23/01/2025

Nóng cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19: Việt Nam đang vượt tiến độ

Nóng cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19: Việt Nam đang vượt tiến độ

‘Để cho ra đời vắcxin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này’, đơn vị nghiên cứu sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ở Việt Nam tuyên bố.

 

Nóng cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19: Việt Nam đang vượt tiến độ - Ảnh 1.

Nghiên cứu phát triển vắcxin tại VABIOTECH, đơn vị đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19 “made in Việt Nam” – Ảnh: L.ANH

Sáng 1-7, lần đầu tiên từ khi bắt tay vào phát triển vắcxin ngừa COVID-19 tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 Bộ Y tế (VABIOTECH) đã giới thiệu vắcxin này với báo giới.

“Để cho ra đời vắcxin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này” – ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch VABIOTECH, nói.

Vượt tiến độ 2 tháng

Theo ông Đạt, dự án nghiên cứu phát triển vắcxin COVID-19 của VABIOTECH đang có triển vọng rất tích cực, khi vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1, với kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao trên chuột được tiêm thí nghiệm, sau khi đánh giá tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Hành trình làm vắcxin của Việt Nam khá công phu, bắt đầu là 2 nghiên cứu viên của VABIOTECH phải đi học về công nghệ sản xuất vắcxin mới tại Đại học Bristol, Anh. Một trong hai người là ThS Mạc Văn Trọng.

“Chúng tôi đã kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa hàng không quốc tế hồi cuối tháng 3, sau 14 ngày cách ly tập trung, chúng tôi có gần 1 tháng cách ly kép – vừa cách ly, vừa ăn ngủ làm việc tại phòng thí nghiệm, cho đến khi có vắcxin tiêm cho động vật hồi cuối tháng 4 vừa qua” – ThS Trọng cho biết.

Công nghệ mà VABIOTECH sử dụng trong sản xuất vắcxin phòng COVID-19 lần này là công nghệ vector virus, thay vì công nghệ vắcxin bất hoạt hay vắcxin sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắcxin đại dịch.

Mặt khác, theo ThS Trọng, đề tài này cũng được “hưởng lợi” từ kết quả đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ của virus corona chủng mới mà viện đang triển khai. Đây cũng là một dự án cấp bách triển khai ngay từ khi dịch mới bùng phát.

Nhờ các thông tin giải mã này mà Việt Nam vẫn có thể làm chủ tình hình (dù nhiều nước đã “việt vị” trong dự đoán về dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất đầu thế kỷ 21). Cụ thể với nghiên cứu vắcxin, nhờ giải mã được đặc điểm dịch tễ liên quan đến virus, các nhà phát triển vắcxin đã chọn được vùng gen đặc trưng để đặt lên giá thể vắcxin, đó là vùng gen S (vùng gen gai) của virus.

Còn phải làm những gì?

Theo GS Đặng Đức Anh – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung Quốc và nhiều nước khác đang thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người. Với vắcxin của Việt Nam, hiện mới đang ở bước đầu thử nghiệm trên động vật. Theo ThS Trọng, so với các nước, Việt Nam đang đi chậm hơn một chút.

“Tuy nhiên, chậm có lý do, cụ thể là các nhà phát triển vắcxin khác có thể thử nghiệm song song trên động vật và trên người, Việt Nam đi chậm để có thể chứng kiến các nhà phát triển khác thử nghiệm nhằm đảm bảo chắc chắn hơn, do đây là một vụ dịch mới, virus mới, vắcxin mới” – ông Trọng phân tích.

“Ở giai đoạn tiếp theo, vắcxin này sẽ được phát triển thành vắcxin hoàn chỉnh, ổn định, đủ tiêu chuẩn sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu liều” – ông Đỗ Tuấn Đạt nói.

Để có kết quả này quả thật là không đơn giản, khi thông thường theo cách làm cũ, mất đến 5-10 năm mới có thể cho ra đời một vắcxin mới.

Vắcxin của thế giới cũng có thể được ra mắt sau nửa năm nữa, vắcxin Việt Nam có thể cần thời gian dài hơn chút ít. Tuy nhiên theo ông Đạt, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắcxin cả thế giới chờ đợi, mà mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắcxin cho Việt Nam, nhất là các vắcxin đại dịch.

Bởi trong tương lai nếu xuất hiện chủng virus corona gây đại dịch ở người, với công nghệ có sẵn trong tay, chúng ta chỉ cần “lắp ráp” phần gen của virus mới vào là sẽ cho ra đời vắcxin mới rất nhanh, sẵn sàng và chủ động có vắcxin phòng bệnh.

Việt Nam đã xuất khẩu test thử COVID-19 chất lượng cao, và sắp tới có thể là vắcxin. Tại sao không?

LAN ANH
TTO