19/11/2024

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình

Ngày 1-7, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản giải trình 5 ý kiến của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch về việc quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).

 

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 1.

Toàn cảnh núi Xuân Vân, nơi quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân – Ảnh: THÁI THỊNH

Trước đó, tháng 10-2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu du lịch núi Xuân Vân – phân khu A (khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp La Poesie) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thành Châu đầu tư.

Sau khi quy hoạch được trình lên, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho rằng để hạn chế các tác động có thể ảnh hướng tới giá trị, cảnh quan của danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo Sở Văn hóa và thể thao tỉnh cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ quy hoạch dự án.

Về 5 ý kiến của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu giải trình làm rõ, UBND tỉnh Bình Định trả lời:

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 2.

Du khách chụp hình ở khu vực Mộ Hàn Mặc Tử – Ảnh: THÁI THỊNH

Thứ nhất:

– Khu vực lập quy hoạch có diện tích là 137,37ha nằm tại núi Xuân Vân. Phía bắc khu vực lập quy hoạch có các di tích: Mộ Hàn Mặc Tử, Lầu Bảo Đại, bãi tắm Hoàng Hậu.

Các di tích này thuộc khu vực bảo vệ 1, nằm ngoài ranh quy hoạch dự án nên hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích.

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 3.

Di tích Ghềnh Ráng nằm trong hệ thống núi Xuân Vân được Nhà nước công nhận xếp hạng năm 1991 – Ảnh: THÁI THỊNH

Thứ hai:

– Khu vực lập quy hoạch nằm ngoài phạm vi khu vực bảo vệ 1 của các di tích nên hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích.

Tuy nhiên, khu vực lập quy hoạch có một phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 của các di tích nên sẽ có ảnh hưởng gián tiếp đến các giá trị cảnh quan, môi trường, sinh thái của các di tích.

Vì vậy, khi thực hiện dự án sẽ đảm bảo các yêu cầu sau: không làm ảnh hưởng nhiều đến địa hình đồi núi bằng cách san gạt cục bộ những vị trí cần xây dựng công trình, không san gạt quy mô lớn.

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 4.

Bãi tắm Hoàng Hậu nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng – Ảnh: THÁI THỊNH

Tổ chức xây dựng công trình chủ yếu là thấp tầng, giật cấp theo độ dốc địa hình và mật độ xây dựng đảm bảo đúng theo quy định quản lý quy hoạch để đảm bảo tầm nhìn và cảnh quan chung cho khu vực cũng như của các di tích.

Các công trình xây dựng biệt thự, bungalow có vị trí tương đối cách xa nhau, nằm ẩn dưới các tán lá cây. Vị trí các công trình xây dựng chủ yếu phía đông, tiếp giáp biển, ít ảnh hưởng đến hướng nhìn từ nội thành Quy Nhơn.

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 5.

Dốc Mộng Cầm thuộc khu di tích Ghềnh Ráng – Ảnh: THÁI THỊNH

Thứ ba:

– Về việc không xây dựng bảo tàng trong khu quy hoạch, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh điều chỉnh quy hoạch, thay đổi chức năng của công trình cho phù hợp.

Thứ tư:

– Về chủ trương và nội dung đầu tư xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân, UBND tỉnh Bình Định đã lấy ý kiến đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương.

Thứ năm:

– UBND tỉnh Bình Định đã bổ sung vào mục căn cứ lập Quy hoạch các văn bản pháp lý: Luật di sản văn hóa, Nghị định số 98 và Nghị định 166 của Chính phủ…

Quy hoạch liên quan đến Gềnh Ráng, Bình Định phải giải trình - Ảnh 6.

Toàn cảnh TP Quy Nhơn nhìn từ bãi tắm Hoàng Hậu thuộc núi Xuân Vân – Ảnh: THÁI THỊNH

Không được bêtông hóa di tích quốc gia

Ông Đinh Bá Hòa – nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) – cho rằng với di tích cấp quốc gia làm gì thì làm cần phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn, ý kiến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và lắng nghe người dân.

“Việc xây biệt thự nghỉ dưỡng với mục đích tôn vẻ đẹp của di tích lên, chứ không phải bêtông hóa di tích phá vỡ cảnh quan. Ý tưởng làm bảo tàng ở núi Xuân Vân cũng không phù hợp, bảo tàng thì phải có khuôn viên riêng, mắc mớ chi xây trên núi, khó khăn cho việc tham quan” – ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, tại vị trí danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng có những lớp đá hoa cương hình thành hàng triệu năm ở khu vực bảo vệ I và bảo vệ II rất đẹp, vì thế cần giữ lại những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, không nên tác động sâu, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, vẻ đẹp tự nhiên của di sản, danh lam thắng cảnh.

THÁI THỊNH
TTO