thông, thầy cô giáo đã dạy rất nhiều kiến thức nhưng những tình huống trong phòng thi chúng em chưa được trang bị đầy đủ, cụ thể là hiệu ứng tâm lý phòng thi. Qua tìm hiểu, phân tích, em rút ra kết luận hiệu ứng này ít nhiều hình thành câu nói ‘học tài thi phận’. Có cách nào luyện tập để giảm bớt hiệu ứng tâm lý phòng thi?”.

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng bất kỳ thí sinh nào trước khi bước vào phòng thi đều có tâm lý lo lắng, ngay cả các thầy cô khi đi thi cũng vậy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng đối với cuộc đời học sinh nên tâm lý lo âu là điều không thể không xảy ra với thí sinh. Để giảm bớt tình trạng lo âu này, trước hết phải chuẩn bị kiến thức vững vàng, để đủ tự tin khi bước vào phòng thi.

“Học tài thi phận chỉ xảy ra khi các bạn không thực sự nắm vững kiến thức. Nếu khi đi thi mà quá lo âu, em hãy hít thật sâu, thở nhẹ nhàng để giúp mình ổn định lại tâm lý. Nếu làm bài môn thi đầu tiên không đúng với năng lực thực sự của mình thì em không nên nghĩ về nó quá nhiều, cần dồn sức cho những môn thi sau.

Thông thường, nếu làm bài môn thi đầu tiên không tốt giống như kỳ vọng, thí sinh thường rất dễ lún sâu vào trạng thái lo âu nhiều hơn. Các em cần rèn luyện để có sức khỏe tốt, chú ý đến việc ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc” – thầy Hạ khuyên.

ThS Nguyễn Thái Châu, Trường ĐH Tài chính – marketing, cũng dặn trước và trong những ngày thi thí sinh cần cẩn trọng trong việc ăn uống, không nên ăn thức ăn lạ.

“Nhiều em do quá lo lắng nên nhịn đói đi thi. Việc này rất không tốt cho cả sức khỏe và tâm lý của thí sinh khi thi. Thực tế có em do nhịn đói dẫn đến ngất xỉu trong lúc thi. Cũng không nên ăn quá no trước khi đi thi để tránh khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý làm bài” – thầy Châu tư vấn.

Chuẩn bị kỹ trước khi đi thi

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay làm công tác thi và tuyển sinh nhiều năm, ông nhận thấy phần lớn thí sinh có khuynh hướng chờ tới ngày thi mới tập trung ôn thi.

“Nhiều em thức khuya để ôn thi nên sáng hôm sau đi thi trễ, có em vô phòng thi ngủ luôn. Tôi từng chứng kiến nhiều em đi trễ quá 15 phút nên không được vô phòng thi. Một tình trạng phổ biến nữa là sau buổi thi sáng, trưa về nhà nghỉ, thí sinh ngủ quên nên đi thi trễ buổi chiều. Do vậy, các em lưu ý trước ngày thi phải ngủ đủ giấc, đi thi đúng giờ… Nếu đi thi trễ thí sinh sẽ bị lập biên bản dẫn đến mất tự tin” – thầy Hùng lưu ý.

Tương tự, TS Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) – cho rằng kiến thức của học sinh được tích lũy cả một quá trình, yếu tố quan trọng nữa góp phần để thí sinh đạt kết quả thi tốt là sự chuẩn bị các vật dụng cần thiết trước khi đi thi (bút bi, bút chì, tẩy, các loại giấy tờ…).

“Nếu vào phòng thi mà bị quên vật dụng, giấy tờ sẽ rất dễ mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến tâm lý làm bài. Tuyệt đối không được mang tài liệu và các vật dụng không được phép mang vào phòng thi. Thực tế không ít thí sinh mang theo tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi dù không sử dụng bị giám thị phát hiện lập biên bản đình chỉ thi” – ông Giang nhắc nhở.

Quá trình chuẩn bị lâu dài

Chia sẻ với thí sinh về kinh nghiệm làm tốt bài thi kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này đòi hỏi thí sinh có nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc đã được chuẩn bị trong một quá trình dài lâu.

“Những thí sinh có cách tiếp cận học tập đúng đắn và khoa học trong quá trình học phổ thông sẽ có nhiều lợi thế đối với hình thức thi đánh giá năng lực như thế này. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có sự chuẩn bị tốt như đảm bảo sức khỏe tốt về cả thể chất và tinh thần cho ngày thi, hệ thống hóa kiến thức kỹ năng trước khi thi, đến phòng thi đúng nơi quy định…” – thầy Chính lưu ý.

Kỹ thuật “bẻ bó đũa”

TS Phan Phiến, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa, chia sẻ kinh nghiệm giúp thí sinh tự tin hơn khi vào phòng thi bằng cách áp dụng kỹ thuật “bẻ bó đũa”. Theo đó, trước khi làm bài thi cần đọc lướt toàn bộ đề, nhận ra câu mình có khả năng làm được để làm trước. Khi làm xong câu đó áp lực sẽ giảm đi phần nào, tạo hứng khởi và có tâm lý tốt hơn để làm các câu tiếp theo.

TRẦN HUỲNH
TTO