23/12/2024

TP.HCM: Ngang nhiên ‘xẻ thịt’ đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc

TP.HCM: Ngang nhiên ‘xẻ thịt’ đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc

Tình trạng đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc bị chiếm dụng đã được Thanh tra TP.HCM chỉ ra từ năm 2018 và yêu cầu xử lý dứt điểm, thế nhưng đến nay vẫn tồn tại nhức nhối, thách thức chính quyền.
Doanh nghiệp chiếm giữ đất nhà nước làm bãi gỗ tại công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc /// Ảnh: Sỹ Đông
Doanh nghiệp chiếm giữ đất nhà nước làm bãi gỗ tại công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc   ẢNH: SỸ ĐÔNG
Dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc nằm trên địa bàn Q.9 (TP.HCM) và TP.Dĩ An (Bình Dương) được Thủ tướng phê duyệt năm 1996, sau khi điều chỉnh có quy mô diện tích rộng 395 ha, dự kiến xây dựng các công trình văn hóa tâm linh, lịch sử hướng về cội nguồn và các giá trị văn hóa dân tộc không chỉ của riêng TP.HCM mà còn phục vụ người dân các tỉnh lân cận.
Năm 2001, cơ quan chức năng bắt đầu thu hồi đất, giao cho Ban Quản lý công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (BQL) khoảng 353 ha để quản lý, sử dụng và đầu tư các dự án thành phần.

Tự ý cho thuê hàng chục héc ta

Theo hồ sơ mà PV Thanh Niên thu thập, trên phần đất được giao, từ năm 2003 – 2017, BQL tự ý ký kết 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng với 15 doanh nghiệp (DN), một số hợp đồng khác có tiêu đề “hợp tác đầu tư” nhưng thực chất cũng là cho thuê mặt bằng, với tổng diện tích lên đến hơn 35 ha.
Trong Kết luận thanh tra số 25/2018, Thanh tra TP.HCM xác định BQL đã không báo cáo xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc cho thuê đất, ký các hợp đồng cho thuê đất không phù hợp mục đích sử dụng đất và không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước khi cho thuê, BQL không xác định trước vị trí, diện tích khu đất cho thuê mà chủ yếu dựa vào nhu cầu của đơn vị thuê đất, dẫn đến việc quản lý manh mún và thiếu chặt chẽ; ngoài ra còn áp dụng đơn giá thuê đất không phù hợp với giá thị trường.
Giải trình về việc tùy tiện cho thuê mặt bằng, BQL cho rằng “để có thêm kinh phí trang trải hoạt động, giảm một phần áp lực cho ngân sách, đồng thời giúp giữ đất, tránh bị lấn chiếm trái phép”(!).
Trong khi đó, Thanh tra TP.HCM khẳng định đây là việc làm chủ quan, tùy tiện kéo dài trong nhiều năm, nhưng chậm khắc phục, xử lý; ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư các dự án thành phần. Do đó, Thanh tra TP.HCM kiến nghị phải chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép. Tuy nhiên, kiến nghị này bị “phớt lờ”.
TP.HCM: Ngang nhiên 'xẻ thịt' đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc - ảnh 1

Bãi đậu xe container trong khu đất lấn chiếm tại công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM)   ẢNH: SỸ ĐÔNG

Doanh nghiệp chây ì, chiếm hưởng nhiều tỉ đồng

Theo ghi nhận của PV, thực tế gần 2 năm trôi qua nhưng đất công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc vẫn bị “xẻ thịt” tràn lan, DN và người dân chiếm giữ tiếp tục sử dụng và cho thuê trái phép, tập trung chủ yếu ở phần đất thuộc địa bàn Q.9. Điều này không chỉ khiến tài sản nhà nước bị lãng phí, bộ mặt dự án nhếch nhác mà còn “vô hiệu hóa” các kết luận, chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Điển hình nhất là tại khu Đồi Dù (P.Long Bình, Q.9), hơn chục xưởng gỗ vẫn hoạt động ồ ạt, tiếng máy cưa vang xé tai, xe chở gỗ và sản phẩm từ gỗ ra vào tấp nập. Phần đất mà các xưởng gỗ đang hoạt động trước đây là đất của DN quốc phòng, sau đó BQL bồi thường rồi tiếp quản và tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhưng việc thanh lý hợp đồng sau kết luận thanh tra bị kéo dài.
Đáng chú ý, Trung tâm đầu tư – phát triển công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (gọi tắt là trung tâm) thuộc BQL ký hợp đồng cho thuê các khu đất trên đường Nguyễn Xiển (P.Long Bình) để các DN làm bãi gỗ và bến thủy nội địa. Trong đó, hợp đồng lớn nhất ký với Công ty CP tiếp vận Mê Kông cho thuê khu đất 26.000 m2 với giá chỉ 88,2 triệu đồng/tháng; hợp đồng thứ 2 cho Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành thuê mặt bằng 22.000 m2, giá thuê 85 triệu đồng/tháng; hợp đồng thứ 3 cho Công ty TNHH gỗ Duy Dương thuê mặt bằng rộng 23.000 m2 với giá gần 44,2 triệu đồng/tháng. Đáng nói, trên phần đất thuê của trung tâm, các DN này vừa sử dụng, vừa cho DN khác thuê lại từng lô đất nhỏ hơn để làm bãi gỗ hoặc bãi xe container.
Theo hồ sơ của PV, 3 hợp đồng trên đều có điều khoản khi chưa hết thời hạn hợp đồng mà BQL có nhu cầu sử dụng lại mặt bằng để triển khai các dự án thì BQL có quyền thu hồi bất cứ lúc nào, chỉ cần thông báo cho các DN thuê mặt bằng trước 2 tháng. Nếu DN không bàn giao thì BQL có quyền cưỡng chế, tháo dỡ. Mặt khác, 3 hợp đồng trên cũng có thời hạn đến hết năm 2018 nhưng khi hợp đồng hết hiệu lực, các DN vẫn không chịu trả mặt bằng. Trong năm 2019, BQL mời chủ DN làm việc từ 2 – 4 lần, nhưng các DN không hợp tác, tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian bàn giao. Như vậy, hơn 1 năm rưỡi qua, trên khu đất mà nhà nước bồi thường bằng vốn ngân sách, DN tiếp tục sử dụng và cho thuê, hưởng lợi nhuận mà không phải trả bất cứ một khoản tiền nào. Việc này không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn khiến tiến độ chung của dự án bị đình trệ.
TP.HCM: Ngang nhiên 'xẻ thịt' đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc - ảnh 2

