23/01/2025

12 tỉnh thành tăng trưởng âm, vì sao?

12 tỉnh thành tăng trưởng âm, vì sao?

12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm phản ánh đúng thực tế tình hình kinh tế các địa phương này với tỉ trọng kinh tế dịch vụ chiếm rất lớn, đặc biệt là tỉ trọng đóng góp của ngành du lịch.

 

12 tỉnh thành tăng trưởng âm, vì sao? - Ảnh 1.

Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa nằm trong những tỉnh bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trong ảnh: du khách tham quan, vui chơi tại đảo Điệp Sơn, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: T.Đạm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 12 địa phương tăng trưởng âm gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, chỉ số tăng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng âm (-) 3,61%, Quảng Nam -11,51%, Khánh Hòa -12,02%, Bà Rịa – Vũng Tàu -6,87%, Hòa Bình -6,51%…

Không quá bất ngờ…

Bình luận về chuyện tăng trưởng âm của các địa phương, bà Nguyễn Thị Hương, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, cho rằng nguyên nhân là do một số địa phương có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỉ trọng lớn, một số địa phương khác tăng trưởng lại quá phụ thuộc vào khu vực FDI.

“Khi khu vực FDI không xuất khẩu được do dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế các địa phương này đã bị ảnh hưởng đáng kể”, bà Hương nói.

TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho rằng những địa phương phụ thuộc nhiều vào du lịch có tăng trưởng âm là điều đương nhiên vì cả nước đều tập trung công tác phòng chống dịch bệnh.

“Với chủ trương giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, những địa phương có thế mạnh du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu… chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các địa phương khác”, ông Cường nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia kinh tế cho rằng việc Đà Nẵng tăng trưởng âm sau giai đoạn COVID-19 là không bất ngờ, bởi thế mạnh của Đà Nẵng là du lịch và dịch vụ, với đóng góp của lĩnh vực này vào GRDP Đà Nẵng hằng năm rất lớn, chiếm 64%. Và đây cũng là ngành chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

“Riêng sự sụt giảm ngành dịch vụ du lịch đã kéo giảm gần 3% GRDP Đà Nẵng. Cộng thêm sụt giảm trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và thu thuế khiến Đà Nẵng tăng trưởng âm”, vị này nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đà Nẵng vẫn còn nhiều dư địa phát triển, trong đó việc định hướng phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới. Ngoài ra, Đà Nẵng có thể kích thích tăng trưởng bằng việc đẩy mạnh đầu tư công, nhanh chóng giải ngân vốn các công trình trọng điểm.

Thúc giải ngân đầu tư công

Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, theo các chuyên gia, các bộ ngành cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, trong đó ưu tiên giải ngân những dự án đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, những dự án đang triển khai.

“Cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được bao nhiêu vốn đầu tư tại các dự án đã hoàn thành thủ tục, không thể hô hào đẩy mạnh giải ngân”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng cần đẩy mạnh giải ngân các công trình quốc gia trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, xây dựng đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài… nhằm hỗ trợ nền kinh tế. “Bởi cứ thêm 1% giải ngân đầu tư công, GDP sẽ tăng thêm 0,06%”, ông Lâm khẳng định.

Theo ông Trần Văn Vũ, cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, việc tăng vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp khoảng 0,08% vào tốc độ tăng GRDP.

Do đó, cần đẩy mạnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công chậm giải ngân. Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các ngành giao thông, du lịch như miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng các dự án.

Ngoài ra, theo ông Vũ, ngành ngân hàng cần đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh.

“Thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất. Tiếp tục cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và thu hút đầu tư trong, ngoài nước”, ông Vũ đề xuất.

Kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ

Phát biểu chỉ đạo Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Theo đó, Bộ Tài chính phải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Công thương và các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bộ Công thương sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá, đảm bảo nguồn cung cho dự trữ và nhu cầu tiêu dùng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh không tăng giá điện, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực VN kiểm tra, xử lý ngay bức xúc của người dân về các trường hợp tiền điện tăng đột biến.

Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về việc giảm giá nước sạch để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân, đồng thời tiếp tục xem xét để giảm giá dịch vụ viễn thông phù hợp. Bộ NN&PTNT phải tập trung giải pháp tái đàn, tăng đàn, nhập heo sống, quản lý tốt hơn khâu trung gian để tiếp tục giảm giá thịt heo một cách phù hợp.

L.THANH

Nhiều giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế

Trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê đã đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi tăng trưởng. Theo đó, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời. Vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam…

Kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020.

