20/11/2024

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình phúc lợi ở Thủ Thiêm

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình phúc lợi ở Thủ Thiêm

Liên quan vấn đề đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực quy hoạch ký hiệu 14 - 15 - 16 sẽ là khu lâm viên sinh thái thuộc Vùng châu thổ phía nam /// Ảnh: T.T
Khu vực quy hoạch ký hiệu 14 – 15 – 16 sẽ là khu lâm viên sinh thái thuộc Vùng châu thổ phía nam   ẢNH: T.T
Tập trung xử lý nhiều phần việc quan trọng
Thưa ông, hơn 1 năm qua, kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện được những việc gì?
Sau khi có các kết luận của TTCP, TP đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Phó thủ tướng thường trực Chính phủ và TTCP. Một số kết quả chính yếu mà TP đã thực hiện trong thời gian qua, điển hình như đã phê duyệt “Chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất khoảng 4,39 ha thuộc KP.1, P.Bình An, Q.2 theo Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4.9.2018 của TTCP” và đang tích cực triển khai thực hiện. TP đã thu hồi 1.800 tỉ đồng tiền sử dụng đất về cho ngân sách theo kết luận của TTCP; đã đàm phán với chủ đầu tư và ký biên bản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với dự án khu phức hợp thể thao giải trí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán giá trị đầu tư các dự án BT; đang xin ý kiến của Bộ TN-MT để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các dự án đã giao đất cho nhà đầu tư…
Hiện nay, TP đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và phối hợp với các bộ ngành T.Ư để xử lý, giải quyết các thiếu sót, khuyết điểm theo kết luận, kiến nghị của TTCP và Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình phúc lợi ở Thủ Thiêm - ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.ẢNH:T.T

 

Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình phúc lợi công cộng ở KĐTM Thủ Thiêm theo như nguyện vọng của đa số người dân TP?
Việc đầu tư các công trình công cộng ở Thủ Thiêm luôn được TP quan tâm. TP đã đầu tư các dự án tái định cư tại khu 38,4 ha P.Bình Khánh và khu 17,3 ha thuộc P.An Phú – P.Bình Khánh; đã đưa vào sử dụng các công trình trường tiểu học và THCS phục vụ người dân đang sinh sống tại các khu tái định cư này và tại các khu vực lân cận. TP cũng đã có chủ trương đầu tư công trình cung văn hóa thiếu nhi, nhà hát nghệ thuật tổng hợp, trung tâm thông tin quy hoạch, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, lâm viên sinh thái, hồ trung tâm, trụ sở PCCC… Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều là các công trình điểm nhấn của TP, có yêu cầu rất cao về mặt thiết kế kiến trúc; thời gian tổ chức lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khá dài. Do vậy, đến nay mới có vài công trình đã khởi công xây dựng.
Sắp tới sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình phúc lợi công cộng để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để phục vụ cho người dân TP.

Đại lâm viên sinh thái ngay trung tâm TP.HCM

Ông có thể trình bày sơ bộ về ý tưởng quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm nói chung và ý tưởng quy hoạch khu lâm viên sinh thái – một công trình mà ông đã từng cho rằng là công trình “đặc trưng” của KĐTM Thủ Thiêm?

Bao giờ sẽ có khu lâm viên sinh thái hoàn chỉnh ?

Về tiến độ đầu tư xây dựng khu lâm viên sinh thái, ông Nguyễn Thế Minh cho biết do tính chất đặc thù của công trình nên UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (Công ty Architype – Pháp) lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mất rất nhiều thời gian do phải tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề bảo tồn, tôn tạo “một lâm viên sinh thái rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố”; phải tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm của các dự án có quy mô, tính chất tương tự ở trong nước và các nước trong khu vực, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn… Đến nay, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP.HCM phê duyệt và Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được đơn vị tư vấn báo cáo đến các cơ quan chuyên ngành của TP.HCM; đang hoàn chỉnh để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Về phương thức đầu tư, trước đây dự án đầu tư xây dựng khu lâm viên sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, vì vậy sau khi Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, UBND TP.HCM sẽ có chỉ đạo để sớm đầu tư xây dựng công trình và đưa vào sử dụng dự kiến trước năm 2025 theo đúng quy định hiện hành.

