23/12/2024

6 tháng đầu năm 2019, nông sản qua Trung Quốc giảm mạnh, tại sao?

6 tháng đầu năm 2019, nông sản qua Trung Quốc giảm mạnh, tại sao?

Thay vì chỉ cần dán tem truy xuất trên bao bì như trước, Trung Quốc đang yêu cầu in nội dung truy xuất hàng hoá trên bao bì. Ngoài ra, từ ngày 1-7, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.

 

 

6 tháng đầu năm 2019, nông sản qua Trung Quốc giảm mạnh, tại sao? - Ảnh 1.

 

Ngày 26-6, trao đổi bên lề tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” được tổ chức tại TP.HCM, ông Vi Công Tường, cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết vải thiều đang vào giữa vụ nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 2.000 tấn được làm thủ tục thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm mạnh so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ước tính trong 6 tháng đầu năm, lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn cũng chỉ đạt hơn 1 triệu tấn, giảm khoảng 1/3 so với mọi năm. Theo ông Tường, thị trường này hiện đã thay đổi, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng và hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc.

Nhiều nông sản của Việt Nam xuất thô qua Trung Quốc gặp khó khăn, xảy ra tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu. “Thay vì chỉ cần dán tem truy xuất trên bao bì như trước, Trung Quốc đang yêu cầu in nội dung truy xuất hàng hóa trên bao bì. Ngoài ra, từ ngày 1-7, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện”, ông Tường cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết tính đến hết tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản VN giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 15,49 tỉ USD, chủ yếu do tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 lan rộng khiến sức tiêu thụ giảm, xung đột thương mại Mỹ – Trung…

Nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp nông sản Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu trái cây của VN đứng thứ 3 trong khu vực (sau Philippines và Thái Lan), không thiếu thị trường tiêu thụ nhưng đang gặp khó do chưa xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng đảm bảo số lượng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đa số vụ khởi kiện, phạt nông sản Việt Nam đều liên quan đến dư lượng hóa chất trong sản phẩm. Nếu giải quyết được khâu này, nông sản Việt Namsẽ đi xa hơn. Muốn vậy, cần tăng cường hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp”, ông Nguyên gợi ý.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam tham gia và ký kết như CPTPP (có hiệu lực từ đầu năm 2019) và EVFTA (có hiệu lực từ tháng 8-2020).

“Nếu các doanh nghiệp trong nước đủ sức hội nhập, đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính, vai trò và vị thế của doanh nghiệp nông sản Việt Nam sẽ được khẳng định, không chỉ đem lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành nông nghiệp”, ông Mai Xuân Thành nhận định.

Cũng tại hội thảo, ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) – cho biết dù EVFTA đã được Quốc hội phê chuẩn và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa hiểu rõ hết các điều kiện ràng buộc. Chẳng hạn, EVFTA có đề cập hạn ngạch thuế quan của EU (TRQ).

Theo đó, cá ngừ Việt Nam có hạn ngạch TRQ là 11.500 tấn/năm và sản phẩm surimi có hạn ngạch 500 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa nắm được cơ chế phân bổ hạn ngạch đối với hai sản phẩm này để có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp.

Do đó, ông Hòe kiến nghị Bộ Công thương cần trao đổi với phía EU để thông báo sớm cho doanh nghiệp về cơ chế phân bổ hạn ngạch cá ngừ và surimi trước khi hiệp định có hiệu lực.

N.BÌNH
TTO