B.NGỌC

Đà Nẵng lần đầu tăng trưởng âm

Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sụt giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm và là thành phố duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương có mức tăng trưởng âm.

vệt du lịch biển phường hòa hải 09 1(read-only)

Kinh tế Đà Nẵng chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 dẫn tới tăng trưởng âm – Ảnh: TẤN LỰC

Lĩnh vực bị giảm nhiều nhất là dịch vụ (giảm 4,62%), công nghiệp và xây dựng (giảm 1,8%), thuế sản phẩm (giảm 2,4%). Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm bị thu hẹp 917 tỉ đồng, ước đạt hơn 51.000 tỉ đồng. Lượng khách đến Đà Nẵng giảm 49%, chỉ đạt hơn 1,6 triệu lượt. Các doanh nghiệp là thành phần gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.

Khảo sát nhanh 7.200 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy 58% ngưng hoạt động trong thời điểm giãn cách xã hội, 37% gặp khó khăn về vốn, 40% khó khăn về tiền lương. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, giảm thị trường tiêu thụ, khó khăn thanh toán chi phí mặt bằng. Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Hậu quả của tình trạng này là gần 180.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 59.000 lao động bị ngưng việc hoặc nghỉ không lương, 106.000 lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc và 24.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 7,55%, tăng mạnh so với tỉ lệ 2,89% trong năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách TP Đà Nẵng ước đạt 11.300 tỉ đồng nhưng tổng chi đến 14.300 tỉ đồng. Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, với nhiều khó khăn như trên, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8-9% như nghị quyết HĐND TP là khó có khả năng thực hiện được.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (ĐH Fulbright Việt Nam):

Chất lượng tăng trưởng có “vấn đề”

Con số báo cáo tăng trưởng âm của Đà Nẵng cũng không quá ngạc nhiên bởi nó được đặt trong bối cảnh dịch bệnh. Tất cả các ngành nghề, địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng dịch COVID-19 là “tai nạn” làm lộ rõ hơn câu chuyện chất lượng tăng trưởng ở nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế Đà Nẵng, dịch vụ giảm mạnh nhất với 4,62% nhưng điều đó không có nghĩa cấu trúc kinh tế của Đà Nẵng đang có vấn đề. Đà Nẵng vẫn có thể phát triển dịch vụ nhưng quan trọng phải tái cơ cấu chất lượng dịch vụ, cải thiện năng suất chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn với du lịch, Đà Nẵng nên hướng đến những dòng, sản phẩm cao cấp nhiều hơn, thay vì theo đuổi mô hình du lịch đại trà nhưng đóng góp ngân sách không đáng kể.

Không chỉ Đà Nẵng, nhiều địa phương của VN đang loay hoay với chất lượng tăng trưởng, ngay cả những ngành đang phát triển nhanh. Cạnh tranh phát triển phải dựa trên năng suất mới bền vững. Ngay cả những địa phương duy trì được sự tăng trưởng trong nông nghiệp nhưng mức tăng vẫn không cao, không thoát được bẫy năng suất thấp. Một khi các ngành, lĩnh vực đạt được năng suất cao sẽ giảm được tính tổn thương nếu gặp khủng hoảng, hay gặp một cú sốc về cầu thị trường.

Năng suất là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, nền kinh tế. Dù cơ cấu kinh tế của các địa phương có đi theo hướng nào, quan trọng nhất phải đảm bảo được năng suất. Nếu không cung cấp được chất lượng cao, khả năng phục hồi các ngành nghề cũng chậm khi gặp khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:

Không thể dựa vào một ngành nghề

Việc Đà Nẵng tăng trưởng âm là một tín hiệu… tốt để chúng ta nhìn thẳng vào những bất cập còn tồn tại trong cơ cấu kinh tế các địa phương. Những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19, trong khi các ngành bổ trợ lại chưa được đầu tư đúng.

Thực tế cho thấy không chỉ Đà Nẵng mà nhiều tỉnh ven biển của Việt Nam có cơ cấu dịch vụ khá cao, đóng góp phần lớn tăng trưởng kinh tế địa phương. Điều đó không sai vì các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch có tính lan tỏa giá trị gia tăng mạnh mẽ, sự phát triển ngành này kéo theo những ngành khác cùng phát triển, luôn tạo được sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, dịch bệnh khiến ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, mới cho thấy tỉ trọng đóng góp của nông nghiệp rất ít, chủ yếu là do hàm lượng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa được ứng dụng nhiều công nghệ cải thiện năng suất.

GDP là thước đo quy mô một nền kinh tế nhưng không phải tất cả. Chúng ta cần cải thiện chất lượng tăng trưởng, đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương vẫn đang dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI, thâm dụng lao động.

Rõ ràng bệ đỡ cho kinh tế Đà Nẵng bên cạnh ngành dịch vụ là nông nghiệp chứ không hẳn là ngành công nghiệp. Nói cách khác, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, dịch vụ và nông nghiệp là cặp đôi quan trọng cần được đầu tư nhiều hơn. Khi dịch vụ gặp khó, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ, san sẻ phần nào phần hụt thu.

N.BÌNH ghi

BẢO NGỌC – TẤN LỰC
TTO