Cha me làm gì để giúp con vượt qua áp lực mùa thi?
Cha me làm gì để giúp con vượt qua áp lực mùa thi?
Đây là khoảng thời gian học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2020 chịu nhiều áp lực.Cha me có cách nào giúp con vượt qua áp lực mùa thi?
Không áp đặt và quan tâm đến giờ giấc ăn, ngủ, giải trí của con
Từng có con gái thi vào lớp 10, chị Bạch Tú Uyên, nhân viên kế toán Điện lực Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nhớ lại : “Năm 2019, con gái thi vào lớp 10. Thời điểm trước kỳ thi, mình thấy con gái lúc nào cũng có tâm trạng lo lắng vì áp lực phải vào trường tốp cao”.
Chị Uyên chia sẻ kinh nghiệm: “Khi ấy mỗi ngày đi làm về là mình luôn bên con để vỗ về. Ngoài việc động viên con rằng con cứ cố gắng học hết khả năng của mình và mẹ không bao giờ trách khi chẳng may con trượt khỏi trường tốp cao nên con cứ yên tâm và thoải mái trong việc học, mình luôn quan tâm chăm lo đến giờ giấc ăn, ngủ và giải trí điều độ để con có sức khỏe thật tốt cả về mặt thể chất và tinh thần”.
|
Chị Uyên cho biết cách chăm sóc cụ thể: “Ngoài thịt, cá, mình cho con ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước cam, chanh giúp cơ thể tươi mát. Và lúc nào mình cũng tạo cho con sự yên tâm là mẹ sẽ luôn bên cạnh con bất cứ khi nào con gặp khó khăn. Chẳng hạn, bài học nào con không hiểu, không làm được hay còn lăn tăn thì cứ chia sẻ với mẹ để mẹ tìm cách chỉ cho con. Nếu mẹ không biết thì sẽ nhờ thầy cô, những người am hiểu giải đáp nên con cứ yên tâm”.
Nhờ không áp đặt và tạo tâm lý thoải mái cho con như thế nên kết quả con của chị đã đạt điểm cao, vào trường tốp trong huyện (Trường THPT Nguyễn Du của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Với học sinh ở bậc THPT đang đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì các áp lực càng nhiều hơn. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải đặc biệt để ý và quan tâm con em mình nhiều hơn ở giai đoạn này.
“Bao giờ đến mùa thi cũng khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái lo lắng, áp lực cả. Cho nên, mình luôn đặt mình trong tâm trạng của con trước kỳ thi để giúp con giải tỏa được áp lực”, chị Nguyễn Thị Mỹ, có con học lớp 12 của Trường THPT Trưng Vương, Q.1 (TP.HCM), chia sẻ.
Chị Mỹ nói: “Ngoài việc thường xuyên động viên, khích lệ để con có động lực học tập, mình cũng tập trung lo về dinh dưỡng sao cho đủ chất, nhắc nhở con ăn uống, ngủ nghỉ điều độ và siêng tập luyện thể thao . Sở dĩ mình theo dõi sát con như thế là để cháu có sức khỏe và tinh thần sảng khoái trong học tập và thi cử”.
|
Không nên đưa hình mẫu tiêu biểu để làm thước cho con em mình
Theo thạc sĩ ngành công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), trước kỳ thi, tâm lý chung của các em hồi hộp, lo lắng . “Cha mẹ cần làm công tác tư tưởng với các em một cách chân tình, cảm thông, tôn trọng chứ đừng hù dọa kiểu như con mà thi rớt sẽ bị phạt hoặc thi rớt chỉ có đi lượm bọc… Cha mẹ nên cùng trẻ lên lịch hoạt động ôn tập chi tiết và cùng trẻ giám sát việc thực hiện kế hoạch. Cuối cùng cha mẹ cũng nên cho trẻ biết sau khi con đã cố gắng hết sức mà rủi may điểm thi không đạt như mong muốn thì cha mẹ vẫn tin tưởng con”. Thạc sĩ Minh Hải, chia sẻ.
Theo thạc sĩ Minh Hải, chúng ta đều biết nếu trẻ có học lực tốt cùng với tinh thần thoải mái mái thì làm bài mới tốt. “Đã có nhiều trường hợp học lực của trẻ rất tốt nhưng do áp lực của gia đình làm trẻ căng thắng dẫn đến kết quả thi không được như ý”, thạc sĩ Minh Hải nói.
Đối với các học sinh lớp 12, thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Cha mẹ chú ý để các em vào đời bằng nhiều cách: đủ điểm vào đại học là tốt, nếu không đủ điểm vào đại học thì học nghề cũng thành công như thường”.
Trong giai đoạn trước kỳ thi, thạc sĩ Minh Hải cho rằng: “Cha mẹ cần đồng cảm với con bằng cách chăm sóc, yêu thương, trò chuyện để trẻ cảm nhận được sự yêu thương thì trở ngại nào các em cũng vượt qua”.
|
Theo chuyên viên tâm lý, thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đối với vấn đề học tập của con cái thì bố mẹ cần giữ vai trò đồng hành suốt trong quá trình học tập của con chứ không phải đợi đến mùa thi.
Tuy nhiên trong mùa thi năm 2020, đặc biệt là chúng ta mới trải qua mùa dịch Covid-19 nên đã có sự xáo trộn, thay đổi trong hình thức thi, đánh giá, xét tuyển cũng như thời gian và cấu trúc bài thi. Vì vậy, học sinh càng cần sự quan tâm của phụ huynh.
|
Thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo khuyên các phụ huynh: “Chúng ta có thể làm được 3 điều để giúp cho kỳ thi của học sinh trở nên thành công và suôn sẻ hơn. Đầu tiên, cần hỗ trợ về mặt thể chất cho các con, bao gồm về chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chất lượng giấc ngủ cũng như quá trình sinh hoạt hàng ngày. Đảm bảo về năng lương, chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng như hướng con em mình đến những vấn đề giải trí, thể thao lành mạnh. Kế đến, phụ huynh cần hỗ trợ cho con em mình về mặt thông tin chính xác. Tiếp theo là hỗ trợ cho con em mình về mặt tin thần. Phụ huynh tuyệt đối không được so sánh giữa con em mình với những bạn bè đồng trang lứa hoặc một hình mẫu tiêu biểu nào đó để làm thước đo. Điều này vô tình sẽ tạo áp lực rất lớn cho thí sinh trước kỳ thi”.
LÊ THANH
TNO