22/01/2025

Lại sắp tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

Lại sắp tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

Dự kiến ngày mai (1.7), hải quân Trung Quốc lại tổ chức tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh kiểm soát trái phép.
Hải quân Trung Quốc gần đây có nhiều động thái gây căng thẳng /// CHINAMIL
Hải quân Trung Quốc gần đây có nhiều động thái gây căng thẳng CHINAMIL
Nửa đêm 28.6, tờ Hoàn Cầu thời báo, một nhánh của Nhân Dân nhật báo trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài viết India’s wishful thinking an illusion as PLA is prepared on all fronts (tạm dịch: Ấn Độ ảo mộng khi quân đội Trung Quốc sẵn sàng trên mọi mặt trận).
Theo bài viết này, Ấn Độ đừng kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ bởi Washington chỉ lợi dụng New Delhi trên bàn cờ “ăn thua” với Bắc Kinh. Bài báo dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc cho rằng kỳ vọng của Ấn Độ là vô ích, bởi Bắc Kinh đã điều động binh sĩ và khí tài sẵn sàng trên mọi mặt trận.

Liên tục tập trận trên Biển Đông

Để minh chứng cho điều đó, bài báo tiết lộ Trung Quốc sắp tập trận quy mô lớn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Thời gian tập trận kéo dài từ ngày 1 – 5.7. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã điều động một nhóm tàu chiến bao gồm các tàu khu trục và tàu hộ tống đến hoạt động ở Biển Đông từ ngày 18.6.
Ngoài ra, bài báo cho hay Quân đoàn 73 của Trung Quốc vừa tiến hành tập trận quy mô lớn ở tỉnh Phúc Kiến. Cuộc tập trận có sự tham gia của cả xe bọc thép đổ bộ ZBD-05.
Thời gian qua, Bắc Kinh thường xuyên điều động quân đội tập trận ở Biển Đông gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Cuối tháng 3, tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ quân đội Trung Quốc cho hay máy bay quân sự nước này vừa tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông. Đến giữa tháng 4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận.
Đến tháng 5, tờ South China Morning Post dẫn một số nguồn tin trong quân đội Trung Quốc tiết lộ sẽ điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông. Thời điểm chính xác của cuộc tập trận không được tiết lộ.

Đe dọa các nước trong khu vực

Trả lời Thanh Niên ngày 29.6, PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng thời gian qua, trong lúc tình hình thế giới có nhiều bất ổn do dịch bệnh, Trung Quốc đã liên tục có nhiều hành động để tăng cường kiểm soát những “lợi ích cốt lõi” theo định nghĩa của Bắc Kinh.
“Trung Quốc đã đụng độ với Ấn Độ ở khu vực biên giới hai nước, Bắc Kinh cũng tăng cường hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan và có nhiều hành động gây căng thẳng ở Biển Đông”, PGS-TS Nagy chỉ ra.
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) nhận định Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa mang 2 thông điệp.
“Thứ nhất là thông điệp đe dọa gửi đến các nước trong khu vực, bởi tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua thì các thành viên của khối này đã có nhiều phát biểu lên án các hành vi gây quan ngại ở Biển Đông. Thêm vào đó, một số nước ASEAN đã có các chỉ dấu có thể viện dẫn các biện pháp về pháp lý chống lại tuyên bố chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Thông điệp thứ hai là nhằm chứng minh với dư luận nội bộ Trung Quốc rằng hải quân nước này có khả năng bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích cốt lõi”, GS Sato phân tích.
Tương tự, PGS-TS Nagy cũng cho rằng: “Việc Trung Quốc thông báo tập trận từ ngày 1 – 5.7 ở quần đảo Hoàng Sa nhằm thể hiện sự “tự tin” của nước này và để “ăn miếng trả miếng” với các động thái quân sự của Mỹ trong khu vực, điển hình là việc điều động 3 nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động ở Thái Bình Dương – vốn được Washington tiến hành nhằm phản ứng các hoạt động của Bắc Kinh. Thực tế, Bắc Kinh thừa hiểu khó có thể so kè ngang ngửa với Washington về hải quân, nên phải phát triển chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD). Vì thế, cuộc tập trận sắp tới của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa chủ yếu nhằm đối nội, chứ khó có thể tương xứng với sức mạnh quân sự của Mỹ đang hiện diện trên Biển Đông”.
Từ thực tế đó, ông lo ngại: “Nếu Mỹ và Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự thì rất dễ dẫn đến va chạm ngoài dự tính. Chính vì thế, Washington và Bắc Kinh cần nhận thức rủi ro này”.
Mỹ sắp lên kế hoạch răn đe Trung Quốc
Dự kiến Mỹ sẽ công bố dự luật ngân sách quốc phòng trong hôm nay (30.6), và thực hiện bước điều chỉnh cuối cùng vào ngày 1.7 rồi trình lên Hạ viện.
Vừa qua, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật ngân sách quốc phòng 740,5 tỉ USD (17,2 triệu tỉ đồng) cho năm tài chính 2021, theo trang Defence News. Dự luật cho phép thiết lập một quỹ ngân sách quốc phòng mới 1,4 tỉ USD, được gọi là Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI). “PDI là nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mỹ quyết bảo vệ các lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Với PDI, Mỹ sẽ củng cố sức mạnh quân sự như tăng cường các căn cứ nhỏ, phân tán và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn.
Phúc Duy
Bắc Kinh triển khai mạng lưới liên lạc ở Biển Đông
Trung Quốc đã triển khai mạng lưới các bộ cảm biến và những khả năng liên lạc nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019. Những khả năng này nằm trong “Mạng lưới thông tin đại dương xanh (BOIN)” do Công ty công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) phát triển để hỗ trợ thăm dò và kiểm soát môi trường biển bằng cách dùng công nghệ thông tin, theo bài phân tích và tổng hợp thông tin vừa được công bố bởi Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ). Những kế hoạch tương lai cho BOIN sẽ bao gồm việc mở rộng mạng lưới các bộ cảm biến và liên lạc tới phần còn lại của Biển Đông, biển Hoa Đông và những khu vực khác cách xa lãnh hải Trung Quốc. AMTI cảnh báo tuy được xem là hệ thống theo dõi môi trường, BOIN có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Văn Khoa
NGÔ MINH TRÍ
TNO