23/01/2025

Vì sao hoá đơn tiền điện nhiều tháng y hệt nhau ?

Vì sao hoá đơn tiền điện nhiều tháng y hệt nhau ?

Không chỉ câu chuyện tiền điện tăng, trong mấy ngày qua, người dân phản ánh ngành điện cho ra những hoá đơn tiền điện kiểu “mô-nô-tông” liên tục 6 tháng cùng một chỉ số, mức giá.
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (giữa) giám sát việc ghi chỉ số công tơ /// Ảnh: Chí Hiếu
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (giữa) giám sát việc ghi chỉ số công tơ   ẢNH: CHÍ HIẾU

Chốt chỉ số áng chừng ?

Tại Cai Lậy (Tiền Giang), một hộ dân phản ánh, hóa đơn tiền điện của gia đình 6 tháng liên tục đều giống nhau không sai một chỉ số. Cụ thể, từ tháng 11.2019 đến tháng 4.2020, chỉ số tiêu thụ điện năng của gia đình này luôn ở mức 162 kWh, số tiền điện phải đóng mỗi tháng là 325.015 đồng.

Điện lực Tiền Giang nói gì ?

Ngày 27.6, Điện lực Tiền Giang đã có báo cáo về vụ việc. Cụ thể, do khách hàng thường xuyên đóng cửa, công tơ lại lắp trong nhà, nhân viên điện lực thường xuyên không liên hệ được nên các kỳ ghi chỉ số tháng 12.2019 và tháng 1.2020 được tạm tính bằng sản lượng tiêu thụ của tháng trước đó (tháng 11.2019) là 162 kWh, tương ứng 325.000 đồng. “Sự việc sai sót này đã được Điện lực Cai Lậy phát hiện vào tháng 4 và kỳ ghi chỉ số tháng 4 đã hiệu chỉnh từ 162 kWh còn 97 kWh, tương ứng 182.000 đồng và khách hàng đã vui vẻ thống nhất”, báo cáo của Điện lực Tiền Giang nêu.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, cho rằng thực tế điều này không mới. Trong quá khứ, có nhiều trường hợp đã xảy ra như vậy, gia đình nhận hóa đơn có chỉ số điện 2 – 3 tháng giống nhau là bình thường. Một số trường hợp được giải thích do khi nhân viên ghi điện, phải gõ cửa các gia đình để ghi chỉ số vào cuối mỗi tháng, nhưng các hộ trên thường không có người ở nhà, nhiều khi phải đi lại nhiều lần không tiện, nhân viên “ghi đại” chỉ số cũ để có số liệu về làm hóa đơn, tháng sau có điều kiện tính tiếp.

“Tuy nhiên, trường hợp đó chỉ xảy ra tại một số địa phương, vùng quê, nhân viên điện và gia đình quen biết nhau, xảy ra đã lâu, không phải của thời đại 4.0”, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh và cho rằng, với hóa đơn 6 tháng liên tiếp nhưng có cùng một chỉ số như khách hàng ở Tiền Giang phản ánh, có 2 nguyên nhân xảy ra. Hoặc do nhân viên ghi chỉ số bằng phương pháp thủ công, làm biếng, không đến tận nơi ghi, tự ý “cấy” số để… đỡ mệt. Lý do thứ hai, có thể đường dây dẫn vào đồng hồ bị hỏng, không hoạt động một thời gian dài, chỉ số điện bị nghẽn ở mức 162 kWh, thiết bị đo có thể không quá thông minh để phát hiện bất thường, nên bấm thấy hiện số trên thì cứ lưu lại vậy. Tuy nhiên, với trường hợp thứ hai thì thể hiện tính quan liêu của nhân viên, bộ phận ra hóa đơn…
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh khẳng định, can thiệp để “ăn cắp” điện trong thời nay hơi khó, đối với ngành điện lẫn người sử dụng. Hiện trên thị trường có bán thiết bị hẹn đóng ngắt điện tự động, nhưng ngành điện không kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, với lý do nào, việc ghi chỉ số điện theo kiểu “áng chừng” chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, chứ ngành điện thì không. Lý giải điều này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng giá điện đang được tính theo lũy tiến 6 bậc. Nếu cứ ghi kiểu “áng chừng” như vậy, đến cuối năm, khi nhân viên ghi chỉ số muốn ghi “nghiêm túc”, dồn lại, hóa đơn ghi chỉ số điện hộ gia đình tăng lên 700 – 800 kWh hoặc thậm chí 1.000 kWh, với cách tính tiền lũy kế, sẽ thiệt thòi rất lớn cho người dân. Chẳng hạn, với mức 162 kWh, hộ gia đình chỉ đóng theo 3 bậc: 1.549 đồng/kWh (50 kWh đầu tiên), 1.600 đồng/kWh (50 kWh kế tiếp) và 1.858 đồng/kWh với 62 kWh còn lại. Có nghĩa là trong 6 tháng qua, nếu gia đình xài đến 200 kWh mỗi tháng, họ vẫn còn 38 kWh điện được đóng ở bậc 3 là 1.858 đồng/kWh. Đằng này, do ghi sai hoặc không ghi, gia đình mất cơ hội đóng hàng trăm kWh điện ở bậc 3, bị lũy tiến lên bậc 5, bậc 6 với mức giá 2.700 đồng/kWh…