Khu nhà xưởng sửa chữa ô tô trên đường Hàng Tre, P.Long Bình (Q.9, TP.HCM) do các hộ dân tái chiếm và cho thuê mặt bằng

Đất công như… đất vô chủ!

Ngoài những hợp đồng lớn nêu trên, trả lời PV, đại diện Phòng Quy hoạch – kỹ thuật hạ tầng (thuộc BQL) cho biết có 11 trường hợp là đối tượng bên ngoài, không có đất thuộc diện giải tỏa đã lấn chiếm gần 5 ha đất dọc đường số 11 để làm bãi gỗ, bãi container hoặc cho thuê mặt bằng trái phép. Sau đó, BQL gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết, cưỡng chế nhưng “đâu vẫn còn đó”.
Đến khi có kết luận của Thanh tra TP.HCM thì UBND Q.9 được giao nhiệm vụ xử lý, thu hồi mặt bằng đối với các trường hợp vi phạm này. UBND Q.9 ban hành 11 quyết định cưỡng chế yêu cầu trả lại đất, nhưng đến tháng 1.2020 mới chỉ có 6 đơn vị tự giác di dời tài sản ra khỏi công viên, còn 5 đơn vị khác vẫn tiếp tục sử dụng trái phép.
“Khi công nhân đang xây tường rào bảo vệ đất nhà nước thì các trường hợp chiếm giữ trái phép đất nhà nước vận động tài xế, đưa xe ben ra ngăn cản”, một cán bộ của BQL cho hay.
Nghiêm trọng hơn, cuối năm 2018, có đối tượng lạ mặt tới chiếm diện tích hơn 1 ha đất trống trên đường Hàng Tre (đoạn gần đường Nguyễn Xiển, P.Long Bình). Sau đó, UBND P.Long Bình lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Để bảo vệ đất, BQL đào hào, lập chướng ngại vật ở đầu đường ngăn chặn xe tải, thì đối tượng chiếm đất lại thuê mặt bằng của một hộ dân tái chiếm trên đường Nguyễn Xiển để làm cửa cho xe chở gỗ ra vào.
Theo ghi nhận của PV, vào giữa tháng 6.2020, các khối gỗ trong khu đất trên được chất thành từng đống, bên trên phủ bạt. Ngoài ra, ở phía cuối đường Hàng Tre (đoạn gần bến xe buýt), 1 khu nhà xưởng sửa chữa ô tô khác rộng hàng ngàn mét vuông dựng lên sừng sững, container và đầu máy kéo xếp kín 2 bên đường. Đại diện BQL cho biết khu đất này đã được bồi thường, nhưng sau đó người dân quay về tái chiếm và lấn chiếm thêm đất trống bên cạnh để cho thuê mặt bằng trái phép. (còn tiếp)

Tái chiếm tràn lan

Cũng tại dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM), tình trạng người dân đã nhận bồi thường đầy đủ nhưng không chịu di dời, hoặc đã di dời rồi sau đó quay về tái chiếm diễn ra khá phổ biến, nhưng chính quyền địa phương lại thiếu các biện pháp xử lý quyết liệt.
Thống kê cho thấy còn 279 trường hợp đã nhận bồi thường nhưng tiếp tục sử dụng nhà cửa để ở hoặc cho thuê. Điển hình tại khu dân cư gần cầu Đồng Tròn (KP.Thái Bình 1, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM), một hộ dân cho biết nhà nước chưa thực hiện dự án nên gia đình tiếp tục ở lại, nhiều nhà khác thì cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê làm bãi phế liệu…
Tương tự, dọc đường Nguyễn Xiển có hàng chục căn nhà chưa bàn giao, người dân tiếp tục sử dụng, cho thuê mặt bằng, bến bãi.
SỸ ĐÔNG
TNO