23/12/2024

Thủ khoa chia sẻ khung giờ học bài hiệu quả

Thủ khoa chia sẻ khung giờ học bài hiệu quả

Nhiều thủ khoa, giáo viên… cho rằng cần chia thời gian học, ôn bài cho hợp lý, đồng thời tránh thức khuya để ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

 

Nhiều thủ khoa cho rằng buổi tối chỉ nên ôn lại kiến thức thay vì cố gắng học thuộc bài /// Ảnh: Tấn Đạt
Nhiều thủ khoa cho rằng buổi tối chỉ nên ôn lại kiến thức thay vì cố gắng học thuộc bài  ẢNH: TẤN ĐẠT

Để tránh làm “cú đêm”

Nguyễn Phương Linh, học sinh (HS) lớp 10C2, thủ khoa đầu vào Trường THPT Gia Định, TP.HCM, với 3 môn lần lượt là toán 10 điểm , ngữ văn 9 điểm và tiếng Anh 9,5 điểm, cho biết để tránh làm “cú đêm” thì trong quá trình ôn thi cố gắng tập trung, hiểu bài trên lớp. Với môn học có lượng bài tập nhiều sẽ giải đề ngay tại lớp học tránh “ôm” về nhà hoặc để tồn đọng lâu ngày.

“Ở môn toán phải học thuộc công thức, giải đa dạng bài tập, đề thi. Môn văn mình học thuộc thơ, còn cách phân tích thì tham khảo cách viết từ các bài văn mẫu, như thế làm cho dòng văn của mình khi diễn đạt sẽ trôi chảy hơn, cũng như cố gắng đọc báo, xem thời sự để áp dụng vào các dạng bài nghị luận xã hội”, Phương Linh bộc bạch.

Thủ khoa chia sẻ khung giờ học bài hiệu quả - ảnh 1

Nguyễn Phương Linh cố gắng hiểu bài và làm bài tập ngay trên lớp để tránh trở thành “cú đêm”  ẢNH: TẤN ĐẠT

Nguyễn Phương Linh cho biết những ngày không đi học thêm vào buổi chiều sẽ dành 30 đến 40 phút chạy bộ tại công viên gần nhà. “Mỗi khi em chạy bộ là liên tưởng đến các công thức, cách giải bài tập rất dễ dàng. Sau khi ăn cơm xong, 20 giờ em ôn bài đến 22 giờ là đi ngủ. Em luôn luôn thức dậy lúc 5 giờ để tập thể dục sau đó mới học bài, như thế cực kỳ hiệu quả”, Phương Linh nói.

Lê Minh Giao, thủ khoa đầu vào Học viện Cán Bộ TP.HCM năm 2019 (8,5 điểm môn văn, 9 điểm môn sử, 8.5 điểm môn sử) chia sẻ để có đủ kiến thức “chiến đấu” cho kỳ thi quan trọng, đòi hỏi phải cố gắng làm nhiều bài tập, ôn lý thuyết, hỏi thầy cô, bạn bè khi gặp vấn đề không hiểu. Và tất nhiên việc học ban đêm là điều không thể tránh khỏi, vì kiến thức là vô tận, với thời gian ít ỏi trên lớp thì không thể đáp ứng để đảm bảo cho kết quả cao.

“Học bài khuya sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, mình chia đôi thời gian trong ngày ra từng khung giờ, buổi sáng học bài, buổi chiều làm bài tập, giải đề, buổi tối thì ôn lại những kiến thức, trước khi ngủ thì suy ngẫm những gì mình đã học trong ngày”, Minh Giao nói.

Theo Lê Minh Giao khung giờ để học bài lý tưởng là buổi sáng từ 5 giờ đến 9 giờ, còn buổi tối từ 22 giờ đến 23 giờ chỉ nên hình dung lại bài đã học trong ngày.

Dễ thuộc nhưng mau quên

Là một người đã từng trải việc ôn thi, cô Lê Thị Thúy, giáo viên bộ môn công nghệ, Trường THPT Lê Quý Đôn, nhìn nhận một khi đã quen với việc thức khuya thì học bài rất nhanh nhưng sau một đêm ngủ dậy thì mình sẽ tạm thời quên phần kiến thức đã học vào đêm đó. Tuy nhiên, nếu sáng dậy cố gắng ôn lại một chút thì sẽ tốt và đỡ lo lắng hơn.

“Hồi đó, 22 giờ tối là mình đi ngủ, dậy lúc 4 giờ 30 rồi vận động nhẹ tầm 15 đến 20 phút, sau đó ngồi vào bàn học bài thì cực kỳ hiệu quả, kiến thức đã học sẽ dễ nhớ hơn”,  cô Thúy chia sẻ.

Ngủ sớm, dậy sớm học hiệu quả hơn

Là một nhà giáo dục và là một giáo viên về kỹ năng, anh Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Thời gian nghỉ ngơi cho một ngày học tập và làm việc để có thể tái tạo năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo, nếu chúng ta cố gắng học quá khuya thì không thể nào có đủ năng lượng và tỉnh táo để học tập vào ngày hôm sau. Việc này cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của chúng ta”.

Anh Thanh Tuấn còn cho biết: “Thời gian học tập có thể bố trí linh hoạt tùy thuộc vào từng đối tượng, nhưng tốt nhất chúng ta có thể ôn bài và học bài vào khoảng thời gian từ 20 giờ đến 22 giờ. Vì cơ bản thời gian này có thể khái lược lại kiến thức trên lớp, giải bài tập về nhà và soạn bài cho ngày hôm sau, thời gian này phù hợp với đối tượng là các em học sinh…”.

Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, công tác tại chuyên khoa II Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chia sẻ: “Học bài từ khung giờ 22 giờ đêm đến 2, 3 giờ sáng rồi mới đi ngủ thì chỉ ‘công cốc’, vì lúc đó não sẽ bị bão hòa, việc tiếp thu hay ghi nhận rất kém do nó đã làm việc xuyên suốt từ sáng đến tối. Vì vậy, các em nên đi ngủ vào lúc 21, 22 giờ, đến 4, 5 giờ sáng thức dậy học sẽ hiệu quả hơn”.

 

TẤN ĐẠT

TNO