“Thiết bị làm chậm công tơ chỉ là trò bịp”

Trao đổi với Thanh Niên chiều 28.6, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết trên thực tế ở miền Nam vẫn còn tình trạng nhiều nhà dân lắp công tơ điện trong nhà, trong vườn, nên có những trường hợp ngày ghi chỉ số điện thì người dân đi vắng khiến nhân viên chốt chỉ số không thể làm việc. “Quy trình kinh doanh khi đó cho phép tạm tính chỉ số tháng đó bằng tháng trước. Việc tạm tính này không được quá 2 lần (2 tháng) và sẽ được bù trừ vào kỳ tính hóa đơn tiếp đó. Nếu tháng thứ 3 vẫn còn tình trạng này thì nhân viên điện lực phải tìm gặp bằng được chủ hộ để chuyển công tơ ra ngoài”, ông Lâm nói.
Đối với câu chuyện nghi vấn tình huống đặt những thiết bị vô hiệu hóa công tơ, lãnh đạo EVN cho hay, hiện nay trên thị trường có nhiều quảng cáo các thiết bị “tiết kiệm điện” song tất cả chỉ là trò bịp để lừa bán thiết bị. “Về nguyên lý, khi lắp thêm một thiết bị thì chỉ làm tiêu tốn thêm điện năng mà thôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng dùng chiêu trò trình diễn là khi lắp thiết bị vào thì sẽ làm công tơ quay chậm lại. Nhưng chỉ có tác dụng với công tơ do họ chuẩn bị, còn khi lắp vào công tơ khác thì không được. Chúng tôi cũng đã lên tận Lạng Sơn để mua các thiết bị này về thuê các trung tâm thí nghiệm thiết bị điện phân tích nhưng không hề có chuyện giúp tiết kiệm điện”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, nói.
Ông Bùi Trung Dũng, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, người đang tham gia đoàn công tác về kiểm tra việc ghi chỉ số điện cho biết, đến nay cơ quan quản lý đo lường chưa phát hiện các thiết bị có tính năng can thiệp, vô hiệu hóa công tơ… Qua thực tế kiểm tra tại Công ty điện lực Thanh Xuân, Mê Linh (thuộc EVN Hà Nội) trong 2 ngày qua, thì có nhiều trường hợp khách hàng đề nghị kiểm tra sự chính xác của công tơ. “Tất cả đều được các bên phối hợp thực hiện và kết quả kiểm định cho thấy, công tơ hoạt động chính xác, quá trình kiểm định khách quan và khách hàng đã thống nhất, không có ý kiến gì thêm”, ông Dũng nói.
NGUYÊN NGA – CHÍ HIẾU
TNO