Nông sản Việt sẵn sàng vào EU
Nông sản Việt sẵn sàng vào EU
Dự kiến còn 1 tháng nữa (từ 1-8), hàng ngàn sản phẩm nông sản, thực phẩm và hàng hoá khác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được giảm thuế về 0% theo quy định ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)” do Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 30-6.
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam đang sẵn sàng đưa hàng hóa vào châu Âu khi thuế giảm và kỳ vọng đây sẽ là cú hích vực dậy kết quả kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Tạo cú hích mạnh mẽ
Dù đã nhiều năm xuất khẩu gạo sang thị trường EU nhưng ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) – vẫn đến hội nghị từ rất sớm vì có một số vấn đề cần làm rõ để tận dụng cơ hội miễn thuế mà EU dành cho gạo Việt Nam.
“Chất lượng gạo của chúng tôi đã vào được châu Âu từ lâu rồi nhưng gặp khó nhất là thuế cao quá nên khó bán số lượng lớn để cạnh tranh với gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Nay được giảm thuế rồi là cơ hội rất tốt cho gạo Việt tăng cường xuất khẩu vào thị trường này, nhất là trong bối cảnh đầu ra cho hạt gạo Việt Nam đang gặp khó khăn”, ông Bình cho hay.
Hiện thuế suất mà EU đang áp lên gạo Việt Nam lên đến 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với thóc. Đây là một khó khăn rất lớn cho gạo Việt Nam khi gạo của Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.
Chính vì vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU (không bao gồm Anh) năm 2019 chỉ đạt 10,7 triệu USD, dù tăng 92,4% so với năm 2018 nhưng cũng chỉ đạt khoảng 15.000 tấn, không đáng là bao so với trên 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu cả năm.
Nhưng theo cam kết EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%. Riêng mặt hàng tấm sẽ không còn hạn ngạch nữa và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu sang EU chỉ chiếm 0,38% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Trong khi đó tiêu thụ gạo trung bình của EU khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 – 2020.
Các đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam là Thái Lan, Mỹ, Úc được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan lớn. Vì vậy, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm trong đó có 20.000 tấn gạo xay, 30.000 tấn gạo xát và 30.000 tấn gạo thơm là một cơ hội để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường này.
Theo ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực thì 50% dòng thuế của thủy sản Việt Nam vào EU sẽ được xóa bỏ (hiện thuế áp dụng là 6-22%), 50% dòng thuế còn lại sẽ về 0% từ 3-7 năm.
Riêng mặt hàng cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 11.500 tấn/năm với thuế suất là 0%. “Hạn ngạch này gấp hơn 3 lần lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào EU hiện nay. Do đó, đây là một dư địa rất lớn cho mặt hàng này vào EU trong thời gian tới”, ông Hòe cho biết.
Theo Bộ Công thương, trong 10 năm qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU tăng trưởng đều nhưng không cao so với Mỹ, Trung Quốc, đạt bình quân 6,7%/năm, từ 4,49 tỉ USD năm 2008 tăng lên 3,96 tỉ USD năm 2019.
EVFTA khi đi vào thực thi được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu Việt Nam, tạo ra cú hích thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh về thương mại trong ngành nông nghiệp giữa hai bên.
Không sợ hàng rào kỹ thuật, chỉ sợ thủ tục rườm rà
Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang EU. Hiện nay nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU.
Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Một số sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường kỹ tính này khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản chất lượng cao như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade…
Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…
Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các DN Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.
EVFTA với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD. Hiện nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU.
Ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương – cho biết EVFTA còn giúp ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như thủy sản, cà phê, điều, trái cây nhiệt đới…
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Kịch – tổng giám đốc Công ty cổ phần Cafatex – cho rằng trong bối cảnh các thị trường đều gặp khó vì dịch bệnh, các nhà xuất khẩu cạnh tranh gay gắt thì những ưu đãi về thuế của EU là động lực rất tốt cho DN trong nước thời hậu COVID-19.
“Ngành thủy sản Việt Nam đã chứng minh đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới, do đó vấn đề còn lại là sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng giúp DN sớm tận dụng được cơ hội này mà thôi”, ông Kịch cho hay.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho rằng không ngại việc EU sẽ nâng hàng rào kỹ thuật để làm khó hàng hóa Việt Nam.
“Vấn đề không phải là hàng rào ở châu Âu nữa mà nằm ở phía Việt Nam. Như hàng gạo đang gặp phải thủ tục chứng nhận chủng loại hàng hóa mới được hưởng ưu đãi. Châu Âu có cần điều này hay không, và cần ở mức độ nào. Các bộ cần nghiên cứu để giảm các thủ tục không cần thiết thì DN mới sớm tiếp cận được cơ hội mà EVFTA mang lại”, ông Bình nói.
Đến tận nơi giúp DN xuất khẩu
Trước những băn khoăn của các DN, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ hỗ trợ DN khai thác hiệu quả EVFTA.
“Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu nhưng không phải là ban hành thêm thủ tục hay giấy phép con làm khó cho DN. Thậm chí có những điều kiện mà nếu nghị định trình Chính phủ chưa kịp thông qua chúng tôi cũng nghiên cứu có cơ chế tạm thời để hỗ trợ DN”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sắp tới bộ sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng EVFTA đem lại rất nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang EU khi thuế giảm nhưng bên cạnh đó sẽ là những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, hàng rào kỹ thuật.
Chỉ còn cách tổ chức lại sản xuất bằng liên kết chuỗi để tạo ra hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao và đầu tư chế biến sâu thì mới tận dụng được cơ hội này.
“Trong giai đoạn đầu khi EVFTA có hiệu lực, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác phản ứng nhanh để đến trực tiếp DN hướng dẫn và hỗ trợ DN thực hiện đúng các yêu cầu và thủ tục mà thị trường EU yêu cầu”, ông Cường nói.
TP.HCM triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Các đại biểu khai trương hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo Hiệp định EVFTA – Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất siêu truyền thống, là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba, đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của TP.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang EU đạt gần 2,3 tỉ USD, nhập khẩu hàng hóa từ EU về TP.HCM đạt gần 1,3 tỉ USD. Riêng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang EU trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 313 triệu USD.
Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định sản xuất, tiếp cận và mở rộng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại như EVFTA, theo ông Phong, TP.HCM đã tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền các nội dung của hiệp định.
Thành phố cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho DN như tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước…
Điểm nổi bật của EVFTA
* Là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.
* Có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại đã được ký kết.
* Là hiệp định thương mại đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
* Hàng hóa: EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm. Việt Nam cắt giảm gần 100% dòng thuế trong vòng 10 năm (48,5% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 91,8% về 0% sau 7 năm). Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số loại quặng quý hiếm…