23/01/2025

Luật an ninh Hong Kong: Mỹ – Trung ném đá dò đường

Luật an ninh Hong Kong: Mỹ – Trung ném đá dò đường

Chỉ trong vòng 24h, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hai hành động liên tiếp nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh xung quanh dự luật an ninh sắp được thực thi ở Hong Kong.

 

 

Luật an ninh Hong Kong: Mỹ - Trung ném đá dò đường - Ảnh 1.

Hong Kong là một trong những điểm nóng của xung đột Mỹ – Trung. Trong ảnh: cảnh sát chống bạo động ngăn người biểu tình ở Mong Kok, Hong Kong ngày 12-6-2020 – Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố sáng 27-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói sẽ hạn chế cấp visa tới Mỹ cho các quan chức đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu của Trung Quốc có liên quan trong việc thúc đẩy thực thi luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Một ngày trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua 2 dự luật mở đường cho Nhà Trắng trừng phạt các quan chức Trung Quốc làm suy yếu nền tự chủ của Hong Kong cũng như lực lượng cảnh sát đặc khu.

Mỹ “nhá đòn”?

Ngoại trưởng Pompeo thông báo các hạn chế visa mới áp dụng với bất kỳ ai bị Mỹ cho là chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy “phá hoại” mức độ tự trị cao của Hong Kong. Một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ người thân của các cá nhân này cũng có thể bị liên lụy nhưng không nói rõ có bao nhiêu người nằm trong “danh sách đen”.

Giới quan sát cũng lưu ý các động thái của Mỹ xảy ra ngay trước thềm một cuộc họp về dự luật an ninh Hong Kong của cơ quan lập pháp Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ họp trong ba ngày, bắt đầu từ 28-6, để xem xét lần cuối và thông qua dự luật an ninh Hong Kong ngay trước lễ kỷ niệm 23 năm thu hồi Hong Kong (1-7).

Bà Bonnie Glaser – một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) – nhận định việc hạn chế cấp visa chỉ là một hành động mang tính biểu tượng. Đó là chưa kể chuyện không nêu tên các quan chức Trung Quốc càng khiến sức mạnh của biện pháp trừng phạt bị giảm bớt.

Cũng có người cho rằng Washington chỉ đang “nhá đòn” để Bắc Kinh điều chỉnh lại các điều khoản trong dự luật an ninh Hong Kong. Cuối tháng 5, sau khi Quốc hội Trung Quốc mở đường cho việc soạn thảo dự luật, Tổng thống Trump đã đáp trả lại ý định của Bắc Kinh bằng tuyên bố sẽ bắt đầu tiến trình loại bỏ những ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.

Tuy nhiên, cảnh báo này dường như không làm Bắc Kinh nao núng và tiếp tục chạy nước rút với luật an ninh Hong Kong.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích động thái hạn chế visa của Mỹ, yêu cầu Washington ngừng viện dẫn “Tuyên bố chung Trung – Anh” để đưa ra “các nhận xét vô trách nhiệm về Hong Kong”.

“Mỹ nên sửa sai ngay lập tức, rút lại quyết định vừa đưa ra và ngừng ngay việc can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc ra “lằn ranh đỏ”

Tất cả những gì thế giới biết về dự luật an ninh Hong Kong là các thông tin chung chung như có 66 điều trong dự luật, vốn được phát một cách nhỏ giọt bởi Tân Hoa xã. Việc Bắc Kinh giữ bí mật đến phút chót, theo giới phân tích, đã khiến chính quyền Trump vừa suy đoán vừa cân nhắc các hành động theo hướng không để căng thẳng mất kiểm soát.

Một bài viết ngày 26-6 trên tạp chí Wall Street Journal của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang sử dụng thương mại làm đòn bẩy để chiếm ưu thế trước Mỹ. Các chỉ số chính của Phố Wall đã sụt giảm ngay sau khi thông tin xuất hiện.

Wall Street Journal tiết lộ trong cuộc gặp hôm 16-6 giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ở Hawaii, Bắc Kinh đã gửi một thông điệp mang tính đe dọa tới Washington. Theo đó, thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa hai nước – điều Tổng thống Trump xem như một thành tựu có thể giúp ông tái đắc cử, sẽ bị hủy nếu Mỹ “vượt lằn ranh đỏ” của Trung Quốc trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương. Hai ngày sau, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng ra cảnh báo có tinh thần tương tự.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, ông Trump có lẽ sẽ phải cân nhắc giữa việc hồi sinh thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và trừng phạt Bắc Kinh vì vấn đề Hong Kong. Duy trì sự cân bằng giữa hai vấn đề này sẽ là bài toán khó giải với ông Trump.

Một số người tranh luận rằng Washington sẽ không bỏ rơi Hong Kong, nhưng mức độ quyết liệt của các biện pháp đáp trả có thể sẽ bị giảm bớt để đổi lấy việc Trung Quốc cam kết duy trì thỏa thuận.

Hong Kong bác đơn xin biểu tình 1-7

Cảnh sát Hong Kong ngày 27-6 đã bác đơn xin biểu tình ngày 1-7 của Mặt trận Nhân quyền dân sự (CHRF). Các nhà tổ chức dự định sẽ biến sự kiện diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 23 năm Anh trao trả Hong Kong thành một cuộc biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia do đại lục soạn thảo.

Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã viện dẫn sự kiện có nguy cơ dẫn tới bạo lực và COVID-19 để từ chối cấp phép. CHRF tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án.

DUY LINH
TTO