23/01/2025

Vốn FDI vào bất động sản 6 tháng đầu năm chưa đạt tỉ USD

Vốn FDI vào bất động sản 6 tháng đầu năm chưa đạt tỉ USD

Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản sụt giảm mạnh /// Ảnh: TNO
Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản sụt giảm mạnh ẢNH: TNO
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đạt 15,67 tỉ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới vẫn gia tăng do có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỉ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới). Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020. Bên cạnh đó, trong số các dự án điều chỉnh vốn có Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.
Riêng vốn góp, mua cổ phần đạt tổng giá trị 3,51 tỉ USD, chỉ bằng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đầu với tổng vốn đạt trên 8 tỉ USD. Thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,95 tỉ USD. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, nhận được vốn đăng ký 1,08 tỉ USD.
Riêng ngành  kinh doanh bất động sản sau 6 tháng đầu năm nay chỉ thu hút được gần 850 triệu USD. Vốn ngoại vào bất động sản đã giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời cũng không có dự án nào ghi nhận có quy mô lớn như các năm trước.
Nửa đầu năm nay có sự thay đổi đáng kể về đối tác đầu tư. Các vị trí dẫn đầu đã không còn thuộc về các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mà Singapore đã trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng với tổng vốn đầu tư 5,44 tỉ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỉ USD và Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỉ USD.

Bên cạnh dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, có thể điểm mặt một số dự án lớn như Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải (Hồng Kông) với vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo tại Hải Phòng; Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh…

MAI PHƯƠNG
TNO