19/11/2024

Nhiều hoá đơn tiền điện tăng đột biến, EVN thiết lập ‘cảnh báo tự động’

Nhiều hoá đơn tiền điện tăng đột biến, EVN thiết lập ‘cảnh báo tự động’

Cùng với quy trình ghi chỉ số, lập hoá đơn đã được ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ bổ sung thêm 2 bước trong quy trình và thiết lập cảnh báo tự động nhằm hạn chế tối đa sai sót với hoá đơn tiền điện.

 

Nhiều hóa đơn tiền điện tăng đột biến, EVN thiết lập ‘cảnh báo tự động’ - Ảnh 1.

EVN thiết lập cảnh báo tự động việc ghi chỉ số, lập hóa đơn – Ảnh: EVN

Trước việc một số hộ dân phản ánh việc ghi chỉ số tiền điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… hay hoá đơn lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bổ sung quy định việc thiết lập các ngưỡng kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu, lập hoá đơn tiền điện và công tác dịch vụ khách hàng.

EVN bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hóa đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn.

Để thực hiện được việc lập hóa đơn, lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra.

Đồng thời thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần, … 10 lần) và tương ứng gửi email, SMS đến các vị trí quản lý của đơn vị từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc và các phòng, ban đơn vị cấp trên.

Các trường hợp hoá đơn tiền điện khi phản ánh về Trung tâm Chăm sóc khách hàng, đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cần được chuyển đến lãnh đạo của đơn vị điện lực xử lý qua email, SMS, Zalo… để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Trước đó, trong Quy trình kinh doanh điện năng được EVN ban hành nêu rõ yêu cầu về lịch ghi chỉ số côngtơ thực hiện theo đúng lịch ghi đã được phê duyệt. Với địa bàn khách hàng sử dụng điện trung bình từ 15 kWh/tháng trở xuống, có thể thỏa thuận với khách hàng về thời gian ghi chỉ số côngtơ nhưng không được vượt quá 3 tháng/lần.

Trong quá trình ghi chỉ số, nhân viên ghi chỉ số có trách nhiệm phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường hoặc sai sót của hệ thống đo đếm như: côngtơ hư hỏng, bị tháo mất, bị mất chì niêm phong, tính sai hệ số nhân, không có trong sổ ghi chỉ số…

Khi phát hiện sai sót do chủ quan trong việc ghi chỉ số côngtơ, nghiêm cấm việc tự ý thỏa thuận với khách hàng.

Theo EVN, nếu côngtơ đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng, sau 2 lần đến không ghi được chỉ số côngtơ, cho phép tạm tính, còn nếu ghi chỉ số không thực hiện được từ 3 chu kỳ trở lên cần thoả thuận chuyển vị trí lắp đặt côngtơ ra vị trí dễ cho việc ghi chỉ số.

Cũng theo quy trình này, người ghi chỉ số tuyệt đối không được kiêm nhiệm thực hiện công tác thu tiền điện, không được kiêm nhiệm thực hiện treo tháo côngtơ và không được ghi chỉ số tại cùng một lộ trình trong 06 tháng liên tiếp.

NGỌC AN
TTO