Lo đón ‘đại bàng’, đừng quên ‘chim sẻ’
Lo đón ‘đại bàng’, đừng quên ‘chim sẻ’
Hà Nội cần tận dụng thời cơ, đặc biệt là nghị quyết về cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, tận dụng cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu, các hiệp định FTA thế hệ mới cho phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác đầu tư và phát triển”, được tổ chức ngày 27-6. Sau khi lắng nghe ý kiến của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thủ tướng lưu ý thủ đô cần hành động một cách nhất quán theo phương châm hợp tác đầu tư và phát triển, không để đây chỉ là câu nói suông.
Hà Nội hết “không vội được đâu”
Đánh giá cao vai trò tiên phong của Hà Nội trong phục hồi kinh tế sau kiểm soát dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đang trở nên lạc hậu rồi. “Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp, hợp tác, tháo gỡ những bất cập trong chỉ đạo, điều hành…” – ông nói.
Theo Thủ tướng, VN nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng thủ đô, đang có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng chống dịch bệnh… Đặc biệt, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án FDI, nhiều tập đoàn và quốc gia lớn trên thế giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ châu Âu, Trung Quốc, các nước ASEAN…
Tuy nhiên, Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Phải có thể chế tốt, tranh thủ cơ chế đặc thù của Luật thủ đô, nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, đặc biệt là mới đây Quốc hội quyết định một số cơ chế tài chính cho Hà Nội để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Khẳng định rằng sự thành công của Hà Nội là thành công chung của các địa phương, vùng thủ đô và cả nước và ngược lại, Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, công khai, thuận lợi. Đặc biệt, chính quyền Hà Nội cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải tận dụng triệt để các cơ hội, cơ chế, chính sách đặc thù như một yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội.
Dẫn lại câu nói của đại biểu Quốc hội “Chúng ta đang làm tổ cho đại bàng đẻ, nhưng cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt ở thủ đô”, Thủ tướng nhấn mạnh cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển, bao gồm cả hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được phát triển tốt ở Hà Nội.
Điều đó có nghĩa Hà Nội phải tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, công khai và minh bạch. Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, Hà Nội vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần khắc phục nếu mong muốn thu hút đầu tư được tốt hơn, đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao, dưới mức bền vững, môi trường đầu tư được cải thiện nhưng chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế và cải cách hành chính còn nhiều trở ngại, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Không ngồi chờ mà chủ động xúc tiến đầu tư
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vương Đình Huệ – bí thư Thành ủy Hà Nội – khẳng định việc tổ chức hội nghị này sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát là thông điệp mạnh mẽ của Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông Huệ cam kết sẽ quan tâm, quyết liệt với các dự án có tính chất động lực đối với phát triển của Hà Nội, các dự án giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh như dự án chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, chống ùn tắc giao thông, xử lý chất thải, nước thải…
“Như quý vị đã nói, muốn có đại bàng thì phải có tổ lớn hay như ở miền Nam vẫn nói muốn có cá to thì phải có ao sâu. Nhưng Hà Nội không chỉ chuẩn bị tổ cho đại bàng mà còn chuẩn bị hạ tầng cho làng nghề, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các thành phần kinh tế, như quý vị hay nói là chuẩn bị tổ cho cả chích chòe và chào mào” – ông Huệ nói.
Ngay sau hội nghị này, với dự án được trao chủ trương đầu tư, Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết, triển khai giải phóng mặt bằng, giao quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư để đưa dự án vào triển khai ngay. Với các dự án ký biên bản ghi nhớ, sẽ hợp tác để những cam kết sớm được chấp nhận chủ trương đầu tư.
“Thành phố không ngồi chờ mà sẽ chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của thành phố” – ông Huệ nói.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – khẳng định với lợi thế cả về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chất lượng thể chế, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này và lan tỏa ra cả nước. Tuy nhiên, muốn đón làn sóng đầu tư mới không thể chỉ kêu gọi đầu tư nhưng “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” mà không hợp tác, không kết nối.
“Trong xúc tiến đầu tư, cần phục vụ tốt nhất các doanh nghiệp hiện có. Trước khi mời gọi các nhà đầu tư mới, hãy phục vụ tốt nhất các doanh nghiệp đang ở “trong sân, ngoài ngõ nhà mình”, vì chính những doanh nghiệp này sẽ góp phần mở rộng xúc tiến đầu tư tốt nhất cho Hà Nội” – ông Lộc nói.
Trao chứng nhận chủ trương đầu tư cho 229 dự án
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỉ đồng (tương đương 17,6 tỉ USD). Ngoài ra, Hà Nội cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Đức Chung – chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các dự án đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực như cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, tài chính – ngân hàng, nhà ở xã hội, du lịch – dịch vụ…
Trong giai đoạn 2016-2019, Hà Nội đã thu hút được 24,8 tỉ USD vốn FDI, trong đó năm 2018 và 2019 đều dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Kim Han Yong (chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN – KORCHAM):
Phải đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn
Cả thế giới đang chịu nhiều hệ lụy bởi dịch COVID-19. Sống và làm việc tại VN, tôi cảm nhận rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, đặc biệt là đối với ngành hàng không, du lịch. Do đó, đây là thời điểm rất cần sự đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn bởi “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Tuy nhiên, nhờ sớm khống chế được dịch bệnh cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các DN đã sớm hoạt động trở lại và đang dần ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn VN có sự hỗ trợ DN hơn nữa, đặc biệt là DN về du lịch. Đặc biệt, các DN đang có nhu cầu rất lớn về chuyên gia, nhà quản lý nên rất mong VN sớm cấp visa và mở đường bay quốc tế trở lại bình thường.
