Tại sao chúng ta lúc nào cũng thấy thiếu thời gian?
Tại sao chúng ta lúc nào cũng thấy thiếu thời gian?
Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, ước ao ngày dài 48 tiếng… là điểm chung của rất nhiều người. Nhưng vì sao chúng ta cứ luôn thấy không đủ thời gian để hoàn thành mọi việc như vậy?
Ngoài khối lượng công việc thì yếu tố tâm lý luôn đứng sau suy nghĩ và cảm giác áp lực về thời gian. Chúng ta có xu hướng đánh giá thấp khối lượng công việc của mình vì một hiện tượng gọi là planning fallacy (lỗi lập kế hoạch), một kiểu thiên kiến nhận thức, trong đó, chúng ta không dự đoán chính xác thời gian cần hoàn thành nhiệm vụ, theo Yahoo.
Bên cạnh đó, như chuyên gia tâm lý học tổ chức, bác sĩ Myra Altman, đến từ Modern Health (Mỹ), chia sẻ: “Ý thức về thời gian là chủ quan và dựa trên rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Vì vậy, nhiều khi áp lực thời gian phụ thuộc vào phản ứng cảm xúc của chúng ta với việc đang làm. Chúng ta hào hứng hơn khi dành thời gian cho việc yêu thích so với những nhiệm vụ mà chúng ta đang sợ”.
Chuyên gia Myra Altman nói thêm, việc cảm thấy đủ thời gian hay không cũng tùy thuộc vào lượng việc trong ngày, và liệu chúng ta có đang làm nhiều thứ một lúc hay không, ưu tiên mọi thứ ra sao… Nếu nghĩ mọi việc đều “cần thiết và phải làm hết” hoàn hảo thì chúng ta sẽ cảm thấy áp lực nhiều hơn. Một danh sách vô hạn định những việc phải làm sẽ gây căng thẳng nhiều hơn danh sách ấy viết kèm phải làm gì và khi nào. Tất cả có thể trở nên quá tải và chúng ta cảm thấy như không đủ thời gian.
Nhà nghiên cứu tâm lý học Stuart Duff của trung tâm Pearn Kandola (Anh) cho biết, việc cảm thấy thiếu thời gian hay không còn phụ thuộc vào tính cách và suy nghĩ cá nhân. “Thời gian chắc chắn là tương đối… thời gian ảnh hưởng đến chúng ta theo cách khác nhau”, ông nói.
Theo nhà tâm lý học Duff, những người lạc quan có xu hướng đánh giá thấp lượng thời gian có sẵn hoặc làm gì đó sẽ mất bao lâu. Họ luôn cam kết quá mức và tự tạo áp lực cho mình bằng cách phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu. Còn những người khác có thể cảm thấy lo lắng và thận trọng về lượng thời gian dành cho việc gì đó. Họ có thể phóng đại quy mô nhiệm vụ đến nỗi thấy khó bắt tay vào việc, theo Yahoo.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc luôn “bật” chế độ công việc – trả lời email vào tối muộn, trả lời tin nhắn của sếp ngoài giờ – có thể khiến việc phân bổ thời gian khó khăn hơn. Từ đó, thấy như chúng ta không còn “thời gian nghỉ ngơi” hoặc dành làm thứ khác ngoài công việc.
Một cách để giải quyết cảm giác thiếu thời gian là hiểu rõ những gì quan trọng, ưu tiên, những gì không cần làm hay phải làm ngay, và những gì chỉ cần làm cho xong.
Ngoài ra, cần biết bạn thực sự coi trọng những gì trong cuộc sống. Đánh giá xem cách bạn dành thời gian cho chúng có phù hợp không, và nếu không, bạn sẽ thay đổi thế nào để thời gian phân bổ phù hợp hơn với các giá trị ấy, theo Yahoo.
TẠ BAN
TNO