24/12/2024

Mỹ cam kết phối hợp với Việt Nam trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

Mỹ cam kết phối hợp với Việt Nam trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

“Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiến đến kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong một thời kỳ không thể tốt đẹp hơn, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định.

 

Mỹ cam kết phối hợp với Việt Nam trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tại buổi tiếp báo chí ở Hà Nội ngày 2-7, ông Kritenbrink nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế Mỹ. Ông cũng cho rằng “sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung ứng trong sản xuất hàng hóa sẽ làm các quốc gia trở nên dễ bị tổn thương hơn trong khủng hoảng”.

Chưa có cái gọi là QUAD Plus

Nhận xét của ông Kritenbrink phản ánh quan điểm về kinh tế toàn cầu của chính quyền Mỹ lâu nay.

Hồi tháng 4, báo chí cũng rộ tin Mỹ đang có kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Truyền thông Ấn Độ thậm chí dùng cụm từ “QUAD Plus” để nói về một cuộc họp trực tuyến về COVID-19 giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong đó, “QUAD” là cụm từ trước đây dùng để chỉ “bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc.

Cách gọi “QUAD Plus” đã khiến nhiều người nhanh chóng đồn đoán về một kế hoạch “liên minh” để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dù theo nguồn tin của Tuổi Trẻ đến nay, chưa có sự liên kết chính thức nào giữa “QUAD Plus” với các sáng kiến tái cấu trúc chuỗi cung ứng, bao gồm cái gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”.

Trao đổi với phóng viên ngày 2-7, ông Kritenbrink cũng nói rằng khái niệm QUAD Plus cũng chưa có gì rõ ràng từ phía Mỹ. Theo đại sứ, Mỹ hiện cũng không kỳ vọng tạo ra một nhóm chọn lọc. Thay vào đó, Washington mong muốn làm việc với những đối tác có chia sẻ chung lợi ích và các mối quan tâm.

“Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một sự lựa chọn hợp logic. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu và đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Việt Nam cũng đã chứng tỏ được năng lực của mình trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 thời gian qua”, ông Kritenbrink cho hay.

Cũng như một số quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây Tuổi Trẻ tiếp xúc, quan điểm của Mỹ đối với hợp tác kinh tế quốc tế – bao gồm với Việt Nam – vẫn là chuyện tạo điều kiện, nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay các công ty tư nhân.

Theo ông Kritenbrink, “suy cho cùng việc quyết định đặt chuỗi cung ứng ở đâu phụ thuộc vào các công ty tư nhân, bao gồm các công ty Mỹ”. Chính vì vậy, điều Việt Nam cần lưu tâm và thúc đẩy hiện nay là xây dựng chính sách nhất quán, hệ thống quản lý và pháp luật ổn định để thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Thúc đẩy hợp tác, chú trọng an ninh Biển Đông

Chuyện “tái cấu trúc chuỗi cung ứng” hay tên gọi QUAD Plus được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tồn tại nhiều khác biệt. Vì vậy, cạnh tranh Mỹ – Trung luôn là đề tài nhạy cảm và ảnh hưởng lên bức tranh địa chính trị – địa kinh tế toàn cầu.

Tại Hội nghị ASEAN 36 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “ASEAN sẽ không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Khi được hỏi về vấn đề này, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Mỹ không muốn ASEAN hay bất kỳ quốc gia nào khác phải chọn phe.

“Điều chúng tôi mong muốn là các nước sớm nhận ra rằng họ muốn có trật tự ổn định và đạt được những lợi ích trong tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia khác, và kỳ vọng vào sự hợp tác để thúc đẩy hòa bình và thượng tôn pháp luật. Chúng tôi chào đón Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực đảm bảo trật tự thế giới”, ông Kritenbrink nói.

Đại sứ Mỹ ngoài ra cũng lặp lại quan điểm của chính quyền Mỹ về việc phản đối bất kỳ hành động lợi dụng khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Vài tháng nay, Washington thường xuyên cáo buộc Trung Quốc lợi dụng COVID-19 để tăng cường hoạt động khiêu khích, gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Nói về hợp tác quốc phòng với Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu USD nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, nhằm giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích chủ quyền chính đáng và cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.

“Chúng tôi hi vọng ngày càng có nhiều sĩ quan, cán bộ Việt Nam học tập và huấn luyện tại các học viện quân sự của Mỹ”, ông Kritenbrink đề xuất, nhấn mạnh rằng hợp tác quốc phòng có thể được thực hiện trên nhiều mặt, bao gồm đào tạo tiếng Anh cho Lực lượng Gìn giữ hòa bình mà Việt Nam gửi đi nước ngoài.

“Tuy nhiên, những hợp tác này chỉ được thực hiện ở tốc độ mà hai bên đều cảm thấy thoải mái với nó”, đại sứ nói.

Tiến tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, ông Kritenbrink khẳng định rằng bất kể tên gọi của mối quan hệ, toàn diện hay chiến lược, điều Mỹ quan tâm nhất là tiếp tục vun đắp cho niềm tin giữa hai nước, tăng cường quan hệ quốc phòng, thúc đẩy thương mại, kinh tế ngày càng tự do, cân bằng hơn.

“Tôi tin rằng chúng ta đang có mối quan hệ là tốt nhất hiện nay bất kể tên gọi là gì”, đại sứ khẳng định.

KHOA THƯ – NHẬT ĐĂNG
TTO