Ông Ousmane Dione (giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN):
Điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư
Dù dịch COVID-19 gây ra hậu quả khôn lường về sức khỏe và đời sống nhưng mang lại cơ hội phát triển chưa từng có cho thành phố Hà Nội bởi đây là địa phương kiểm soát, khống chế được dịch COVID-19 sớm. Nhờ đó, Hà Nội trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Đặc biệt, sự dịch chuyển theo hướng hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia mang đến cơ hội thu hút vốn FDI cho VN nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để biến thành hiện thực. Để làm được điều này, Hà Nội cần xây dựng chính sách khuyến khích FDI thông qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực, chuẩn bị nhân lực có tay nghề và kỹ năng có tính phức hợp cao.
Bình Dương: chuẩn bị nhiều dự án “đòn bẩy”
Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, chủ đầu tư nhiều khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương và một số địa phương khác – cho biết Bình Dương vẫn đang tích cực chuẩn bị pháp lý cho nhiều dự án lớn, có ý nghĩa “đòn bẩy” để sẵn sàng đón nhà đầu tư trở lại sau dịch.
Trong đó, đáng chú ý là dự án KCN khoa học công nghệ đầu tiên tại Bình Dương đang được hoàn thiện pháp lý và thúc đẩy đầu tư hạ tầng nhằm đưa vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp có hàm lượng chất xám, mang lại giá trị cao. Ngoài ra, các dự án đã được công bố trước đây như trung tâm thương mại thế giới, các dự án thành phần của đề án “thành phố thông minh” cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cũng theo ông Hùng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động thu hút đầu tư vào địa phương này có bị ảnh hưởng nhất định nhưng trong nửa đầu năm 2020, Bình Dương vẫn thu hút được 59 dự án FDI đầu tư mới và 53 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 853 triệu USD.
BÁ SƠN
Long An: sôi động đầu tư khu – cụm công nghiệp
Ngày 27-6, Công ty TNHH Hải Sơn (Đức Hòa, Long An) đã tổ chức lễ khởi công đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hải Sơn – Đức Hòa Đông (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) với tổng diện tích 261ha. Với việc khởi công cụm công nghiệp này, Công ty Hải Sơn đã nâng tổng diện tích khu – cụm công nghiệp do doanh nghiệp này đầu tư tại Long An lên đến 1.800ha, trong đó diện tích lấp đầy đến nay đạt gần 750ha.
Theo ông Nguyễn Văn Út – phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, với ưu thế tiếp giáp TP.HCM và là cửa ngõ từ miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây, cùng hệ thống hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, Long An đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Chỉ trong 2 tháng gần đây, tại Long An đã có 5 KCN – cụm công nghiệp được khởi công, gồm: KCN Silic – Đức Hòa 3, KCN Việt Phát, KCN An Nhựt Tân, KCN IDICO Hựu Thạnh và Cụm công nghiệp Hải Sơn – Đức Hòa Đông.
SƠN LÂM
Quảng Ngãi: thảm đỏ đón sóng đầu tư
Ông Đàm Minh Lễ – phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi – cho biết khi vào đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất, nhà đầu tư sẽ được ưu đãi rất lớn về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân… “Quảng Ngãi luôn trải thảm chào đón nhà đầu tư, với chủ trương là hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp, từ mặt bằng sạch cho đến hoàn chỉnh hạ tầng. Với những dự án nhỏ, chúng tôi có sẵn hạ tầng như KCN Vship, KCN Sài Gòn – Dung Quất” – một lãnh đạo ban quản lý này nói.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi, KCN Vship Quảng Ngãi mới đưa vào hoạt động đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có 7 dự án FDI đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 3.400 lao động. Ngoài ra một điểm sáng khác trong việc chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng đón nhà đầu tư là dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Sau ba năm triển khai, dự án này đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
TRẦN MAI
Bà Rịa – Vũng Tàu: tập trung cải cách thủ tục
Ông Nguyễn Anh Triết, trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết cơ quan này đang hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục trình UBND tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, chuẩn bị cho việc đón làn sóng đầu tư mới.
Theo ông Triết, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư như có cảng biển container nước sâu để xuất nhập hàng hóa trực tiếp sang Mỹ hay châu Âu, có đường ống dẫn khí gas thiên nhiên đến tận các nhà máy trong KCN. “Sản lượng cung cấp khí cho các nhà máy luôn ổn định và đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hình thành các ngành công nghiệp sản xuất lớn” – ông Triết cho biết.
ĐÔNG HÀ