Để có cơ sở triển khai xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, TP đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế về ý tưởng thiết kế quy hoạch. Ý tưởng thiết kế quy hoạch của Công ty Sasaki (Mỹ) – đơn vị trúng giải, đã chuyển tải được các đặc trưng văn hóa của Sài Gòn – TP.HCM, đồng thời thể hiện được ý tưởng quy hoạch táo bạo, đột phá để xây dựng một đô thị phát triển bền vững, đa dạng, hiện đại và mang tầm cỡ quốc tế. Trong đó có ý tưởng độc đáo về “một lâm viên sinh thái – rừng ngập nước ngay tại trung tâm TP”.

So với các đồ án khác, đồ án đạt giải có những giá trị về phát triển đô thị và xã hội rất lớn, không chỉ gắn kết đô thị hiện hữu của TP.HCM hơn 300 năm phát triển, mà có vị trí, vai trò chiến lược cho sự phát triển bền vững của KĐTM Thủ Thiêm. Đồ án quy hoạch này đã dành rất nhiều diện tích cho các công trình phúc lợi công cộng mà khu trung tâm hiện hữu của TP đang còn thiếu hoặc bị hạn chế phát triển, như quảng trường (hơn 20 ha), công viên bờ sông (gần 10 ha), hồ trung tâm với chức năng vừa là hồ cảnh quan vừa là hồ điều tiết với tổng diện tích gần 40 ha…; và đặc biệt là phần diện tích cây xanh phục vụ công cộng chiếm tỷ lệ rất cao (281,6/657 ha, chiếm khoảng 43% diện tích toàn khu).
Theo đồ án quy hoạch này, toàn bộ KĐTM Thủ Thiêm được chia làm 8 khu chức năng. Các khu đất phát triển đô thị từ khu chức năng số 1 đến số 7 được bố trí tại các khu vực có nền đất cao hơn. Riêng khu chức năng số 8 (Khu lâm viên sinh thái thuộc Vùng châu thổ phía nam) là khu vực ngập nước tự nhiên, tiếp nhận nước từ phía thượng nguồn và nước thủy triều từ biển vào. Khu này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo các chiến lược phát triển bền vững của quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm về phân bố các khu đất phát triển, kiểm soát ngập lụt, thủy văn, tiện ích phục vụ công cộng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và là môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã. Quy mô toàn vùng châu thổ phía nam khoảng 150 ha; riêng lâm viên sinh thái, phần ngập nước và công viên chiếm khoảng 128 ha, quy mô diện tích như vậy là rất lớn.
Và như tôi đã chia sẻ, ý tưởng quy hoạch ban đầu ở Thủ Thiêm độc đáo là ở chỗ đó.
Song trên thực tế có nhiều người nhìn vào Thủ Thiêm lại chưa thấy được rõ hết những điều đó…
Khu lâm viên sinh thái là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại Thủ Thiêm và là một công trình rất đặc thù tại khu trung tâm TP. Hầu hết diện tích của khu vực là đất trồng cây ngập nước và các loại thực vật phát triển tự nhiên, kết hợp với các tuyến giao thông thủy được đào và nạo vét từ các luồng lạch hiện hữu. Khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào và rừng đước tại khu ngập nước này, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy…
Việc bảo vệ, phát triển các loại động vật, thực vật hiện có trong khu lâm viên sinh thái là rất cần thiết, tuy nhiên do diện tích toàn khu quá lớn và có nhiều cách để tiếp cận vào khu vực này, nên lực lượng chức năng không thể quản lý, ngăn chặn việc người dân ở các nơi khác đến đây săn bắt chim, thú và đánh cá. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng hỗ trợ tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm hạn chế các hành động săn bắt chim, thú, đánh cá trong khu vực quy hoạch xây dựng khu lâm viên sinh thái để phát triển hệ sinh thái đa dạng tại đây.
Quá trình hình thành khu công viên đất ngập nước là quá trình cải tạo sinh thái lâu dài, để khu vực trở thành sinh thái tự nhiên. Phải có một lộ trình nghiên cứu, phát triển về mặt khoa học, chứ không phải là “hoang hóa”.
SỸ ĐÔNG – ĐÌNH PHÚ
TNO