19/11/2024

Trung Quốc nói tìm thấy nước ngọt ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam

Trung Quốc nói tìm thấy nước ngọt ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam

Các nhà nghiên cứu thuộc ‘Viện hải dương học Nam Hải’ cho rằng quá trình bồi đắp và cải tạo (trái phép) đá Chữ Thập đã làm xuất hiện mạch nước ngọt bên dưới. Giới quan sát lo lắng Bắc Kinh sẽ sử dụng các nghiên cứu thuần khoa học cho chính trị.

 

 

 

Trung Quốc nói tìm thấy nước ngọt ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam - Ảnh 1.

Các tàu cuốc tự hành của Trung Quốc tham gia cải tạo trái phép đá Chữ Thập của Việt Nam năm 2015 – Ảnh: AMTI/CSIS

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát. Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu việc bồi đắp và cải tạo thực thể này thành đảo nhân tạo lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau đá Vành Khăn.

Nhóm nghiên cứu, do nhà địa chất hải dương Xu Hehua dẫn đầu, lập luận nếu quá trình bồi đắp giúp hình thành nước ngọt bên dưới Chữ Thập thì nước ngọt cũng có thể được tìm thấy ở các thực thể nhân tạo được cải tạo (trái phép) khác ở Biển Đông.

Theo báo South China Morning ngày 28-6, công trình nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Thủy văn, một tạp chí học thuật yêu cầu quá trình bình duyệt trước khi đăng bài, hồi tháng trước.

Nhóm của ông Xu tính toán mực nước ngầm bên dưới đá Chữ Thập đang tăng lên với tốc độ khoảng 1m/năm, cao gấp 2 lần so với các đảo tự nhiên. Mực nước hiện tại đo được khoảng 7m và có thể lên 15m vào năm 2035.

Lượng mưa trung bình mỗi năm ở Chữ Thập nhiều gấp 5 lần Trung Quốc đại lục cũng góp phần làm tăng nhanh mực nước ngầm bên dưới.

“Mạch nước ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng cho dân cư sinh sống và hệ sinh thái”, các nhà nghiên cứu thuộc “Viện hải dương học Nam Hải” ở Quảng Châu khẳng định. Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Đá Chữ Thập trước và sau khi bị Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo – Ảnh: AMTI/CSIS

Giới quan sát tỏ ra quan ngại trước phát hiện của Trung Quốc tại đá Chữ Thập. Mặc dù có thể xem đây là một nghiên cứu thuần khoa học, việc Bắc Kinh sử dụng những điều này như thế nào lại là một chuyện khác.

Trung Quốc đã đầu tư một cách nghiêm túc và có hệ thống cho các nghiên cứu liên quan đến Biển Đông trong thời gian qua để phục vụ cho yêu sách chủ quyền vô lý. Nhiều viện nghiên cứu về Biển Đông đã ra đời, xem xét mọi khía cạnh từ pháp lý đến môi trường.

Có ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng nghiên cứu của ông Xu trong nỗ lực thay đổi Chữ Thập từ “đá” sang “đảo” để hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh. Và sau Chữ Thập, rất có thể sẽ là các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.

Trong phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, không thực thể địa lý nổi nào ở Trường Sa đủ điều kiện trở thành đảo. Một trong những lý do là không thể đảm bảo điều kiện cho người sinh sống.

Bắc Kinh không tham gia phiên tòa và từ chối thực thi phán quyết cho đến nay, bất chấp sự kêu gọi và chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử cho chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực, bao gồm cải tạo và quân sự hóa đảo nhân tạo, biến các thực thể này thành những tiền đồn trong các đơn vị hành chính mà Bắc Kinh tự tiện đặt ra.

DUY LINH
TTO